Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công theo hướng bền vững


Công tác quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 và năm 2021 đã được cải thiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu an toàn nợ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn an toàn, nợ công dự kiến cuối năm 2021 khoảng 44% GDP, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và bồi đắp dư địa chính sách tài khóa.

Hưng ti qun lý n công ch đng, hiu qu

Bối cảnh khu vực và thế giới giai đoạn 2016-2020 và năm 2021 có nhiều yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen. Kinh tế, thương mại thế giới phục hồi và phát triển vào những năm đầu kỳ, tuy nhiên, các yếu tố như: Cạnh tranh địa chính trị, kinh tế, thương mại gia tăng; chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vấn đề khủng hoảng nợ công ở một số nước, sự kiện Brexit… và gần đây là đại dịch COVID-19, cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu, môi trường... đã và đang tác động tiêu cực tới kinh tế, thương mại và ổn định chính trị, xã hội trong khu vực và trên thế giới.

Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công theo hướng bền vững  - Ảnh 1

Trong nước, kinh tế vĩ mô đạt được những thành tựu nhất định, nền kinh tế ổn định hơn so với giai đoạn 2011- 2015, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ nét. Việc Việt Nam được gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình là một dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều khả năng mới để quản lý nợ chủ động, hiệu quả. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường trái phiếu trong nước đem lại cơ hội huy động nợ tương đối dài hạn với chi phí hợp lý...

Đánh giá cho thấy, công tác quản lý nợ công trong giai đoạn 2016-2020 và năm 2021 đã cải thiện hơn so với giai đoạn 2011-2015. Các chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần được Quốc hội phê chuẩn cho từng giai đoạn và có xu hướng giảm dần, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và bồi đắp dư địa chính sách tài khóa.

Cơ cấu vay nợ trong nước, nước ngoài cũng được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn. Việc trả nợ luôn đảm bảo đúng hạn, không để xảy ra nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới các cam kết, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia và tăng dư địa chính sách tài khóa để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước cú sốc vĩ mô. Một số điểm nhấn nổi bật có thể đề cập tới như:

- Khuôn khổ pháp lý, chính sách quản lý nợ công từng bước được nghiên cứu, xây dựng, ban hành, bổ sung và hoàn thiện, tiệm cận dần với thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nợ công.

Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công theo hướng bền vững  - Ảnh 2

Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng ban hành và tổ chức thực hiện các công cụ quản lý nợ công, trình Quốc hội phê duyệt các chỉ tiêu trần và ngưỡng cảnh báo an toàn nợ. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay trả nợ hằng năm, các chỉ tiêu đánh giá bền vững nợ công, định hướng vay và trả nợ công, nhằm sớm triển khai vào thực tiễn các chủ trương, giải pháp quản lý nợ công.

- Tỷ lệ nợ công đã giảm dần, từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn khoảng 55,9% GDP cuối 2020; nợ Chính phủ từ mức 52,7% GDP năm 2016 xuống 49,9% GDP cuối năm 2020. Năm 2021, mặc dù diễn biến phức tạp của đại dịch COVID- 19, thiên tai và nhiều yếu tố bất lợi đến phát triển kinh tế đã ảnh hưởng đến thu, chi và bội chi NSNN, các chỉ tiêu an toàn nợ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, nợ công tính đến cuối năm 2021 dự kiến khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% (GDP đánh giá lại), nằm trong mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội phê duyệt.

- Huy động được khối lượng vốn lớn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hàng năm. Việc huy động vốn dưới hình thức trái phiếu đã góp phần phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu chính phủ, gắn với phát hành trái phiếu chính phủ với tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ.

- Hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vay về cho vay lại có nhiều cải thiện. Thực hiện thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, đảm bảo nghĩa vụ nợ theo cam kết với chủ nợ, đảm bảo uy tín của quốc gia.

Trong những năm qua, việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng tới cam kết với các nhà đầu tư, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia...

Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công theo hướng bền vững  - Ảnh 3

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, công tác quản lý nợ công cũng đối diện với không ít khó khăn, hạn chế. Cụ thể như:

Một là, cơ cấu nợ tuy đã có sự thay đổi nhưng đặc điểm danh mục nợ Chính phủ vẫn tiềm ẩn rủi ro; điều kiện vay vốn ODA, ưu đãi nước ngoài kém thuận lợi hơn so với trước đây. Đặc điểm chi phí - rủi ro danh mục nợ Chính phủ có xu hướng kém thuận lợi hơn trước đây và ghi nhận thách thức kép về điều kiện vay vốn nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn, trong khi thị trường vốn trong nước còn chưa thực sự phát triển.

Hai là, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ còn chậm.

Ba là, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng tăng lên. Trong 5 năm vừa qua (2016-2020), nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước diễn biến không đồng đều với xu hướng tăng lên vào cuối giai đoạn, từ mức 15,8% năm 2016 lên khoảng 21,2% cuối năm 2020, gia tăng áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước và huy động vốn vay để trả nợ.

Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công theo hướng bền vững  - Ảnh 4

Thứ tư, kỳ hạn trái phiếu chính phủ chưa đa dạng, việc huy động vốn của Chính phủ gặp một số áp lực nhất định tại một số thời điểm; thị trường trái phiếu chính phủ chưa hình thành đường cong lãi suất chuẩn đối với kỳ hạn ngắn và còn thiếu nhà đầu tư dài hạn.

Thứ năm, công tác quản lý nợ của chính quyền địa phương cũng còn hạn chế, cả về tổ chức bộ máy cũng như năng lực quản lý như: Chưa có cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý nợ, tham mưu một cách tổng thể công tác vay nợ; Năng lực tổng hợp, quản lý nợ vẫn còn nhiều hạn chế; Thiếu sự liên kết giữa khâu huy động vốn (đề xuất danh mục, lựa chọn dự án ưu tiên sử dụng vốn vay, xác định cơ chế sử dụng vốn vay, công tác vận động, đàm phán ký kết) và theo dõi quá trình vay, bố trí nguồn trả nợ; Chưa có cơ chế phối hợp giữa các sở ban ngành trong địa phương, để đảm bảo thực hiện vay trả nợ và theo dõi giám sát nợ chính quyền địa phương.

Thứ sáu, công tác quản lý, giám sát chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập cả về công cụ cũng như phương thức quản lý.

Các chỉ tiêu trần nợ nước ngoài của quốc gia mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay đã không còn phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế và bối cảnh Việt Nam đã được quốc tế xếp vào nhóm các quốc gia có khả năng tiếp cận thị trường vốn, không thuộc nhóm quốc gia có thu nhập thấp. Vì vậy, các chỉ tiêu trần và hạn mức nợ nước ngoài của quốc gia đang áp dụng đang mất dần ý nghĩa.

Gii pháp nâng cao hiu qu qun lý n công

Để nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai các giải pháp sau:

Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công theo hướng bền vững  - Ảnh 5

Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; tiếp tục tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp về quản lý nợ công đã nêu tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ nằm trong trần và ngưỡng cảnh báo được phê duyệt.

Thứ hai, tổ chức huy động vốn để đáp ứng nhiệm vay của ngân sách nhà nước trong trung hạn và hàng năm theo Nghị quyết của Quốc hội; đa dạng hóa nguồn vốn, phương thức và kỳ hạn vay trong nước và nước ngoài.

Thứ ba, tích cực triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về việc lập, chấp hành, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công.

Tăng cường kỷ luật, yêu cầu các chủ đầu tư phải giải ngân theo kế hoạch năm, khắc phục tình trạng cuối năm phải chuyển nguồn hoặc phải huy động vốn vay lớn dồn vào một thời điểm, ảnh hưởng đến an toàn về nợ công và an ninh tài chính quốc gia.

Thứ tư, cần tiếp tục bố trí nguồn vốn để thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn đối với nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ cũng như các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, không để ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và uy tín của Chính phủ.

Thứ năm, tập trung phát triển thị trường vốn trong nước để tăng khả năng huy động vốn với kỳ hạn dài, lãi suất phù hợp; tăng tính thanh khoản của thị trường; đồng thời, đa đạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ và tăng cường mở rộng cơ sở nhà đầu tư.

Nâng cao hiệu quả quản lý nợ công theo hướng bền vững  - Ảnh 6

Thứ sáu, triển khai các nghiệp vụ tái cơ cấu nợ chủ động theo hướng bền vững, tiến tới cải thiện chỉ tiêu an toàn nợ và nâng cao tính bền vững nợ trung, dài hạn. Tích cực triển khai nghiệp vụ quản lý nợ chủ động để giãn áp lực trả nợ.

Quản lý và kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước; xử lý dứt điểm các dự án gặp khó khăn trả nợ của giai đoạn trước; kiểm soát chặt chẽ các khoản bảo lãnh mới, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả

Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về quản lý nợ công và triển khai công cụ quản lý nợ chủ động, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả và tăng cường năng lực quản lý nợ công theo hướng tập trung hình thành cơ quan quản lý nợ công chuyên nghiệp, hiện đại theo thông lệ quốc tế; nâng cao trình độ công chức làm công tác quản lý nợ; củng cố, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý nợ; xây dựng cơ sở dữ liệu, thống kê về nợ.

Thứ tám, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, công khai minh bạch về nợ công; từng bước cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia. Nghiên cứu, tiến tới đổi mới phương thức và công cụ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia theo hướng tách bạch quản lý nợ nước ngoài của khu vực công và khu vực tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

* Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính).

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 - Tháng 01/2022.