Tiến độ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đạt khoảng 95%

Tuấn Thuỷ (ghi)

Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam theo các tiêu chí của FTSE Russell đã được thống nhất tới 95%.

Phóng viên: Các công ty chứng khoán đã có sự chuẩn bị như thế nào cho quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Hải: Hầu hết các công ty chứng khoán lớn đều đang trong tâm thế sẵn sàng, vì việc chuẩn bị cho nâng hạng thị trường, hỗ trợ thanh toán giao dịch ký quỹ cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã được thực hiện cả năm nay rồi. Có rất nhiều cuộc họp nội bộ của các công ty chứng khoán, giữa các công ty chứng khoán với ngân hàng lưu ký, với cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI.
Ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI.

Về cơ bản, có thể nói, gần như 100% các công ty chứng khoán đã thống nhất với mọi điều kiện, sẵn sàng đáp ứng được về năng lực tài chính, quản trị rủi ro. Một điều rất tích cực, hầu hết các công ty chứng khoán đang có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025 chính là để chuẩn bị cho việc hỗ trợ giao dịch thanh toán không yêu cầu ký quỹ 100% đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Các công ty chứng khoán quy mô nhỏ cũng tham gia, về cơ bản đã nắm bắt được các thông tin, thủ tục và họ cũng không có ý kiến gì phản đối. Có thể thấy, dự thảo thông tư sửa đổi rất mở, phù hợp cho tất cả các công ty chứng khoán có thể tham gia dựa trên năng lực tài chính, kinh nghiệm và hệ thống quản trị rủi ro của công ty.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về yêu cầu năng lực tài chính và quản trị rủi ro đối với các công ty chứng khoán?

Ông Nguyễn Khắc Hải: Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ của chúng tôi, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,6 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).

Để mà ngay lập tức đón 25- 30 tỷ đồng thì hệ thống giao dịch của TTCK Việt Nam bắt buộc phải nâng cấp, hệ thống quản trị rủi ro cũng phải tăng cường, năng lực tài chính vì thế cũng phải đáp ứng được để theo kịp.

Thứ nhất, các công ty chứng khoán cần bổ sung nguồn lực về vốn. Trong việc thực hiện Chức năng bù trừ thanh toán trung tâm (CCP) hay Dịch vụ hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NPS), trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về công ty chứng khoán. Do đó, tất yếu các công ty chứng khoán phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán.

Thứ hai, hệ thống quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán phải được nâng cấp để hạn chế rủi ro thanh toán và rủi ro hoạt động, đặc biệt là khi triển khai giải pháp NPS hay xét về dài hạn hơn khi các sản phẩm giao dịch trong ngày (day trading) hay bán khống (short sell) được vận hành.

Ngoài hai yêu cầu trên, các công ty chứng khoán sẽ phải nâng cấp hệ thống kết nối trực tuyến với nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực thực thi lệnh, tối ưu hóa lợi ích từ phía khách hàng và giảm độ trễ trong việc giao dịch.

Phóng viên: Vậy còn phía doanh nghiệp niêm yết, đâu là những vướng mắc cần phải tháo gỡ sớm, thưa ông?

Ông Nguyễn Khắc Hải: Thực ra là thế này, với mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam theo tiêu chí 2 tổ chức xếp hạng quốc tế MSCI và FTSE Russell, các yêu cầu từ FTSE Russel đơn giản hơn khá nhiều.

Với MSCI, TTCK Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí liên quan đến room ngoại hay là sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, công bố thông tin bằng tiếng Anh, minh bạch thông tin…

Hiện, Bộ Tài chính, UBCKNN đã đưa vào dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 96/2020/TT-BTC về công bố thông tin trên TTCK. Theo đó, ngôn ngữ thông tin công bố trên TTCK là tiếng Việt và tiếng Anh với lộ trình cụ thể theo quy mô công ty đại chúng.

Công ty đại chúng công bố thông bằng tiếng Anh phải bảo đảm chính xác, trung thực, thống nhất với nội dung thông tin công bố bằng tiếng Việt. Trường hợp có sự khác biệt hoặc có cách hiểu khác giữa thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh thì thông tin bằng tiếng Việt là thông tin gốc để tham chiếu.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào nào khả năng về đích của TTCK Việt Nam trong mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi?

Ông Nguyễn Khắc Hải: Chính phủ, Bộ Tài chính hay UBCKNN đang làm hết sức để thúc đẩy nhanh quá trình. Liên tục các cuộc họp thảo luận, tiếp thu và ghi nhận ý kiến, đề xuất của các thành viên thị trường. Ngày 20/3/2024, Bộ Tài chính đã đăng tải thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên TTCK (gồm: Thông tư số 119/2020/TT-BTC; Thông tư số 120/2020/TT-BTC; Thông tư số 121/2020/TT-BTC; và Thông tư số 96/2020/TT-BTC). Đến giờ, có thể nói, mọi thứ đã thống nhất, gần như đạt 95% mục tiêu rồi, chỉ chờ Thông tư sửa đổi được ban hành.

Sau khi Thông tư sửa đổi được ban hành, các bên tham gia thị trường sẽ triển khai ngay lập tức. Thường quá trình triển khai sẽ mất khoảng vài tháng để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư, qua đó làm cơ sở để FTSE thực hiện đánh giá. Mốc thời gian, tôi nghĩ khoảng năm 2026, chúng ta sẽ chính thức được vào danh sách nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!