Nâng cao hiệu quả giảng dạy học phần thuế trong đào tạo cử nhân kinh tế
Nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi công tác giảng dạy thuế nói riêng và giảng dạy các học phần về kinh doanh nói chung cần phải đổi mới cách thức và phương pháp để đáp ứng trước những thay đổi trong môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.
Đánh giá thực trạng đào tạo học phần thuế cho sinh viên qua kinh nghiệm giảng dạy, các quan sát và thông tin thu thập của tác giả, đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả giảng dạy cho học phần này trong đào tạo cử nhân các ngành Kinh tế.
Giới thiệu
Trong bối nền kinh tế số đã, đang phát triển mạnh mẽ thì nguồn nhân lực nói chung và nhân lực trong lĩnh vực kinh tế nói riêng cần được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Một trong những kiến thức và kỹ năng cần thiết đối với nguồn nhân lực khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh cũng như các lĩnh vực khác là kiến thức và kỹ năng liên quan đến thuế.
Thuế được đưa vào chương trình đào tạo cử nhân kinh tế (chuyên ngành Thuế - Tài chính nhà nước và các chuyên ngành khác) của hầu hết các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Tuy nhiên, số lượng các văn bản pháp luật về thuế của Việt Nam hiện nay khá lớn, phức tạp và thường xuyên thay đổi. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, cơ quan phản hồi sinh viên tốt nghiệp không nắm rõ kiến thức và thực hành được các kỹ năng liên quan đến nghiệp vụ thuế sau khi tốt nghiệp.
Trong bối cảnh đó, công tác giảng dạy thuế nói riêng và giảng dạy các học phần về kinh doanh nói chung như là một ngành học và nghề nghiệp, cần phải thay đổi để đáp ứng với những thay đổi trong môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế, công nghệ, nhu cầu của người sử dụng lao động và các yếu tố khác. Việc thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm giúp sinh viên tiếp thu kiến thức và kỹ năng tốt hơn là yếu tố then chốt trong sự thành công của người giảng viên đối với hoạt động “dạy” của mình.
Bài viết đánh giá thực trạng đào tạo học phần thuế cho sinh viên, các quan sát và thông tin thu thập của tác giả, cũng như gợi ý các giải pháp để nâng cao hiệu quả giảng dạy cho học phần này trong đào tạo cử nhân các ngành kinh tế.
Thực trạng đào tạo học phần thuế hiện nay ở Việt Nam
Ngoài chuyên ngành Thuế hay Tài chính nhà nước, phần lớn các trường đại học, cao đẳng cung cấp cùng một nội dung học phần thuế cho các ngành đào tạo cử nhân kinh tế khác như: Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán… Khi đó, các trường giảng dạy các nội dung mà mình có khả năng cung cấp thay vì chọn lựa những nội dung sẽ gắn với thực tiễn công việc của từng ngành, giúp sinh viên gắn kết với vị trí mà mình dự định công tác sau khi tốt nghiệp.
Tài liệu, giáo trình được ấn bản khá nhiều nhưng tựu trung lại chỉ sao chép gần như nguyên văn các văn bản pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực thuế cộng với một vài bài tập để sinh viên có thể tính toán các loại thuế. Chưa có một giáo trình “thực thụ” chỉ tập trung vào diễn giải các nội dung cốt lõi của các luật thuế và đưa ra các tình huống thực tế mà người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế đã gặp phải cũng như giải quyết thay vì chép nguyên văn các văn bản pháp luật.
Các tài liệu giáo trình hiện có trên thị trường thường không có phần hướng dẫn cách thức sử dụng, cách thức giảng dạy và học tập dành cho giảng viên và sinh viên, vì thế giảng viên thường phải tự xây dựng bài giảng của chính mình và tùy biến nội dung cho phù hợp với điều kiện giảng dạy tại trường. Một hạn chế khác liên quan đến tài liệu giảng dạy và giáo trình thường không được cập nhật, do có sự thay đổi thường xuyên của hệ thống văn bản pháp luật.
Nội dung chương trình của học phần thường nặng về lý thuyết và hạn chế về thực hành. Giảng viên thường chỉ tập trung vào diễn giải các nội dung của các văn bản pháp luật về thuế và giải thích lý do tại sao các văn bản lại đưa ra các chỉ dẫn như thế, trong khi điều cốt lõi là phần nội dung đó liên quan thực tế đến từng chuyên ngành của sinh viên như thế nào thì thường ít được đề cập tới.
Nội dung lý thuyết khá lớn, phức tạp và hay thay đổi nên chiếm phần lớn thời gian lên lớp của giảng viên trong khi giờ thực hành lại ít. Thêm vào đó, để có thể thực hành việc tính toán, khai báo và nộp thuế trực tuyến - một đòi hỏi cần thiết vì số lượng các doanh nghiệp khai thuế điện tử trên các hệ thống eTax, các trang web như: nhantokhai.gdt.gov.vn, nopthue.gdt.gov.vn tính đến 31/12/2018 theo Tổng cục Thuế đã đạt 98,19% (Đức Minh, 2019) – giảng viên gặp rất nhiều khó khăn khi không thể kết nối với hệ thống khai báo trực tuyến. Nguyên nhân là do: Cơ sở đào tạo không có đủ máy tính cho sinh viên thực hành; số lượng sinh viên trên mỗi nhóm học phần khá lớn; việc đăng ký và đăng nhập vào hệ thống khai báo điện tử đòi hỏi phải được cơ quan thuế chấp nhận; không có chứng thư số hay chữ ký số thực để thực hiện việc kê khai.
Những hạn chế trên dẫn tới việc thực hành của sinh viên cũng gặp khá nhiều khó khăn hoặc nếu có cũng chỉ qua loa, chiếu lệ. Để lấp đầy lỗ hổng này, giảng viên thường minh họa bằng hình ảnh, video về cách thức kê khai trên phần mềm và cách thức thu nộp thuế trực tuyến (Hoàng Văn Tuấn, 2016), nhưng phương pháp này thường không đạt hiệu quả cao, vì sinh viên khó hình dung khi không trực tiếp thao tác.
Điều này đưa đến thực trạng là sinh viên sau khi tốt nghiệp phải học thêm các lớp đào tạo ngắn hạn về thực hành khai báo thuế tại các cơ sở khác hoặc các cơ sở trực thuộc các trường với học phí không hề rẻ để có đủ kiến thức và kỹ năng thực tế đáp ứng yêu cầu công việc. Các lớp ngắn hạn này luôn đầy ắp học viên, vì họ có lợi thế về việc hướng sinh viên trực tiếp thực hành trên nền tảng các phương tiện họ có sẵn như hệ thống máy tính, internet, chữ ký số hoặc chứng thư số của chính trung tâm họ.
Ngoài ra, một bộ phận giảng viên chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến thuế trong các tổ chức cũng như không có cơ hội thực hành thực tế về đăng ký, kê khai, thu nộp các loại thuế. Điều này dẫn đến 2 vấn đề: Giảng viên diễn giải nội dung của các văn bản pháp luật không đúng theo ý nghĩa thực tế của các văn bản đó hay là chỉ đơn thuần tóm tắt câu chữ trong các văn bản mà không có giải thích cụ thể gì thêm và gắn kết nội dung đó với một hoặc vài vấn đề thực tiễn đã và đang xảy ra trong thực tế.
Nguyên nhân chính là phần lớn giảng viên phải dành thời gian giảng dạy tại trường, mà ít có kết nối với thực tế công việc bên ngoài với vai trò như là một kế toán viên, một tư vấn viên hay một đại lý thuế. Vì vậy, họ khó có thể áp dụng các nghiên cứu cũng như chọn lựa các tình huống thực tiễn để minh họa một cách sinh động cho bài giảng của mình.
Đối với các cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, thuế bị coi là một lĩnh vực nhạy cảm nên không dễ để sinh viên được tiếp cận khi sinh viên đến kiến tập hoặc thực tập tại các đơn vị. Vì vậy, kết quả thu được từ các đợt thực tập, kiến tập của sinh viên không nhiều và không cao. Qua nhiều năm hướng dẫn sinh viên, cho thấy, đã ghi nhận nhiều trường hợp doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên nhưng không cho sinh viên tiếp xúc với bất kỳ công việc gì ngoài việc cung cấp số liệu, thậm chí có doanh nghiệp không yêu cầu sinh viên đến thực tập hoặc từ chối nhận sinh viên thực tập.
Khi xây dựng chương trình đào tạo, các cơ sở giáo dục đều có khâu lấy ý kiến phản hồi của các bên có liên quan, trong đó có các đơn vị tuyển dụng. Tuy nhiên, kết quả thu được cũng không khả quan vì nhiều doanh nghiệp không có phản hồi và nếu có thì ý kiến đóng góp cũng không nhiều hoặc còn chung chung. Do đó, các chương trình đào tạo và nội dung của các học phần thường ít gắn với các nhu cầu thực tiễn của các đơn vị.
Nâng cao hiệu quả giảng dạy học phần thuế trong đào tạo cử nhân kinh tế
Tăng cường việc thực hành nghề nghiệp của sinh viên
Một người giảng viên có tư duy sáng tạo và đổi mới phải luôn tìm cách áp dụng các phương pháp tiếp cận mới hoặc cải tiến phương pháp hiện tại mà họ đang áp dụng để làm hứng khởi không khí học tập tại lớp. Giảng dạy họp phần thuế cũng không ngoại lệ.
Hiện nay, nhiều giảng viên khi giảng day, luôn tìm cách tập trung phần thực hành hơn cung cấp lý thuyết đơn thuần cho sinh viên. Sau hai chương đầu nặng về lý thuyết liên quan đến giới thiệu học phần và các khái niệm cơ bản về thuế, từ chương thứ ba, đổi mới phương pháp không tập trung nhiều vào các trang trình chiếu, mà kết hợp với phương pháp giảng dạy đặt vấn đề. Phương pháp này giúp cho sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên được tốt hơn và sinh viên có nhiều cơ hội trao đổi với giảng viên về các vấn đề của môn học.
Kết quả các các cuộc đối thoại trên lớp hỗ trợ rất nhiều vào tiến trình học tập của sinh viên, giúp sinh viên làm sáng tỏ được các vấn đề mà các em quan tâm. Thông qua phương pháp giảng dạy này, sinh viên được rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho công việc của mình trong tương lai. Sử dụng phương pháp kết hợp này không có nghĩa là giảng viên hoàn toàn không sử dụng trang trình chiếu mà chỉ coi chúng như là một công cụ hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình học tập chứ không phải như một tài liệu giảng dạy thu nhỏ hay nguồn tham khảo thường ngày. Thay vào đó, sinh viên có thể sử dụng các trang trình chiếu đó hoặc tự chuẩn bị trang trình chiếu của chính mình trong các buổi trình bày và thảo luận về một chương hay một vấn đề trong chương trình học.
Để làm sáng tỏ hơn các diễn giải nội dung của các văn bản pháp luật và giúp sinh viên có thể áp dụng các nội dung này, giảng viên nên tổ chức thảo luận các tình huống thực tế mà người nộp thuế thường gặp phải. Bản thân tác giả đã tự xây dựng một bộ câu hỏi, bao gồm các câu hỏi trực tiếp đến nội dung và việc vận dụng các văn bản pháp luật vào tình huống của các doanh nghiệp, cũng như các câu hỏi mở vào các buổi thảo luận cho sinh viên.
Sinh viên phải có thời gian chuẩn bị cho các câu hỏi này trước khi bắt đầu buổi thảo luận chung. Các nhóm sinh viên sẽ sử dụng các văn bản pháp luật hiện hành để đưa ra cách giải quyết cho các tình huống đã cho trước và sau đó đóng góp ý kiến trong buổi thảo luận chung tại lớp. Giảng viên sẽ là người tổng hợp và đưa ra cách giải quyết hợp lý cho mỗi tình huống.
Thông qua hoạt động này, sinh viên sẽ được củng cố kiến thức về các luật thuế và cách thức diễn giải về chúng như thế nào bởi các nhóm lợi ích khác nhau, bằng cách sử dụng các công cụ tìm kiếm trực tuyến. Quá trình nghiên cứu liên tục này của sinh viên, với sự hướng dẫn của giảng viên, sẽ giúp đa dạng hóa môi trường học tập và củng cố những gì đã được dạy và những gì cần phải học.
Đối với các chương có tính toán và thực hành kê khai, thu nộp thuế, giảng viên trước hết cần hướng dẫn sinh viên hoàn thành các biểu mẫu trên giấy. Sau khi sinh viên đã nắm vững các nguyên tắc và những kiến thức, kỹ năng để thực hành thực tế, giảng viên cần cung cấp các phương tiện và công cụ cho sinh viên trực tiếp thực hành trực tuyến thông qua máy tính cá nhân ngay tại lớp hay sử dụng phòng máy tính có kết nối mạng của trường.
Để làm được điều này, bản thân giảng viên hoặc nhà trường cần có tài khoản đã được đăng ký với cơ quan thuế với đầy đủ chứng thư số hoặc chữ ký số để cung cấp cho sinh viên thực hành. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý thuế để đăng ký các tài khoản phục vụ cho mục đích giáo dục trên hệ thống khai thuế điện tử eTax. Có như vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể nắm rõ cách thức thao tác trực tiếp và bắt tay ngay vào công việc tại đơn vị.
Xây dựng nội dung đào tạo phù hợp với từng chuyên ngành
Giảng viên, sinh viên và các bên có liên quan, như là các nhà tuyển dụng, đều kỳ vọng về học phần thuế phải được đáp ứng. Những kỳ vọng này bao gồm sự hiểu biết cơ bản về các luật thuế và việc áp dụng nó vào trong thực tế cuộc sống, hoạt động kinh doanh của đơn vị. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc sử dụng chung một nội dung học phần cho các chuyên ngành khác nhau sẽ không đáp ứng nhu cầu của sinh viên cũng như thị trường lao động. Ngoại trừ chuyên ngành thuế và tài chính nhà nước, sinh viên các ngành khác thuộc khối kinh tế, kinh doanh có mối quan tâm khác nhau đến thuế.
Vì vậy, các đơn vị đào tạo cần có sự chuyên biệt trong việc đào tạo đối với các chuyên ngành khác nhau. Hiện tại, một số trường đại học đã thực hiện việc chuyên biệt hóa này. Để thực hiện tốt điều này, cần thực hiện khảo sát lấy ý kiến của người học, người sử dụng lao động và các đối tượng khác về nhu cầu kiến thức và kỹ năng cần có đối với từng chuyên ngành, vị trí công việc. Trên cơ sở đó, cơ sở đào tạo xây dựng nội dung học phần đáp ứng yêu cầu của sinh viên cũng như các nhà tuyển dụng lao động.
Khi thay đổi nội dung chương trình, các cơ sở đào tạo cũng cần hướng tới việc sử dụng các giáo trình “chuẩn mực” hơn đối với từng học phần cho từng chuyên ngành. Các giáo trình cần “thân thiện” hơn với người dùng nhằm đáp ứng yêu cầu của sinh viên và giảng viên. Mỗi chương cần có mục tiêu hoặc kết quả đạt được sau khi học, danh mục các khái niệm hoặc từ mới, các hướng dẫn dành cho cả người học và người dạy, hệ thống văn bản pháp luật có liên quan và nội dung của chương cần trực tiếp dẫn các văn bản này để sinh viên có thể tra cứu, các tình huống thực tế (Bret N. Bogenschneider, 2015) liên quan đến các luật thuế, hình ảnh hay số liệu minh họa...
Bên cạnh đó, các giáo trình, tài liệu cần được kết hợp với các công cụ tham khảo trực tuyến chẳng hạn như mục giải đáp chính sách tài chính trên trang web của Bộ Tài chính tại địa chỉ www.mof.gov.vn; các diễn đàn chia sẻ thông tin về các văn bản pháp luật như www.webketoan.vn và rất nhiều các trang khác. Một hình thức khác mà các nhà xuất bản nước ngoài thường sử dụng là đính kèm đĩa dữ liệu về các văn bản luật và các tình huống thực tế cùng với sách. Có như vậy, các giáo trình mới tạo hứng thú và sẵn tiện cho sinh viên học tập và nghiên cứu.
Nâng cao ý thức tự học, tự cập nhật kiến thức của sinh viên
Vai trò của giảng viên trong quá trình dạy – học ở bậc đại học là quan trọng nhưng ý thức tự học, tự cập nhật kiến thức của sinh viên cũng quan trọng không kém trong việc hoàn thành mục tiêu của quá trình đó. Như đã đề cập ở trên, giảng viên cần nắm rõ những nhu cầu của người học để áp dụng các phương pháp giảng dạy kết hợp, nhằm đáp ứng các nhu cầu đó. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc giảng viên và sinh viên nên dành nhiều thời gian trên lớp để cùng nhau giải quyết các tình huống các đơn vị hay gặp về thuế trong thực tiễn và các câu hỏi ôn tập nội dung của từng bài học, thay vì giảng viên chỉ truyền đạt lý thuyết một chiều.
Thêm vào đó, để hoạt động này này đạt kết quả cao, sinh viên cần phải đọc trước giáo trình, tài liệu giảng dạy ở nhà và chuẩn bị cho các câu hỏi và tình huống. Khi tham gia thảo luận với các sinh viên khác hay trao đổi với giảng viên, sinh viên sẽ ngày càng tự tin và có thể lấp đầy các hạn chế, khiếm khuyết về lý thuyết lẫn kỹ năng cá nhân và kỹ năng thực hành nghề nghiệp.
Kết quả áp dụng phương pháp này cho thấy, sinh viên tham gia rất tích cực vào các hoạt động trên lớp cũng như có ý thức quan tâm đến các vấn đề thời sự liên quan đến thuế. Thông qua buổi thuyết trình tại lớp, sinh viên sẽ có được cái nhìn đa chiều về những vấn đề mà lớp đang thảo luận, từ đó đối chiếu với những ý kiến, giải pháp mà mình đưa ra có hợp lý hay hạn chế ở những điểm nào.
Trong một môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế luôn thay đổi với nhiều vấn đề mới phát sinh, các chính sách của Nhà nước cũng cần phải thay đổi để thực hiện quản lý, điều tiết nền kinh tế. Chính sách thuế cũng không ngoại lệ. Do đó, giảng viên cần lưu ý sinh viên, phải chủ động cập nhật, hình thành nên thói quen tra cứu, tìm hiểu những thay đổi để tránh sai sót trong quá trình áp dụng các văn bản pháp luật vào thực tế tại đơn vị công tác. Việc tự nghiên cứu hiện nay rất dễ dàng nhờ vào mạng internet hoặc sự hỗ trợ ngày càng hiệu quả từ các cơ quan quản lý thuế.
Quá trình đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng cần được thực hiện trong suốt chương trình giảng dạy, không nên tập trung vào một vài bài kiểm tra hay bài tập về nhà. Mặc dù trên thực tế, nếu giảng viên tham khảo ý kiến của sinh viên, họ sẽ nhận ra rằng, sinh viên có khuynh hướng không muốn được kiểm tra nhiều. Tuy nhiên, không có phương án khả thi nào khác tốt hơn để giảng viên, nhà trường có thể cung cấp cho các nhà tuyển dụng một chuẩn so sánh giữa sinh viên này với sinh viên khác bằng kết quả học tập.
Để tạo cho sinh viên ý thức tự giác trong học tập, nghiên cứu, giảng viên nên sử dụng kết hợp nhiều phương pháp đánh giá thông qua các câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi kiểm tra kiến thức mỗi chương, tình huống thực tế, câu hỏi thảo luận mở, các bài tập ứng dụng, bài thuyết trình, bài kiểm tra giữa kỳ, bài tập về nhà và bài tập nhóm… Bằng cách này, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện khả năng của bản thân và có thể học được nhiều hơn từ các sai sót của mình.
Cần có sự tham gia của các nhà tuyển dụng vào quá trình đào tạo của nhà trường
Các nhà tuyển dụng cũng chính là người sử dụng các sản phẩm của quá trình đào tạo từ nhà trường cần phải tham gia sâu hơn vào việc hoàn thiện các kiến thức và kỹ năng cho sinh viên, những sản phẩm mà mình sẽ mong muốn sử dụng trong tương lai. Như đã trình bày ở các phần trên, doanh nghiệp thường than phiền về kiến thức và kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh tế và cho biết phải đào tạo lại.
Theo Hoàng Mạnh (2018), tỷ lệ đào tạo lại lao động cũng như chi phí của các doanh nghiệp cho việc đào tạo lại ngày càng tăng. Tuy nhiên, phần lớn việc đào tạo lại tập trung vào phát triển các kỹ năng làm việc hơn là cung cấp, bổ sung kiến thức vì sinh viên tốt nghiệp thường yếu về khâu thực hành (Lê Tuyết, 2018).
Để giúp sinh viên bắt tay ngay vào công việc sau khi tốt nghiệp, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tuyển dụng với các cơ sở đào tạo trong việc hoàn thiện kiến thức và kỹ năng cho sinh viên. Các đơn vị đào tạo cần tăng cường khảo sát ý kiến của các đơn vị tuyển dụng và các bên có liên quan khác để có thể xây dựng nội dung giảng dạy cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Việc lấy ý kiến có thể thực hiện trực tiếp tại đơn vị, thông qua phỏng vấn, mời tham gia các hội thảo hoặc sử dụng bảng hỏi trực tuyến. Dữ liệu thu thập được cần, tổng hợp, phân tích để đưa ra các khuyến nghị cần thiết cho cơ sở đào tạo. Mặt khác, các nhà tuyển dụng phải tham gia tích cực vào việc hỗ trợ các hoạt động đào tạo của nhà trường thông qua sự phản hồi các ý kiến về nội dung chương trình đào tạo cũng như tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc với công việc thực tiễn bằng nhiều hình thức. Có như vậy, sinh viên tốt nghiệp mới đáp ứng đầy đủ các yếu tố về năng lực chuyên môn và kỹ năng theo yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Kết luận
Giảng dạy các học phần về kinh tế và kinh doanh, trong đó có thuế, trong bối cảnh sự thay đổi nhanh chóng và liên tục của môi trường kinh doanh trong nước và thế giới cũng như chính sách của Nhà nước là một thách thức nhưng cũng là một điều thú vị cho các giảng viên, bởi vì thuế có thể được dạy theo nhiều cách. Từ thực trạng các hạn chế của sinh viên khi tốt nghiệp trong việc dụng kiến thức và kỹ năng vào công việc thực tiễn đến từ cách dạy và học, bài viết đã đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả giảng dạy học phần thuế cho sinh viên các ngành kinh tế.
Điểm mấu chốt nhằm giúp sinh viên có thể tiếp cận ngay với công việc sau khi tốt nghiệp là cần phải tăng tính thực hành của môn học thay vì mãi tập trung vào truyền đạt lý thuyết. Với từng chương trình đào tạo khác nhau, cơ sở đào tạo cần xây dựng nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu của người học và người tuyển dụng lao động, tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu trong kiến thức và kỹ năng.
Sự thay đổi cần bao quát cả về nội dung chương trình, tài liệu giảng dạy, giáo trình và sự kết hợp phương pháp giảng dạy của giảng viên. Thêm vào đó, khả năng tự học và tự cập nhật kiến thức của sinh viên đóng một vai trò không hề nhỏ vào sự thành công của tiến trình dạy – học học phần này. Sinh viên cần phải ý thức được việc học là nhằm phục vụ cho công việc sau này và khả năng tự cập nhật kiến thức để tránh bị tụt hậu và sai sót trong công việc là điều quan trọng khi đi làm thực tế.
Cuối cùng, sự tham gia chặt chẽ của những nhà tuyển dụng vào quá trình đào tạo của nhà trường là một yếu tố quan trọng giúp cho sự thành công của cả chương trình đào tạo nói chung và học phần thuế nói riêng. Các nhà tuyển dụng cần thấy rằng sự đóng góp thiết thực của mình sẽ đem đến kết quả mong muốn khi tuyển dụng sinh viên từ các cơ sở đào tạo.
Tài liệu tham khảo:
- Đức Minh (2019), 685.002 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai, nộp thuế điện tử, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2019-03-03/685002-doanh-nghiep-su-dung-dich-vu-khai-nop-thue-dien-tu-68392.aspx;
- Hoàng Văn Tuấn (2016), Nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy trường hợp đối với học phần thuế, Đại học Nha Trang;
- Hoàng Mạnh (2018), Đào tạo lại: Vì doanh nghiệp hay người lao động? https://dantri.com.vn/viec-lam/dao-tao-lai-vi-doanh-nghiep-hay-nguoi-lao-dong-20180614095957187.htm;
- Lê Tuyết (2018), Doanh nghiệp đào tạo lại lao động đến 70% là đào tạo những gì?, https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-dao-tao-lai-lao-dong-den-70-la-dao-tao-nhung-gi-644333.ldo;
- Bret N. Bogenschneider, Esq (2015), A guide to teaching tax law from an international perspective. American International Journal of Contemporary Research, Vo.5, No.5.2015;
- Rosenburg, Marc (2001), E-Learning: Strategies for Delivering Knowledge in the Digital Age. New York: McGraw-Hill. Ebook.