Nâng cao trình độ nhân lực điện hạt nhân từ sự hỗ trợ quốc tế

Trang Trần

(Tài chính) Để thực hiện chiến lược phát triển điện hạt nhân cũng như chuẩn bị cho quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam cần sẵn sàng về mọi mặt để thích ứng một cách nhanh nhất vào tiến trình phát triển điện hạt nhân. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân là một nhiệm vụ rất quan trọng.

Trường Đại học Đà Lạt, nơi đặt hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân. Nguồn: internet
Trường Đại học Đà Lạt, nơi đặt hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân. Nguồn: internet

Xác định nhiệm vụ đào tạo

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho hay: Chương trình phát triển điện hạt nhân Việt Nam ở giai đoạn đầu từ nay đến 2020 đặt ra nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực như: nguồn nhân lực cho thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận; nguồn nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu và triển khai và hỗ trợ kỹ thuật; nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cho cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân nói riêng; nguồn nhân lực cho các hoạt động giáo dục và đào tạo hạt nhân… với số lượng lên đến hàng nghìn người.

Đánh giá về vấn đề nhân sự phục vụ cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam, ông Valery Karezin - Giám đốc Dự án của Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) cho rằng, Việt Nam không thiếu nhân tài. Ông nhận định, trong những năm tới, nhà máy điện hạt nhân mới đòi hỏi nhiều nhân sự đã qua đào tạo. Do đó, giải pháp tối ưu là thực hiện việc đào tạo nhân sự (bao gồm cả các nhà nghiên cứu không trực tiếp tham gia vận hành nhà máy điện hạt nhân).

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, đào tạo nhân sự vận hành nhà máy điện hạt nhân là không thể nếu như nền khoa học cơ bản không được phát triển mạnh mẽ: vật lý, toán học, khoa học ứng dụng; những môn học này là rất thiết yếu cho việc đào tạo thành công nguồn nhân lực đạt yêu cầu.

Đồng quan điểm trên, nhiều chuyên gia nhận định, ngành điện hạt nhân là một ngành mới, vì vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc sử dụng chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm chất lượng và an toàn trong xây dựng, sản xuất điện hạt nhân. Bên cạnh đó, cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, người lao động theo từng công việc: nguồn nhân lực để xây dựng nhà máy, nguồn chuyên gia nghiên cứu triển khai và xử lý kỹ thuật, quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, nhân lực cho giáo dục và đào tạo lĩnh vực điện hạt nhân.

Tận dụng sự hỗ trợ từ quốc tế

Thời gian gần đây, Việt Nam đã nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của các nước đi trước về công nghệ điện hạt nhân, điển hình là sự hỗ trợ đào tạo cán bộ xây dựng và vận hành Ninh Thuận 2 từ Nhật Bản. Sau chuyến thăm và ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo từ tháng 2/2014. Các trường đại học của Nhật Bản đã sẵn sàng tiếp nhận các sinh viên Việt Nam. Dự kiến, từ năm 2016, mỗi năm các trường đại học Công nghệ Nagaoka, Fukui, Công nghệ Fukui… sẽ đón nhận 20 học viên Việt Nam du học từ nguồn ngân sách của Chính phủ Việt Nam theo chương trình đề án 1558. Mới đây, ngày 19/9, tại Nhật Bản, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Phát triển Năng lượng nguyên tử quốc tế Nhật Bản (JINED) và Trường Đại học Tokai đã hoàn thành khóa đào tạo kéo dài 2 năm (từ tháng 9/2012 - 9/2014) cho 15 cán bộ của EVN. Đây là khóa đào tạo đầu tiên do EVN và JINED hợp tác triển khai đào tạo. Sau lễ tốt nghiệp của khóa đào tạo đầu tiên, Đại học Tokai cũng chính thức khai giảng khóa đào tạo thứ hai cho 9 thành viên khác từ tháng 9/2014 - 9/2015.

Hungari cũng giúp đỡ Việt Nam trong việc truyền đạt kinh nghiệm vận hành nhà máy điện hạt nhân. Trong hai năm qua, đã có 5 đoàn học viên với gần 200 giảng viên từ các trường đại học và cao đẳng của Việt nam nhận nhiệm vụ đào tạo nhân sự cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam trong tương lai đã được sang tập huấn tại Hungary. Nước này với Nhà máy điện hạt nhân Paks sau 30 năm qua vận hành an toàn đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm rất quý đối với Việt Nam cho quá trình xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ Hàn quốc đó là trường Đại học Đà Lạt mô hình lò phản ứng hạt nhân. Trường Đại học Đà Lạt vừa cho biết (ngày 1/11/2014), Tập đoàn thủy điện và điện hạt nhân Hàn Quốc (CRi-KHNP) đã nhất trí hỗ trợ nhà trường hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân phục vụ học tập và nghiên cứu. Hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân trị giá 500.000USD, nằm trong gói hỗ trợ 2 triệu USD không hoàn lại của Tập đoàn Cri-KHNP cho Trường Đại học Đà Lạt. Hiện nay, phía Hàn Quốc đã cử 2 giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực hạt nhân sang Trường Đại học Đà Lạt để tập huấn, chuyển giao công nghệ vận hành hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân này. Trường Đại học Đà Lạt cũng đã cử 6 cán bộ, giảng viên trong lĩnh vực hạt nhân qua Hàn Quốc để học tập.