Nâng cao hiệu quả quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước
Chiều ngày 29/9/2022, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả quản trị tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”.
Tham dự Hội thảo có 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý đại diện các đơn vị thuộc các bộ, ngành; các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên đến từ các viện nghiên cứu; một số hiệp hội, tập đoàn kinh tế, DN; cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị quyết số 12-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN đã đưa ra quan điểm chỉ đạo: “DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.
Với quan điểm coi kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, DNNN ở nước ta có vai trò lớn trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực và xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho DNNN phát triển, đóng góp vào những thành tựu to lớn chung của Đất nước.
Thực tế thời gian qua, hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã góp phần thực hiện tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nguồn vốn đầu tư của khối DNNN đã đóng góp đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động của các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có ảnh hưởng lớn đến phát triển một số ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN trong thời gian qua vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế quản trị DNNN còn chậm đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tính công khai, minh bạch còn hạn chế, hiệu quả quản trị tại các DNNN còn thấp...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính DN cho biết, với DN nói chung và DNNN nói riêng, quản trị đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì và phát triển DN; quản trị tạo ra một cấu trúc, tổ chức DN một cách hợp lý, phù hợp với đặc điểm, mục tiêu của công ty; nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp thúc đẩy DN phát triển bền vững, lâu dài.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 700 DNNN, đóng góp hơn 29% GDP của Đất nước, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực DN). Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả sản xuất - kinh doanh và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; vẫn còn tình trạng một số DN kinh doanh thua lỗ, hoạt động không hiệu quả. Một trong những nguyên nhân được xác định là do cơ chế quản trị DNNN chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 trong thời gian tới là cơ hội cho việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về quản trị DN; hướng tới áp dụng thông lệ quốc tế về quản trị DN trong điều kiện thực tế ở Việt Nam; cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư; tăng cường bảo vệ lợi ích của các chủ sở hữu, nhà đầu tư và bên có liên quan. Việc sửa luật vẫn phải đảm bảo việc quản trị DNNN được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm với mức độ chuyên nghiệp và hiệu quả cao.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản trị tại các DNNN, các chuyên gia tại Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất quan trọng. Theo ông Nguyễn Hồng Long – Phó trưởng ban chuyên trách, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN của Chính phủ, cần nâng cao tính độc lập của các bên liên quan, trong đó, xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu; bảo đảm trách nhiệm đi đôi với quyền hạn.
"Để nâng cao hiệu quả quản trị DNNN, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần thực hiện đầy đủ chức năng theo thẩm quyền, trách nhiệm đảm bảo Nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu. Nhà nước phải bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong DN", ông Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.
Ông Phạm Đức Trung - Trưởng Ban nghiên cứu cải cách và phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đề xuất, về lâu dài vẫn cần đẩy mạnh cổ phần hóa để thuận lợi hơn trong việc áp dụng các thông lệ tốt về quản trị DNNN. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và hiệu quả thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế để DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng.