Nâng hạng thị trường chứng khoán: Tăng nguồn cung, giảm thao túng trục lợi
“Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường sâu hơn, đa dạng hơn, sẽ làm giảm cơ hội thao túng và trục lợi”.
Quy mô nhỏ, nhu cầu lớn
Phát biểu tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chiều ngày 22/4, GS.,TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội đánh giá, thị trường vốn ở Việt Nam có tốc độ phát triển có nhanh hơn, nhưng trên thế giới thì thị trường vốn cũng có xu hướng tăng lên trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn. Điều này chứng tỏ đây là quy luật bình thường. Quy mô vốn ở Việt Nam còn nhỏ và tiềm năng thì rất lớn nó thể hiện ở nền kinh tế nước ta đang bước vào giai đoạn phục hồi, đang có nhu cầu vốn rất lớn.
Chính vì quy mô nhỏ và nhu cầu sử dụng vốn lớn và tiềm năng phát triển thị trường được đánh giá là tiềm năng tốt. Đây chính là cơ sở đặt ra để nhà đầu tư nước ngoài có niềm tin vào nhu cầu vốn ở Việt Nam. Thêm vào đó nhu cầu đầu tư cá nhân của người Việt Nam rất cao; đặc biệt tiền cá nhân cũng lớn, đây là tiềm năng để tiếp cận đầu tư. Tuy nhiên chúng ta có đặc điểm rất khác biệt, đó là 80% số nhà đầu tư cá nhân Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân trực tiếp, còn ở nước ngoài thì 80% nhà đầu tư là đầu tư thông qua những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
“Đây chính là điểm mà thị trường Việt Nam kém chuyên nghiệp hơn thị trường thế giới. Mà chính vì kém chuyên nghiệp hơn nên các nhà đầu tư tư nhân dễ có tâm lý "bầy đàn", rất dễ bị dẫn dắt.
Riêng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, quy mô rất nhỏ. Một đặc điểm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm trên 90% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Trong khi các trái phiếu phát hành riêng lẻ là trái phiếu có thể gây ra những rủi ro cho những nhà đầu tư chưa được kiểm định trên thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, đối với những nhà đầu tư này thì cần phải là những tổ chức hoặc những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, phần đông những người bỏ tiền ra mua những trái phiếu này cũng là những nhà đầu tư tư nhân. Như vậy thừa nhận rằng thị trường trái phiếu của Việt Nam có lẽ phải nghĩ đến việc các nhà đầu tư tư nhân tham gia là chuyện bình thường. Tính đến thời điểm này, chưa xảy ra doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà chưa thanh khoản được, kể cả những doanh nghiệp vừa có khủng hoảng trong năm vừa qua”, GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích.
Còn theo ông Zafer Mustafaeglu, Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực Cạnh Tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB), quy mô thị trường tài chính của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm Thị trường Cận biên. Thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên Toàn cầu của MSCI. Đây là trọng số lớn nhất; tiếp theo là Maroc là 10%.
“Việt Nam giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ. Tuy nhiên, với những nhiễu loạn trên thị trường hiện này, thì thị trường Việt Nam còn tương đối non trẻ. Vì vậy, sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng quan trọng hơn là cách thức chúng ta học hỏi từ sai sót, chứ không nên đóng cửa chỉ vì chúng ta có một vài thành viên xấu, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn”, vị chuyên gia nói.
Tầm nhìn dài hạn
Chuyên gia từ WB khuyến nghị, Việt Nam nên cam kết đẩy nhanh lộ trình nâng cấp thành thị trường Mới nổi. Điều này có nghĩa là, Việt Nam cũng cần mở hơn nữa với các nhà đầu tư gián tiếp trên quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng thị trường. Thông tin phải kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận hơn.
Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp làm tăng nguồn cung chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường sâu hơn, đa dạng hơn, sẽ làm giảm cơ hội thao túng và trục lợi.
Đáng chú ý, thị trường vốn là phần lõi trong một hệ thống tổng hợp. Thị trường có tương tác với các bộ phận khác của hệ thống. Chẳng hạn, ngân hàng thương mại là thành viên quan trọng trên thị trường vốn ở tất cả các khía cạnh. Nhiều ngân hàng đang phát hành chứng khoán, như vậy họ là bên phát hành, nhiều ngân hàng là nhà đầu tư (họ mua trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu doanh nghiệp) và nhiều ngân hàng là tổ chức trung gian (tư phát hành, lưu ký và cung cấp dịch vụ phân phối trái phiếu doanh nghiệp). Vì vậy, chính sách trong ngành ngân hàng cũng ảnh hưởng đến thị trường vốn và ngược lại. Tương tự, chính sách trên thị trường vốn đôi khi không thể hiệu quả nếu không được hài hòa với chính sách trong ngành ngân hàng...
Chia sẻ về quan điểm của mình, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nêu tầm quan trọng của việc có hạ tầng định mức đánh giá mức độ tín nhiệm đối với thị trường vốn của Việt Nam, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo ADB, việc đánh giá tín nhiệm bắt buộc là cách tiếp cận rất phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển cũng như quốc gia láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia… Hệ thống này giúp đẩy mạnh minh bạch cũng như môi trường phát triển ổn định. Nó cũng rất tốt cho nhà đầu tư.
“Các nhà đầu tư không nên ra quyết định đầu tư chỉ riêng qua định mức tín nhiệm, nhưng đó là thông tin tham khảo để các nhà đầu tư ra quyết định. Nó cũng không khuyến khích các bên phát hành trái phiếu không bảo vệ đảm bảo cho nhà đầu tư. Nó cũng cũng tốt cho bên phát hành.
Qua đánh giá tín nhiệm sẽ khiến cho rủi ro tín dụng, kinh phí rủi ro tín dụng giảm xuống, kỳ hạn dài hơn được phát hành. Việt Nam hiện nay mới có 1 đơn vị đánh giá tín nhiệm. ADB khuyến khích sự tham gia của các cơ quan hiện tại và có các cơ quan mới đánh giá định mức tín nhiệm”, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á khuyến nghị.