Nâng cao năng lực để tiếp cận những ưu đãi từ thị trường EU
Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức diễn đàn “Hội nhập kinh tế quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2019” với chủ đề: “Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường Liên minh Châu Âu (EU) thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)”.
Theo các chuyên gia, EVFTA là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Cam kết mở cửa cả những lĩnh vực mới như mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp (DN) Nhà nước, thương mại phát triển bền vững...
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ Trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, khi EVFTA có hiệu lực thì Việt Nam có cơ hội xuất khẩu (XK) vào 28 nước thành viên của EU, trong đó có 5 nền kinh tế lớn nhất EU: Đức, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha. EU là đối tác XK lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ (năm 2018).
Tại ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU sau Singapore và là nhà XK hàng hóa số 1 sang EU. Quan hệ thương mại Việt Nam –EU phát triển rất nhanh chóng từ năm 2000 đến năm 2018, kim ngạch XNK tăng hơn 13,6 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 55,77 tỷ USD năm 2018. Trong đó, XK của Việt Nam vào EU tăng 14,9 lần và EU NK vào Việt Nam tăng hơn 10 lần.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, XK hàng hoá của Việt Nam vào thị trường EU đang có xu hướng chững lại. Tính đến tháng 11-2019, tổng kim ngạch XK hàng hoá vào thị trường EU đã giảm 1,26% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến trong năm 2019, XK vào EU đạt khoảng 41,8 tỷ USD, giảm 3,6% so với năm 2018. Nguyên nhân, là do XK của Việt Nam đã qua giai đoạn phát triển “nóng” suốt từ năm 2000 đến 2018. Bên cạnh đó, trước khi FTA có hiệu lực, hoạt động thương mại cũng có xu hướng chững lại; Một số mặt hàng XK điện thoại phụ thuộc vào DN FDI, cụ thể là Samsung; các mặt hàng nông sản chủ yếu là xuất khẩu thô bị tác động mạnh vào biến động của giá trị thị trường…
Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, khi Hiệp định EVFTA được ký kết, Hiệp hội và các DN thuỷ sản đã rất kỳ vọng vào thị trường này và đặt mục tiêu kim ngạch XK vào thị trường EU sẽ đạt khoảng 2 tỷ USD chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch XK thuỷ sản của cả nước. Tuy nhiên, do tác động của việc thuỷ sản Việt Nam bị EU rút thẻ vàng do chưa tuân thủ các quy định về việc đánh bắt cá trái phép nên kim ngạch XK thuỷ sản vào thị trường EU trong năm 2019 dự kiến đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Theo ông Hòe, vấn đề DN thủy sản cần quan tâm hiện nay là giảm thuế trong EVFTA có hiệu lực. DN phải hiểu mặt hàng nào được giảm thuế, duy trì thuế, chu trình giảm thuế trong 3 – 5 năm, trên cơ sở đó chọn lọc mặt hàng lợi thế cạnh tranh về thuế suất. Bên cạnh đó, các DN cần chú ý đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm đúng, không gian lận thương mại để hưởng thuế suất ưu đãi. Các sản phẩm phải có chứng nhận để phục vụ nhu cầu NTD Châu Âu ngày càng cao, giấy phép gần giống như “visa” về chứng nhận ATVSTP để tự tin XK thủy sản vào thị trường này.
Chính vì vậy, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì rất nhiều DN mong đợi vì có rất nhiều mặt hàng sẽ được hưởng lợi ngay do giảm thuế. Như dệt may 42,5% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại về 0% sau 3 - 7 năm; Da giày, 37% dòng thuế xóa bỏ ngay, còn lại về 0% sau 3-7 năm; Gỗ và sản phẩm gỗ 83% xóa thuế ngay, thuế về 0% sau 5 năm; Gạo và sản phẩm từ gạo, EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Thuế trong hạn ngạch là 0%. Gạo tấm xóa bỏ thuế trong 5 năm. Sản phẩm từ gạo xóa bỏ thuế 3-5 năm. Các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên, cơ bản xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực...
Vì vậy, để tận dụng được những cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại, bà Hiền khuyến nghị: “DN cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và EU trong EVFTA, tìm hiểu các quy định đối với hàng XK vào EU, chú ý các quy định thuế quan, phi thuế quan, phòng vệ thương mại. Từ đó, xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn, tìm hiểu thị hiếu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, DN cũng phải chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài, tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu và tận dụng một cách bền vững các cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung”.
Ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng DN cần tăng cường kết nối chuỗi sản xuất, bám theo xu thế tiêu dùng, sáng tạo; Có các giải pháp đi kèm và tương tác trực tiếp, liên tục, tức thời với khách hàng. Bên cạnh đó, DN phải học hỏi pháp lý, đồng hành với Chính phủ, làm theo thay đổi của Chính phủ vì thời đại của quản trị bất định và quản trị rủi ro “lên ngôi”.