Minh bạch thông tin để tăng chất lượng hàng hoá, thúc đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường
Yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng hàng hóa thị trường chứng khoán (TTCK) là minh bạch thông tin. Đây cũng là một trong các tiêu chí để nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi của MSCI và FTSE.
Thông tin là đầu vào của mọi quyết định đầu tư lớn
Kể từ khi thành lập TTCK Việt Nam (1998) đến nay, cơ quan quản lý luôn nhấn mạnh về minh bạch thông tin, công bố thông tin. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng yêu cầu Việt Nam nâng cao thứ hạng kinh tế trong tương lai bằng cách tăng cường sự minh bạch và công khai của dữ liệu.
Theo PGS.TS. Trần Việt Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), khi xét theo các tiêu chí để được nâng hạng thị trường, ví dụ như của FTSE Russell, các tiêu chí định lượng thì cơ bản TTCK Việt Nam đã đáp ứng được về giá trị vốn hóa cũng như thanh khoản của thị trường. Tuy nhiên, về định tính, các vấn đề như chất lượng của doanh nghiệp niêm yết, bao gồm quản trị công ty, minh bạch thông tin... còn khá hạn chế, chỉ mang tính hình thức và đôi khi còn thiếu chính xác nghiêm trọng.
“Các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài luôn quan tâm đến phẩm cấp của hàng hóa trên thị trường, bao gồm sự đa dạng hàng hóa và chất lượng hàng hóa. Muốn nâng cao chất lượng hàng hóa, chúng ta phải hướng tới yếu tố cốt lõi là minh bạch thông tin”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cho rằng, minh bạch thông tin không chỉ phục vụ mục tiêu nâng hạng TTCK, mà là khẳng định bản chất thị trường tài chính, là nền móng cho sự phát triển bền vững. Bởi thị trường phải được vận hành dựa trên cở sở niềm tin. Thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời chính là gốc rễ để tạo dựng và củng cố niềm tin, là đầu vào của mọi quyết định đầu tư trên thị trường, từ nhà đầu tư đến cơ quan quản lý.
“Minh bạch thông tin là một yếu tố quan trọng, cốt yếu trong các tiêu chí để đánh giá mức độ trưởng thành sự phát triển của một TTCK”, ông Dũng khẳng định.
Tăng cường thực thi kỷ luật thị trường
Nhìn nhận vào thực trạng công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam, vẫn tồn tại sự bất cân xứng. Theo Báo cáo khảo sát về hoạt động công bố thông tin trên TTCK năm 2023 của Vietstock, danh sách doanh nghiệp niêm yết trên TTCK năm 2023 gồm có 364 đơn vị (trên tổng 721 doanh nghiệp niêm yết), chiếm tỷ lệ khoảng 50%.
Đáng chú ý, không có bất cứ doanh nghiệp nào duy trì sự xuất hiện liên tục trong danh sách doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin trong hơn một thập kỷ qua. Điều này cho thấy, việc tuân thủ các quy định về công bố thông tin của cơ quan chức năng là không hề dễ dàng. Điều này thực sự là một thử thách ngay cả đối với những doanh nghiệp lớn và đầu ngành.
Ông Dũng cho rằng, để nâng cao chất lượng thông tin cần kích hoạt cơ chế “bàn tay vô hình” về thực thi được kỷ luật của thị trường. Có được sự hoạt động hiệu quả của “bàn tay vô hình” trên cộng với “bàn tay hữu hình” là sự giám sát, thanh tra giám sát của cơ quan quản lý, thị trường sẽ hoạt động một cách trơn tru. Từ đó, tạo tiền đề để thúc đẩy sự phát triển bền vững của TTCK và nền kinh tế.
Theo đó, ông Dũng đề xuất, cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa việc giám sát tuân thủ và nâng cao năng lực đánh giá, giám sát chặt hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên TTCK. Các doanh nghiệp vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định; đồng thời, tăng cường các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm công bố thông tin.
“Nhiều vi phạm của các doanh nghiệp về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính vẫn chưa suy giảm và không cải thiện nhiều từ năm này sang năm khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, nhưng nguyên nhân quan trọng phải kể đến là hiện nay chưa có chế tài cụ thể các vi phạm về công bố thông tin tài chính”, ông Dũng cho biết.
Bộ Tài chính, UBCKNN có thể cân nhắc việc áp dụng thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN và tăng cường liên kết trao đổi thông tin quốc tế. Việc áp dụng thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN sẽ giúp cung cấp nguồn thông tin hữu ích cho quyết định đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường chất lượng quản trị theo tiêu chuẩn của khu vực, từ đó nâng cao chất lượng hàng hoá trên TTCK nội địa.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đảm bảo đúng tiến độ áp dụng chuẩn mực IFRS. Hiện nay, chỉ có khoảng có 50 - 60% doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng IFRS hoặc đang có kế hoạch chuyển đổi theo IFRS.
“Quan trọng nhất chính là nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, tuân thủ các quy định về minh bạch thông tin”, ông Dũng nói thêm.