Ngân hàng Trung ương Nga quyết định dừng mua ngoại tệ

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều năm liên tục đau đầu với lạm phát phi mã và đồng nội tệ thiếu ổn định, nay Ngân hàng trung ương Nga (BoR) lại phải tập trung sự chú ý vào việc làm thế nào vừa kiềm chế được lạm phát mà không đẩy nền kinh tế lún sâu hơn vào suy thoái.

Đồng RUB lại tiếp tục yếu đi trong những tuần gần đây. nguồn: internet
Đồng RUB lại tiếp tục yếu đi trong những tuần gần đây. nguồn: internet

Hôm 29/7, BoR ra thông báo đã ngừng mua đồng USD và EUR cho dự trữ ngoại hối từ trước đó 1 ngày, trong bối cảnh đồng nội tệ (RUB) giảm giá xuống chưa tới 60 RUB đổi 1 USD và 67 RUB đổi 1 EUR lần đầu tiên kể từ tháng 3.

Tìm kiếm sự cân bằng

Theo nhận định của chuyên gia, quyết định trên cho thấy BoR đang tìm cách cân bằng giữa mong muốn tiếp tục hạ lãi suất với nhu cầu kìm giữ lạm phát trong tầm kiểm soát.

BoR đã chi hàng tỷ USD để mua RUB trong năm 2014, nhằm chống đỡ cho đồng nội tệ, nhưng đến cuối năm lại thả nổi tự do với lời giải thích rằng cơ quan này sẽ chỉ can thiệp khi biến động thị trường đe dọa sự ổn định tài chính.

Đến trung tuần tháng 5/2015, BoR lại can thiệp nhưng lần này là để hạn chế sức nóng của đồng RUB bằng cách mua vào khoảng 200 triệu USD ngoại tệ mỗi ngày. BoR muốn điều chỉnh lượng dự trữ vàng và ngoại hối của mình trở về mức 500 tỷ USD trong vòng 3 - 5 năm tới. Tính đến ngày 17/7, quỹ dự trữ này đang có 358,2 tỷ USD.

BoR cho biết sẽ tạm dừng các hoạt động can thiệp như trên để phù hợp với các cam kết trước đó là hạn chế tác động của những quyết định can thiệp đối với tỷ giá đồng RUB.

Chuyên gia phân tích tại ngân hàng Sberbank CIB cho rằng quyết định ngừng mua ngoại tệ "có thể khiến thị trường bối rối không hiểu liệu có phải BoR có chấp nhận tỷ giá 60 RUB ăn 1 USD là ngưỡng an toàn trên".

BoR đã phải chịu rất nhiều sức ép trong năm 2014, sau khi đồng RUB mất giá dữ dội, thậm chí có thời điểm trong tháng 12, phải cần tới 80 RUB mới đổi được 1 USD, khiến người dân hoảng loạn đổ xô tới các quầy đổi tiền và cây ATM.

Việc đồng RUB lại có xu hướng yếu đi những tuần gần đây, chủ yếu do sự sụt giảm của giá dầu, có thể nhấn chìm hy vọng về một đợt hạ lãi suất cho vay của BoR nhằm tiếp thêm sinh khí cho nền kinh tế Nga trong năm 2015. BoR từng cảnh báo nguy cơ lạm phát có thể thu hẹp quy mô của gói nới lỏng tiền tệ.

Lạm phát đã và đang là một điểm yếu của BoR thời gian qua. Tốc độ tăng giá hàng năm vẫn duy trì trên 15% suốt nhiều tháng nay, vượt quá xa mục tiêu 4%. Một loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây, cùng với việc dầu mất giá một nửa sau 12 tháng, khiến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hàng hóa như Nga rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ 2009. Số liệu mà Chính phủ Nga mới công bố cho thấy trong tháng 6 vừa qua, GDP nước này ít hơn 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm hẹn đầu tư bớt hấp dẫn

Làm sao để cân bằng lạm phát với rủi ro tăng trưởng là vấn đề mà BoR sẽ phải tập trung làm rõ khi các quan chức có cuộc họp bàn về lãi suất trong ngày 31/7. Đa số chuyên gia phân tích dự đoán lãi suất sẽ giảm, cho dù không được quyết liệt như hồi đầu năm. Tính tới nay, sau 7 tháng của năm 2014, BoR đã 4 lần hạ lãi suất cơ bản, từ 17% xuống 11,5%. Lần này, BoR dự kiến sẽ chỉ giảm lãi suất thêm 0,5% nữa.

Giới quan sát nhận định việc dừng can thiệp ngoại hối cho thấy BoR đang thận trọng theo dõi thêm, bởi với tình trạng sức khỏe không lấy gì làm chắc chắn của đồng RUB như hiện nay thì một áp lực mới nào đó, ví dụ từ cắt giảm lãi suất, có thể khiến đồng nội tệ này "bị quá sức", tiếp tục đẩy lạm phát lên cao nữa.

Trong khi đó, lợi suất đầu tư ở Nga giảm cùng chiều với lãi suất của BoR khiến một số nhà đầu tư quốc tế buộc phải cân nhắc thu hẹp hoạt động tại thị trường này. Giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Nga đã giảm 14% so với mức đỉnh trong năm nay đạt được hồi giữa tháng 2.

"Vài tháng trước đây, Nga vẫn là một đề tài nóng hổi về đầu tư. Nhưng việc giá dầu lại giảm khiến Nga không còn hấp dẫn nữa", ông Zsolt Papp, quản lý danh mục đầu tư tại JP Morgan Asset Management, cho biết.

Tuy nhiên, vẫn có những người lạc quan khi cho rằng những yếu tố bất thường khiến đồng RUB yếu đi như căng thẳng địa chính trị hay BoR không kiểm soát được lạm phát đều đã có dấu hiệu ổn định; chỉ ngoại trừ giá dầu là khó lường mà thôi.