Nâng tỷ lệ cọc, rút ngắn thời gian nộp tiền có ngăn chặn được trục lợi đấu giá đất?
Trả lời tại phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 16/3 liên quan đến vấn đề đấu giá đất, lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) và Bộ Tài chính đều kiến nghị nâng tỷ lệ cọc đấu giá đất và rút ngắn thời gian nộp tiền.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, sẽ xem xét về việc nâng tiền đặt cọc đấu giá đất, khi ký hợp đồng xong phải trả tiền, không phải trong 90 ngày mà sẽ sau 10 ngày.
Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phước cũng cho rằng hiện tại tiền đặt cọc còn đang quá thấp. Ông cũng lưu ý tiền đặt cọc phải để vào tài khoản do hội đồng đấu giá quản lý, trong trường hợp bỏ cọc thì tiền đặt cọc sẽ mất.
Mặt khác, vấn đề thời gian nộp tiền cũng cần phải quy định thời gian ngắn hơn và cần phải cam kết thực hiện mục tiêu của việc đấu giá, tránh trường hợp đấu giá đất xong, gói đất để hàng năm trời không sử dụng, gây ảnh hưởng, lãng phí.
Thời gian qua, quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương có nhiều bất cập, trong đó có việc giá đất bị đẩy lên quá cao qua các cuộc đấu giá, gây sốt đất ở nhiều nơi. Cổ phiếu bất động sản trong giai đoạn cuối năm 2021 cũng được đà tăng "phi mã".
Thị trường chao đảo trong cơn sốt của bất động sản. Ngoài các sự việc trên, dư luận cũng từng chứng kiến những vụ việc khiến cả người trúng đấu giá và cán bộ rơi vào vòng lao lý.
Theo đó, đầu năm 2022, Chính phủ giao các Bộ: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, cơ quan liên quan và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; đánh giá tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá bất thường để kịp thời có biện pháp xử lý, không để xảy ra tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.
Đã có nhiều đề xuất giải pháp từ việc nâng mức cọc đấu giá đất. Tuy nhiên, khác với đề xuất đến từ Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, theo đánh giá của Bộ Tư pháp, nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao thì sẽ có ít doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá, tiềm ẩn nguy cơ thông đồng, móc nối để dìm giá.
Cơ quan này dẫn thông lệ quốc tế trong hoạt động đấu giá tại một số nước cho thấy, doanh nghiệp tham đấu giá không phải nộp khoản tiền đặt trước mà chủ yếu dựa vào uy tín của doanh nghiệp đó và pháp luật có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá.
Từ vụ việc cụ thể đấu giá đất vàng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm và quá trình rà soát thời gian qua, Bộ Tư pháp nêu rõ hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất hiện nay còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến sự không thống nhất giữa các quy định của pháp luật đất đai và quản lý thuế về thời hạn nộp tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Các vướng mắc trong quy định pháp luật dẫn đến cách áp dụng khác nhau, gây khó khăn, lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình thực hiện cũng như tiềm ẩn khiếu nại, tố cáo có thể phát sinh.
Trong khi đó, trên cương vị doanh nghiệp, trao đổi với PV, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc EZ Property cũng cho rằng ở mặt tích cực, giải pháp nâng mức cọc sẽ góp phần ngăn chặn các trường hợp đấu giá đất cao rồi bỏ cọc.
Song, mặt trái của để xuất này là làm giảm số lượng đối tượng có thể tham gia đấu giá. Không những vậy, giá cũng sẽ dễ bị các nhóm đầu cơ thao túng do sức cạnh tranh không cao, không mang lại hiệu quả tốt trong tăng nguồn thu ngân sách.