Năng động phát triển kinh tế biển
Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh xây dựng kế hoạch đến năm 2030 tổng sản phẩm (GRDP) bình quân tăng 7%/năm, trong đó các ngành kinh tế biển, thuần biển đóng góp khoảng 40-45% tổng thu ngân sách của tỉnh Cà Mau. Ðồng thời, nâng cao thu nhập bình quân đầu người của tỉnh từ 3.320 USD giai đoạn 2021-2025 lên 4.500-4.700 USD giai đoạn 2025-2030. Ðặc biệt, thu nhập bình quân đầu người vùng ven biển cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh.
Định hướng phát triển trên nhằm mục tiêu đưa Cà Mau trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh, bền vững về kinh tế biển của khu vực ÐBSCL, hướng tới các ngành nghề kinh tế biển phát triển theo hướng hiện đại, tăng trưởng xanh, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðồng thời, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân các huyện, xã, thị trấn ven biển; đặc biệt là các tài nguyên biển, đảo được quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả và bền vững.
Theo đó, tỉnh quyết tâm đầu tư hệ thống điện sinh hoạt, nước ngọt, trạm y tế, trường học và phương tiện vận tải đảm bảo kết nối hàng ngày từ đất liền với cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối. Tổng sản lượng thuỷ sản từ 3,3 triệu tấn, giai đoạn 2021-2025, tăng lên 7,1 triệu tấn vào năm 2030. Qua đó, tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản giai đoạn 2021-2025 đạt từ 5,65 tỷ USD lên 7 tỷ USD trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Xác định xây dựng là hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng làm nền tảng và động lực phát triển bền vững, Cà Mau tập trung nguồn lực cho việc nâng cấp các đô thị biển là Sông Ðốc và Năm Căn trở thành đô thị loại III vào năm 2025, phát triển đô thị mạnh về kinh tế biển vào năm 2030.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đặc biệt là năng lượng tái tạo đạt khoảng 1.000 MW; đồng thời phát triển các khu, cụm du lịch sinh thái, du lịch biển; khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản. Theo đó, hàng năm, kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GRDP; là tỉnh đứng đầu cả nước có số lượng nhà máy chế biến thuỷ sản và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm.
Với lợi thế và tiềm năng to lớn như thế, nhưng đã qua công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội vùng biển ở Cà Mau còn nhiều hạn chế. Nguồn lực địa phương hạn hẹp, phần lớn phải ứng phó trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, khắc phục sạt lở cửa biển, xây dựng đê biển, khôi phục đai rừng phòng hộ…
Tranh thủ và lồng ghép các nguồn vốn, theo lãnh đạo UBND tỉnh, thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, bao gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển, ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường bộ kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển liên kết vùng; các tuyến vận tải đường biển kết nối Cà Mau với các trung tâm kinh tế, khu kinh tế, các cụm đảo, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, đảo.
Ðiều này đã được minh chứng khi gần đây Cà Mau đưa vào vận hành tuyến đường Tắc Thủ - Ðá Bạc; Quốc lộ 1 - Sông Ðốc và mới đây đã có chủ trương xây dựng tuyến đường Sông Ðốc - đầm Thị Tường. Cùng với đó là đang triển khai tuyến đường Ðông - Tây, cầu Sông Ðốc, Khu Kinh tế Năm Căn…
Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, đầu tư xây dựng hệ thống, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả là khâu đột phá chiến lược của tỉnh và xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm và đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế biển bền vững.
Theo đó, ưu tiên tập trung, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển; tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, nhằm kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển; mở rộng không gian phát triển, kết nối với các trung tâm kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết hợp sắp xếp lại dân cư ven biển, nhằm giảm thiểu thiệt hại từ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.
Là địa phương duy nhất có 3 mặt giáp biển, 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của quốc gia, có hệ sinh thái ngập ven biển trải dài từ Ðông sang Tây, cũng như các cụm đảo, đây không chỉ là đặc trưng, mà là lợi thế rất lớn của tỉnh để phát triển kinh tế biển một cách năng động, phù hợp trong xu thế hội nhập sâu toàn cầu.
Bên cạnh tiếp tục phát huy các ngành truyền thống, Cà Mau sẽ đẩy mạnh khai thác nguồn năng lượng, đặc biệt hướng tầm nhìn nhằm chủ động tạo nền tảng để khai thác vận tải hàng hải, dịch vụ hàng hải… trở thành trung tâm kinh tế vùng, điểm sáng kinh tế biển của quốc gia.