Nâng cao vai trò của bảo hiểm tiền gửi nhằm tái cơ cấu tổ chức tín dụng hiệu quả

Hà Anh

Thời gian tới, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, tạo sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp thực tiễn để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hỗ trợ quỹ tín dụng nhân dân phát triển an toàn, lành mạnh

Những năm qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là quỹ tín dụng nhân dân, cũng như đóng góp vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Trong đó, đáng chú ý, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hỗ trợ hệ thống quỹ tín dụng nhân dân phát triển an toàn và bền vững thông qua: Hỗ trợ hệ thống quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, lành mạnh thông qua các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; hỗ trợ thực hiện các phương án tái cơ cấu các quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt và hoạt động yếu kém; hỗ trợ đảm bảo tính liên kết hệ thống vững chắc; hỗ trợ chức năng quản lý nhà nước đối với các quỹ tín dụng nhân dân.

Với vai trò là công cụ đắc lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thu phí bảo hiểm tiền gửi, theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ đối với 100% quỹ tín dụng nhân dân. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, kiểm tra đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, trong đó có các quỹ tín dụng nhân dân, đã được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam triển khai ngay từ những ngày đầu thành lập.

Theo đó, tổ chức này thực hiện kiểm tra theo kế hoạch đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, triển khai kiểm tra một số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; giám sát từ xa đối với 100% tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Nội dung giám sát tập trung vào phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân; việc chấp hành các quy định về bảo hiểm tiền gửi cũng như việc tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng; qua đó cảnh báo rủi ro và các sai phạm, yếu kém mà quỹ tín dụng nhân dân cần khắc phục, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động của toàn hệ thống.

Kiểm tra tại chỗ, chú trọng xem xét việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi, kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm, việc hạch toán, quản lý tài khoản tiền gửi nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm của quỹ tín dụng nhân dân trong việc huy động tiền gửi của khách hàng, từ đó đề xuất biện pháp xử lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền cũng như phòng ngừa các hiện tượng gian lận, trục lợi bảo hiểm tiền gửi.

Đặc biệt, đối với những quỹ tín dụng nhân dân có vấn đề, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện giám sát chuyên sâu để theo dõi diễn biến, nắm vững thực trạng và biến động của các loại tiền gửi, nhất là tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm, chủ động có giải pháp hoặc báo cáo, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.

Đối với quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tham gia quá trình theo dõi, kiểm tra, xử lý đối với các quỹ tín dụng nhân dân này, đặc biệt là những quỹ có nguy cơ bị đổ vỡ có thể phát sinh việc chi trả bảo hiểm tiền gửi.

Thông qua giám sát, kiểm tra, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã góp phần cùng với các cơ quan chức năng kiểm soát rủi ro tốt hơn, phát hiện rủi ro sớm hơn để duy trì, bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tham gia và hỗ trợ có hiệu quả quá trình tái cơ cấu hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Theo đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã được quy định tại Luật bảo hiểm tiền gửi và các nhiệm vụ mới được giao tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng trong tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; thực hiện phối hợp cùng Ban Kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan để đánh giá cụ thể tính khả thi của phương án xử lý, phương án cơ cấu lại, phương án phá sản đối với quỹ tín dụng nhân dân; tham gia, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đánh giá phương án ngân hàng thương mại tham gia xử lý quỹ tín dụng nhân dân; hỗ trợ Ban Kiểm soát đặc biệt, chính quyền địa phương và ngân hàng thương mại trong việc rà soát, đối chiếu số liệu tiền gửi, thực hiện chi trả cho người gửi tiền tại quỹ tín dụng nhân dân; tham gia hỗ trợ chức năng giám sát, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước đối với quỹ tín dụng nhân dân…

Có thể nói, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã khẳng định được vai trò quan trọng của một tổ chức tài chính nhà nước không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền thông qua triển khai có hiệu quả chính sách bảo hiểm tiền gửi và các hoạt động nghiệp vụ; góp phần cùng với các cơ quan trong việc đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, kiểm soát, phát hiện và cảnh báo rủi ro tốt hơn để duy trì, bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; chủ động nghiên cứu, đề xuất và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các nội dung về sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý về cơ chế, chính sách đối với tổ chức và hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, giúp hệ thống quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về bảo hiểm tiền gửi, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình huy động vốn nhàn rỗi từ dân cư của các quỹ tín dụng nhân dân, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Tuy nhiên, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân, trong việc hỗ trợ thực hiện các phương án tái cơ cấu và xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém và hỗ trợ tăng cường tính liên kết hệ thống, trong hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với quỹ tín dụng nhân dân còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do khung pháp lý về chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam còn chưa đầy đủ, rõ ràng, thiếu thống nhất và chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Luật bảo hiểm tiền gửi chưa được sửa đổi nên chưa tạo sự thống nhất với các quy định liên quan, chưa tạo cơ chế phát huy hơn nữa vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.

Sửa Luật bảo hiểm tiền gửi để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng

Để tăng cường vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, cần nghiên cứu để tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm tiền gửi đồng bộ với khuôn khổ pháp lý hiện hành, phù hợp với thực tiễn và hướng tới thông lệ quốc tế.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định trong Luật bảo hiểm tiền gửi về việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trong đó có quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng (2017). Bổ sung quy định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thực hiện cơ chế hỗ trợ tài chính đối với tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước áp dụng hình thức can thiệp sớm nhưng chưa đặt vào kiểm soát đặc biệt (Luật hiện hành chưa có cơ chế này). Bổ sung quy định theo hướng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại quỹ tín dụng nhân dân, xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Cần sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động đầu tư của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo hướng đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và thống nhất với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng (2017). Bổ sung chức năng, nhiệm vụ về việc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hoặc hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, giám sát quỹ tín dụng nhân dân. Cho phép Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được tiếp cận thêm các loại thông tin về kiểm soát đặc biệt, cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, trong đó có quỹ tín dụng nhân dân…

Việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế giúp nâng cao vị thế và vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Từ đó, tổ chức này có thể tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và thực thi kế hoạch “chuyển đổi số” để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Cơ quan quản lý cũng cần quan tâm tạo điều kiện cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nâng cao năng lực tài chính, có cơ chế dự phòng rủi ro, xây dựng mạng lưới an toàn hệ thống và cơ chế phối hợp xử lý khủng hoảng tài chính – tiền tệ, nếu có.

Trong tương lai, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng cần học hỏi mô hình tổ chức “đa chức năng” hơn để có thể trở thành kênh giám sát từ phía thị trường đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Khi có đủ thông tin và dữ liệu, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể phân loại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở mức độ rủi ro, có khả năng phân tích, dự báo, từ đó phát hiện từ sớm, từ xa những dấu hiệu bất thường trong hoạt động tài chính – ngân hàng nhằm tạo động lực để các tổ chức này quản lý rủi ro một cách chủ động, hiệu quả, sâu xa hơn nữa là nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình cơ cấu lại và phát triển các tổ chức tín dụng thời gian tới.