Sức nặng thực sự của BRICS?

Theo daibieunhandan.vn

Vào khoảng cuối những năm 1990, phong trào chống toàn cầu hóa được đẩy mạnh với những cuộc biểu tình phản đối những hội nghị thượng đỉnh như của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO ở Seatle và G8 ở Genoa cùng khẩu hiệu “một thế giới khác là có thể”. Liệu “thế giới khác” này hiện có phải đang được xây dựng qua BRICS - câu lạc bộ của các quốc gia đang trỗi dậy như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vào đầu tháng 7, các nhà lãnh đạo của những quốc gia này đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của nhóm ở Ufa, Nga. Đây là hội nghị lần thứ 7 của BRICS và nó đang ngày càng trở nên giống một tổ chức thế giới thực thụ chứ không còn là một nhóm gồm các tên viết tắt của một số nước. Thực tế là, BRICS, đại diện cho khoảng 40% dân số thế giới và 20% GDP toàn cầu, trải dài qua 3 châu lục, được coi là nỗ lực đầu tiên nhằm tạo ra một tổ chức thay thế cho phương Tây kể từ khi Liên bang Xô Viết và bức tường Berlin sụp đổ.

Theo tờ L’obs, BRICS đang sở hữu nhiều thứ trong tay: các cuộc họp thượng đỉnh hằng năm mà tiếng nói ngày càng có trọng lượng, một ngân hàng phát triển không phụ thuộc vào đồng USD vào đầu năm 2016 và thậm chí có mối liên hệ quân sự thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một người anh em họ ra đời vào giữa thập kỷ 1990 do Moscow và Bắc Kinh khởi xướng. SCO đã liên kết tất cả các nước Trung Á và Ấn Độ. Ngoài ra, nó còn bao gồm Iran với vai trò là quan sát viên.

Theo một tít báo gần đây trên tờ Nhật báo Nhân dân của đảng Cộng sản Trung Quốc, “Nhóm BRICS và SCO đang nắm tay nhau cùng tiến xa”. SCO cũng tổ chức hội nghị thượng đỉnh của riêng mình ở Ufa, gần như ngay lập tức sau khi các nước BRICS tụ họp.

Mặc dù mục đích của việc thành lập nhóm là để tránh sự chi phối của phương Tây, đặc biệt là ảnh hưởng của Mỹ tại các thể chế quốc tế lớn như IMF và WB, các nước thành viên của BRICS không hẳn là một thực thể thống nhất bởi sự khác nhau về thể chế chính trị. Chẳng hạn, Trung Quốc theo chủ nghĩa cộng sản khác hẳn với các thành viên khác.

Về khía cạnh kinh tế, BRICS sở hữu những nền kinh tế thị trường được kiểm soát nhiều ít khác nhau. Điều đó có nghĩa là các nước thành viên có thể dễ dàng dẫm vào chân nhau và phát sinh xung đột, đặc biệt là những nơi nặng về chủ nghĩa bảo hộ như Trung Quốc và Brazil.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của BRICS là để làm đối trọng với những thế lực phương Tây điển hình như Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga Putin có thể dựa vào ông bạn Trung Quốc Tập Cận Bình để giảm nhẹ những hậu quả của việc trừng phạt từ phương Tây sau khủng hoảng tại Ukraine. Ngược lại, Trung Quốc, một thế lực thế giới mới nay mai đang coi nhóm này như là cách thoát khỏi cái đang được xem là chính sách ngăn chặn có hơi hướng chiến tranh lạnh do Mỹ tiến hành. Hơn nữa, hợp tác quân sự giữa các thành viên của BRICS có thể là sự thay thế duy nhất cho NATO, vốn đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động của nó kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.

Mặc dù có những hạn chế, mâu thuẫn và những điểm yếu, các thành viên BRICS đang có ảnh hưởng không nhỏ tới các mối quan hệ quyền lực quốc tế theo cách không nghiêng về Mỹ. Nhưng Nhóm này không đi theo logic chiến tranh lạnh là nhóm này chống lại nhóm kia, nó cũng không tạo ra một “thế giới khác” xét trên giá trị và mô hình.