Nâng cao quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia
(Tài chính) Đối với ngành dự trữ quốc gia, công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia luôn là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành. Chất lượng hàng dự trữ quốc gia quyết định mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị, năng lực đáp ứng và hiệu quả công tác quản lý dự trữ quốc gia.
Hội nghị có sự tham dự của cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia tại các Bộ ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia; lãnh đạo Cục, Vụ thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước; lãnh đạo Cục, Chi cục, Trưởng phòng kỹ thuật bảo quản tại các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực (DTNNKV) trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Tại Hội nghị, nội dung chủ yếu được triển khai là công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia thông qua việc hướng dẫn thực hiện các Thông tư của Bộ Tài chính vừa ban hành, bao gồm: Thông tư quy định về quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia (Thông tư số 130/2014/TT-BTC ngày 09/09/2014), Thông tư hướng dẫn xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (Thông tư số 182/2013/TT-BTC ngày 04/12/2013), Thông tư quy định về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật (Thông tư số 108/2013/TT-BTC ngày 13/08/2013).
Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Phạm Phan Dũng nêu rõ: Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề chất lượng sản phẩm hàng hóa là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Đối với ngành dự trữ quốc gia, công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia luôn là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành. Chất lượng hàng dự trữ quốc gia quyết định mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị, năng lực đáp ứng và hiệu quả công tác quản lý dự trữ quốc gia.
Với ý nghĩa đó, công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia luôn được lãnh đạo Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, nhất là sau khi Luật dự trữ quốc gia có hiệu lực thi hành (01/07/2013). Đây là nội dung được dành một mục riêng (mục 4, chương IV) và 4 Điều trong Luật dự trữ quốc gia, trong đó quy định: “Hàng dự trữ quốc gia phải được cất giữ riêng, đáp ứng đầy đủ quy định bảo quản theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia…”.
Quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia là phải xây dựng được hệ thống yêu cầu tiêu chuẩn, đặc tính kỹ thuật cho từng loại hàng dự trữ quốc gia (hoặc từng nhóm hàng dự trữ quốc gia); yêu cầu bao bì, đóng gói, nhãn mác, vận chuyển; yêu cầu quản lý nghiên ngặt trong giao nhận, lưu kho, xuất cấp; đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng trong mọi khâu; từ khâu mua nhập, lưu kho bảo quản và xuất hàng dự trữ quốc gia.
Triển khai Luật dự trữ quốc gia và để giải quyết các nội dung nêu trên, Tổng cục Dự trữ Nhà nước xây dựng các Thông tư quy định quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia; tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia.
Có thể nói, đến nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quản lý công tác quản lý chất lượng nói riêng và kỹ thuật bảo quản hàng dự trữ quốc gia nói chung đã cơ bản đồng bộ đáp ứng được yêu cầu quản lý.
Bên cạnh việc ban hành các Thông tư nêu trên, trong thời gian qua Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều Thông tư quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính và một số Bộ ngành được giao quản lý (Thông tư số 53/2014/TT-BTC ngày 24/04/2014 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc dự trữ quốc gia, Thông tư số 27/2014/TT-BTC ngày 20/02/2014 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với muối ăn dự trữ quốc gia, Thông tư số 86/2012/TT-BTC ngày 25/05/2012 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với vật liệu nổ công nghiệp – thuốc nổ trinitrotoluen…). Việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã tạo điều kiện tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia.Với thời gian 02 ngày, Hội nghị giới thiệu 05 Thông tư có liên quan đến công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia. Ngoài ra hội nghị cũng dành 01 buổi để các đơn vị làm việc, thăm quan kho Mông Hóa (Cục DTNNKV Hà Nội); nơi đang triển khai thử nghiệm bảo quản thóc dự trữ quốc gia theo công nghệ bảo quản do Trung Quốc chuyển giao.
Kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Lê Xuân Minh nhấn mạnh: “Có thể nói đến nay chúng ta có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia khá đầy đủ, đồng bộ và chi tiết; nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới là triển khai cho thật tốt. Muốn triển khai tốt thì các đơn vị, các cán bộ công chức mà trước hết là những người trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia có ý thức thực hiện nghiêm túc các quy định".