Các trường hợp nào được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay đặc biệt?

PV.

Một trong những nguyên tắc quan trọng được quán triệt trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2 được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ưu tiên là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 đã trao cho Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trách nhiệm lớn hơn nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cụ thể, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ trong quá trình cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cũng trực tiếp hỗ trợ tài chính và hỗ trợ thanh khoản cho TCTD trong diện kiểm soát đặc biệt thông qua khoản vay đặc biệt theo phương án phục hồi đã được phê duyệt, theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư 08/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt (Thông tư 08) ra đời đã nêu cụ thể các trường hợp cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, TCTD khác đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt bằng nguồn tiền từ thực hiện chức năng của ngân hàng trung ương về phát hành tiền trong các trường hợp: Cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt; Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô theo phương án phục hồi đã được phê duyệt; Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với ngân hàng thương mại theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt; Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14 có hiệu lực theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật số 17/2017/QH14  (sau đây gọi là quyết định của Thủ tướng Chính phủ); Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật số 17/2017/QH14  có hiệu lực sau chuyển nhượng theo phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt.

Ba trường hợp Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam sẽ tiến hành cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt là:

- Cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm cả trường hợp TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt;
- Cho vay đặc biệt theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ quỹ dự phòng nghiệp vụ khi công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt;
- Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Loại tiền tệ để cho vay đặc biệt là đồng Việt Nam. Nguồn tiền cho vay đặc biệt của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam là từ Quỹ dự phòng nghiệp vụ.