"Nếu doanh nghiệp trong nước không vươn lên thì người Việt Nam sẽ phải làm thuê trên quê hương mình"


(Tài chính) Đầu năm mới, tại một cuộc nói chuyện với các doanh nhân, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chỉ rõ những thách thức, cơ hội và triển vọng phát triển của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Những thách thức trước mắt

Một là, kinh tế vĩ mô vẫn còn bất ổn, trong thời gian tới, Chính phủ cần phải đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu. Nhiều vấn đề dài hạn vẫn chưa thể sớm giải quyết. Môi trường kinh doanh, hệ thống khuyến khích chưa chuyển. Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tiếp tục khó khăn. Về dài hạn, muốn ổn định kinh tế vĩ mô cần phải tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, không thể chỉ bình ổn trong thời gian ngắn.

Hai là, kinh tế thế giới chậm cải thiện và những thay đổi liên tục diễn ra trong thương mại toàn cầu và ở các nền kinh tế lớn cũng như trong khu vực. Kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế mở, xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong GDP nên phụ thuộc rất nhiều vào nền kinh tế toàn cầu. Trong khi nền kinh tế thế giới đang thay đổi rất nhanh thì Việt Nam đang có chiều hướng bị “hụt hơi” và không theo kịp tốc độ thay đổi của thương mại thế giới để tận dụng những cơ hội và tránh được những thách thức đặt ra.

Ba là, nhiều cam kết FTA mới mà nước ta tham gia với mức độ, phạm vi tự do hóa và các chuẩn mực cao hơn, tốc độ nhanh hơn. Trong thời gian tới, sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống Cộng đồng kinh tế ASEAN; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bao gồm 10 thành viên ASEAN và 6 đối tác (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand); Đàm phán TPP với Mỹ; Đàm phán giữa EU và FDI… Như vậy, một loạt những cơ hội mới được đặt ra, mở rộng hơn nhiều so với những cam kết trước đây Việt Nam đã có.

Việc theo kịp những đòi hỏi của WTO đã là rất khó đối với nền kinh tế Việt Nam, bởi vậy không dễ dàng gì để DN trong nước có thể tận dụng được các cơ hội từ tự do hóa thương mại. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã từng đặt ra vấn đề: Liệu chúng ta có tận dụng được những cơ hội này hay lại biến cơ hội thành thách thức, biến thách thức thành khủng hoảng…

Bốn là, cường độ cạnh tranh trên thị trường trong nước tăng mạnh về nhiều mặt từ 2015, đặc biệt là sự gia tăng của các DN FDI cũng như hàng hóa từ Trung Quốc và các nước ASEAN. Từ 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành, sự có mặt của các nước này trên thị trường Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, tốc độ của DN ASEAN thâm nhập thị trường Việt Nam đang tăng lên mạnh mẽ và họ sẵn sàng mua DN, nhà máy, xưởng sản xuất lớn để tìm kiếm những chỗ đứng trên thị trường nước ta.

Chiến lược của họ rất bài bản và cặn kẽ để có thể xâm chiếm thị trường, bởi vậy ngay tại thị trường Việt Nam, các DN trong nước cũng gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với chính những mặt hàng chủ đạo như xi măng, sắt, thép… Chưa kể đến trong giai đoạn 2015-2018, Việt Nam  phải thực hiện cam kết ASEAN - Trung Quốc, việc gỡ bớt rào cản về thuế sẽ còn đẩy nhanh hơn nữa quá trình này.

Năm là, bản thân các DN phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại và thích ứng với những đòi hỏi mới trong khi nguồn lực lại có hạn, tương lai chưa chắc chắn và niềm tin thấp. Một trong những thành công lớn nhất của đổi mới là sự phát triển của các DN thổi bùng lên tinh thần kinh doanh của người Việt Nam nhưng hiện nay tinh thần đó đang đi xuống và gặp khó khăn.

Những cơ hội mở ra

Cơ hội của DN phụ thuộc vào các nhân tố vĩ mô. Nếu như Nhà nước thực sự thực hiện được 3 đột phá chiến lược như Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu ra, đặc biệt là về thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng có thể giúp nền kinh tế dần ổn định và tăng trưởng theo hướng bền vững. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng, mở ra rất nhiều cơ hội cho các DN.

Tái cơ cấu tạo sự cải thiện môi trường kinh doanh, phân bổ nguồn lực và chính sách khuyến khích công bằng, hiệu quả hơn. Một trong những yếu tố quan trọng của tái cơ cấu DNNN là để đảm bảo cho môi trường kinh doanh công bằng hơn, cạnh tranh tốt hơn. Một mặt, việc cạnh tranh công bằng giúp DNNN tự cải thiện mình đồng thời tạo môi trường rộng mở cho khu vực DN tư nhân phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, điều này cho thấy chỉ khi DNNN chấp nhận rút bớt sân chơi của mình thì các khu vực khác mới có thêm cơ hội để tiếp cận và phát triển.

Hội nhập quốc tế sâu hơn và các FTA mới (EPA, TPP, EU) tạo sự cải thiện môi trường kinh doanh, cơ hội thương mại và đầu tư về nhiều mặt giúp các DN phát triển.

Thị trường khu vực phát triển khá cao và ổn định với những xu thế mới như: chú trọng thị trường nội địa, nâng cao trình độ công nghệ, tăng cường liên kết kinh tế trong khu vực.

Các DN hiện nay đã thấy hết được những vấn đề sống còn cho phát triển dài hạn của mình, thấy rõ phải thay đổi mạnh. Năng lực của các DN đã khá hơn, đội ngũ trẻ được đào tạo tốt hơn và có nhiều lựa chọn cho con đường sắp tới.

Những kỳ vọng phát triển

Thứ nhất, trong thời gian tới, nếu như thực hiện tốt tái cơ cấu thì DNNN và khu vực tư nhân trong nước sẽ lấy lại được vai trò động lực của mình trong nền kinh tế, tăng cường hợp tác cùng phát triển với các DN FDI. Theo báo cáo của nhóm nghiêm cứu kinh tế cho thấy, trong 4 động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có 3 động lực đã bị xuống quá thấp (DNNN, khu vực tư nhân và nông nghiệp), động lực còn lại là đầu tư nước ngoài lại không bị lệ thuộc nhiều vào hệ thống thể chế môi trường kinh doanh Việt Nam.

Thứ hai, khu vực DN trong nước cải thiện vị thế trong xuất khẩu và công nghiệp, tăng tham gia vào nông nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhân tố đầu vào. Đây cũng là vấn đề quan trọng bởi trong những năm gần đây, vị thế xuất khẩu của nước ta đang suy giảm nhường sân cho DN đầu tư nước ngoài (chiếm khoảng 65% xuất khẩu của Việt Nam), tốc độ tăng xuất khẩu của các DN Việt Nam cực thấp (chỉ khoảng 1,3%). Mức tăng xuất khẩu hiện nay quá thấp trong khi điều kiện thị trường bên ngoài vẫn còn tốt.

Trong khi đó, các DN nước ngoài chớp cơ hội kinh doanh nhảy vào thị trường Việt Nam chiếm lĩnh thị phần, mua lại các DN Việt Nam. Đối với công nghiệp cũng vậy, các DN nước ngoài hiện nay chiếm khoảng 45% giá trị sản lượng công nghiệp và vẫn đang tiếp tục mua lại các DN của Việt Nam. Nếu các DN trong nước không cố gắng vươn lên thì trong nay mai người Việt Nam sẽ phải làm thuê trên chính quê hương của mình.

Thứ ba, tăng cường liên kết giữa DN với nhau và với nông dân, trí thức để cùng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Thứ tư, DN Việt Nam đổi mới tư duy và cách thức phát triển dựa vào công nghệ, sáng tạo để tăng năng lực cạnh tranh, tạo lợi thế mới, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây là những kỳ vọng DN Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, DN trong nước phát triển tốt hơn vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào cải cách, định hướng chính sách của Nhà nước cũng như bản thân các DN.

Chúng ta chỉ còn 2 năm nữa trước khi các FTAs mới hình thành đầy đủ và đi vào thực hiện, nếu như các DN không tăng tốc chuẩn bị thì sẽ không thể phát triển được. Các DN cần phải tự tin, nghĩ mới, làm mới để vươn lên không chỉ cho chính mình mà còn vì sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Bài đăng trên báo Kiểm toán số 1 - 2014