Nga được S&P nâng hạng tín nhiệm sau hơn một thập kỷ chờ đợi
Kể từ năm 2006, đây là lần đầu tiên tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings (S&P) quyết định nâng hạng cho Nga, một quyết định quan trọng đưa trái phiếu của quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới trở về nhóm đạt chuẩn đầu tư.
Trong tuyên bố đưa ra cuối tuần qua, S&P cho biết điểm xếp hạng của Nga đã được nâng từ BB+ lên BBB-, cùng với đánh giá triển vọng ổn định.
Thông cáo của S&P có đoạn: “Lần nâng điểm tín nhiệm này phản ánh hiệu quả của chính sách thận trọng đã giúp kinh tế Nga điều chỉnh giảm giá cả hàng hóa và thích ứng được với các biện pháp trừng phạt quốc tế”.
Tăng sức hút dòng tiền đầu tư
S&P cũng nhấn mạnh Nga đã thể hiện được quyết tâm kiềm chế tài chính để giảm thiểu rủi ro trượt giá trong trung hạn, cùng với đó là tín dụng cho khu vực tư nhân được phục hồi.
Theo ý kiến các chuyên gia, với quyết định này của S&P, Nga đã giành được sự tin tưởng của cả hai tổ chức xếp hạng uy tín (trước đó là Fitch Ratings với điểm chấm BBB-) và sẽ có sức hút hơn đối với dòng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD từ các quỹ chuyên theo dõi những thị trường mới nổi.
Nga từng bị cả S&P và Moody’s đánh tụt mức tín nhiệm xuống dưới chuẩn đầu tư kể từ năm 2015, khi sự sụt giảm của giá dầu thô kết hợp với các đòn trừng phạt quốc tế của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy nước này vào tình cảnh suy thoái.
Giờ giá dầu đang nhích dần lên, tăng trưởng kinh tế đã quay trở lại, còn các biện pháp trừng phạt của Mỹ thì có thể được gỡ bỏ dần trong tương lai gần.
Mặc dù giới đầu tư đã nhận định việc Nga được nâng hạng tín nhiệm chỉ là vấn đề thời gian, song ít người dự đoán được động thái này lại đến sớm như vậy.
Tình hình trái phiếu của Nga hiện đang tương đối ổn định. Lợi suất trái phiếu đáo hạn vào tháng 6/2028 là 4,32%, trong khi tỷ lệ phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap) kỳ hạn 5 năm - một loại chứng khoán phái sinh và thường có quan hệ chặt chẽ với việc xếp hạng tín nhiệm của bên đi vay - không thay đổi nhiều so với giai đoạn tiền khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Trong số các thị trường mới nổi, Nga cũng là nước thuộc nhóm ít nợ nần nhất.
Với việc được S&P nâng hạng tín nhiệm, vị trí của Nga giờ tương đương với các nước như Kazakhstan, Bulgaria hay Indonesia. Trong khi đó, Moody’s Investors Service dự kiến cũng sẽ nhấc Nga ra khỏi nhóm dưới chuẩn đầu tư trong vòng 12 - 18 tháng tới, sau khi đã kết luận triển vọng của Nga là “tích cực”.
Còn nhớ vào tháng 9 năm ngoái, một tổ chức xếp hạng uy tín khác là Fitch Ratings, đã quyết định nâng mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Nga từ mức “BBB-” với triển vọng ổn định lên tích cực. Lý do là Moskva tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ trong việc củng cố chính sách kinh tế của mình, đặc biệt là sự thành công chính sách thả nổi đồng ruble, kiên trì đạt được chỉ số lạm phát mục tiêu và tính hợp lý trong chiến lược ngân sách.
Điều này kết hợp với những yếu tố dẫn đến cải thiện ổn định kinh tế vĩ mô và củng cố sự ổn định nền kinh tế Nga trước các cú sốc.
Fitch dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong 2 năm 2018 và 2019 đạt mức trung bình 2,1%/năm, tức là cao hơn năm 2017. Còn theo dự báo của S&P, GDP thực tế của Nga sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 1,7%/năm từ nay đến 2020.