Nâng cao kỷ luật thị trường để tăng trưởng bền vững


CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho biết, ước tính lượng trái phiếu có rủi ro cao trong năm 2024 là 40 nghìn tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với 147 nghìn tỷ đồng trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới trong năm 2023.

TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp
TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp

Kỷ luật thị trường được nâng cao hơn

Theo VIS Rating, phần lớn trái phiếu có rủi ro cao thuộc về các doanh nghiệp liên quan đến khối bất động sản hoặc xây dựng với dòng tiền yếu, tỷ lệ vay nợ cao và nguồn tiền mặt để trả nợ đến hạn rất hạn chế. Ngoài ra, có hơn 60% giá trị trái phiếu rủi ro cao trong năm 2024 đến từ các doanh nghiệp được thành lập chỉ để huy động vốn (SPEs), không có hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ rất yếu và có liên quan đến các nhóm doanh nghiệp đang gặp khó khăn đã chậm trả gốc/lãi.

Tuy nhiên, trong năm 2024, kỳ vọng kỷ luật thị trường cải thiện nhờ vào các quy định pháp lý chặt chẽ hơn đối với phát hành mới, giám sát công bố thông tin chi tiết và kịp thời hơn, cùng với sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức. Phát hành trái phiếu riêng lẻ phải công bố thông tin đúng thời hạn về mục đích sử dụng vốn, tình hình trả gốc lãi, tình hình tài chính của tổ chức phát hành (TCPH), trái chủ cũng sẽ có nhiều kênh thông tin hơn, để đánh giá rủi ro trái phiếu bao gồm kết quả xếp hạng tín nhiệm của trái phiếu hoặc của TCPH và thông tin giao dịch trên thị trường thứ cấp. Nhà đầu tư cá nhân sẽ được bảo vệ tốt hơn nhờ các quy định chặt chẽ đối với quy trình phát hành trái phiếu mới, còn nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và tổ chức có thêm nguồn thông tin tin cậy để đánh giá các TCPH, đặc biệt các TCPH chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn bị hạn chế về mặt thông tin.

Việc kỷ luật thị trường được nâng cao nhờ vào các quy định pháp lý chặt chẽ hơn đối với phát hành mới, bao gồm cả việc công bố thông tin chi tiết và kịp thời, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và sự tham gia lớn hơn của các nhà đầu tư tổ chức từ tháng 1/2024. Bên cạnh đó, “dưới các quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, các TCPH trái phiếu riêng lẻ cần công bố thông tin kịp thời hơn về tình hình sử dụng vốn từ trái phiếu phát hành, thanh toán gốc lãi trái phiếu, tài chính của TCPH. Điều này giúp tăng cường minh bạch trên thị trường trái phiếu riêng lẻ, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm về tính pháp lý của các công bố thông tin của TCPH tới nhà đầu tư, mục đích sử dụng vốn và nghĩa vụ thanh toán của TCPH”, Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating Nguyễn Đình Duy cho biết.

Được biết hiện có gần 40% trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ đã thực hiện đăng ký giao dịch trên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD). Việc đăng ký giao dịch này sẽ giúp các công bố thông tin từ TCPH được quản lý và thông tin nhà đầu tư TPDN được lưu ký tập trung dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp pháp lý nếu có sau này giữa trái chủ và TCPH. Phát hành trái phiếu mới hồi phục trong năm 2024.

Phát hành trái phiếu mới hồi phục

VIS Rating cũng nhận định, nhu cầu phát hành để bổ sung vốn của nhóm ngân hàng và các công ty bất động sản sẽ dẫn dắt phát hành trái phiếu mới hồi phục trong năm 2024. Những kỳ vọng môi trường kinh doanh cải thiện sẽ thúc đẩy nhu cầu mở rộng và nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Với thị trường, TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt khi so sánh với các thị trường phát triển hơn cho thấy giá trị phát hành trái phiếu mới sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2024 khi thị trường TPDN bước vào chu kỳ phát triển mới.

Theo đó, nhu cầu phát hành mới đáng kể từ khối ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp phần lớn giá trị phát hành trong năm 2024. Trên thực tế, phát hành mới của khối ngân hàng đóng góp tới 60% giá trị TPDN phát hành mới trong năm 2023. Các quy định chặt chẽ hơn về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ thúc đẩy ngân hàng phát hành trái phiếu nhiều hơn để bổ sung cơ cấu nguồn vốn dài hạn của mình. Ngoài ra, ngân hàng hàng năm thường phát hành mới đủ để bù đắp lượng trái phiếu mua lại và đáo hạn trong năm. Trong môi trường lãi suất thấp, ngân hàng sẽ có động lực để mua lại và phát hành trái phiếu có lãi suất hấp dẫn hơn.

Cùng với đó, giá trị phát hành TPDN của các doanh nghiệp bất động sản phục hồi cũng sẽ đóng góp cho mức phục hồi của phát hành TPDN mới trong năm 2024. Dự báo nhu cầu vốn của các doanh nghiệp bất động sản sẽ cao hơn trong năm 2024 khi các rào cản pháp lý được giảm bớt và cấp phép dự án được khôi phục trở lại, với các quy định liên quan đến bất động sản có hiệu lực kể từ năm 2024.

Ngoài ra, thanh khoản thị trường được cải thiện sẽ hỗ trợ khôi phục niềm tin nhà đầu tư và thúc đẩy nhu cầu đầu tư TPDN trong năm 2024. Thực tế, sau khi hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào vận hành vào tháng 7/2023, giá trị giao dịch TPDN riêng lẻ tăng dần và đạt mức 98 nghìn tỷ đồng vào tháng 12/2023 (khoảng 8% giá trị TPDN lưu hành). Giá trị giao dịch TPDN phát hành ra công chúng cũng hồi phục trong nửa cuối năm 2023 cho thấy sự khôi phục về thanh khoản của thị trường TPDN.

“Ở thời điểm tháng 1/2024, đã có gần 40% của 2.700 trái phiếu đang lưu hành đã đăng ký trên VSD và có thể giao dịch trên hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ. Chúng tôi kỳ vọng thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện khi 60% trái phiếu đang lưu hành còn lại thực hiện đăng ký trên VSD trong năm 2024”, ông Nguyễn Đình Duy”, cho biết.

Theo Thời Báo Ngân Hàng