Nasdaq có chuỗi ngày tăng điểm dài nhất từ đầu năm 2022

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Bộ Lao động Mỹ công bố số lượng việc làm trong tháng 6/2022 tăng 372.000, cao vượt kỳ vọng của các chuyên gia.

Ảnh: The Times
Ảnh: The Times

Chỉ số Nasdaq tăng trong phiên giao dịch đầy biến động vào ngày thứ Sáu bởi nhà đầu tư phản ứng với báo cáo việc làm tốt hơn kỳ vọng và đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ vẫn tiếp tục với lộ trình nâng lãi suất cơ bản mạnh tay.

Đóng cửa phiên, chỉ số Nasdaq tăng 0,12% lên 11.635,31 điểm; chỉ số S&P 500 hạ 0,08% xuống còn 3.899,38 điểm; chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 46,60 điểm tương đương 0,15% xuống còn 31.338,15 điểm. Lần đầu tiên tính từ đầu năm 2022, chỉ số Nasdaq tăng điểm 5 phiên liên tiếp.

Bộ Lao động Mỹ công bố số lượng việc làm trong tháng 6/2022 tăng 372.000, cao vượt kỳ vọng của các chuyên gia. Như vậy thị trường việc làm Mỹ tiếp tục có khoảng thời gian tăng trưởng tốt, theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ.

Cả ba chỉ số khép lại một tuần tăng điểm. Báo cáo việc làm và sự suy giảm giá hàng hóa hiện nay đã giúp cho kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, nhờ vậy giúp thị trường chứng khoán tăng điểm, theo phân tích của trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ BMO Wealth Management - ông Yung-Yu Ma.

“Nỗi sợ suy thoái kinh tế đã giảm đi phần nào. Tôi nghĩ thị trường bắt đầu chấp nhận khả năng đó nhiều hơn trong tuần này”, ông Ma nhấn mạnh.

Cổ phiếu các doanh nghiệp trong ngành y tế tăng điểm mạnh. Cổ phiếu Centene Corp và McKesson tăng hơn 3% còn cổ phiếu hãng kinh doanh vaccine Moderna và Regeneron đều tăng hơn 2%. Cổ phiếu hãng sản xuất ô tô điện Tesla tăng 2,5%. Cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất chip và an ninh mạng cũng kéo theo cổ phiếu của nhóm ngành công nghệ lên điểm. Cổ phiếu công ty kinh doanh các sản phẩm bán dẫn ON Semiconductors tăng 2,8% còn cổ phiếu Fortinet tăng 1,8%.

Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng sau khi số liệu việc làm được công bố. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ duy trì trên ngưỡng lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm, theo giới đầu tư, đây là chỉ báo của suy thoái kinh tế.

Dù báo cáo việc làm có thể coi như dấu hiệu tích cực cho kinh tế Mỹ, nhiều nhà đầu tư nhận định thực tế này sẽ cho phép Fed nâng mạnh lãi suất cơ bản đồng USD để kiềm chế lạm phát trong những tháng tới.

Giá dầu tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuy nhiên vẫn hướng đến tuần giảm giá khi mà nhà đầu tư lo sợ về khả năng nhu cầu giảm do suy thoái kinh tế dù rằng nguồn cung toàn cầu vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo Reuters, ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang đồng loạt nâng lãi suất cơ bản đồng nội tệ để kiềm chế lạm phát, thực tế này khiến nhiều người sợ hãi về khả năng chi phí lãi vay tăng cao sẽ thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.

Các biện pháp xét nghiệm COVID-19 trên quy mô lớn tại Thượng Hải trong tuần này khiến nhiều người lo sợ về khả năng sẽ có thêm các biện pháp phong tỏa, nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 2,37USD/thùng tương đương 2,3% lên 107,22USD/thùng trên thị trường London. Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tăng 2,06USD/thùng tương đương 2% lên 104,79USD/thùng. Cả hai loại giá dầu đều có lúc giảm và sau đó hồi phục từ những mức thấp.