Nga sốc bởi toan tính của EU

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Theo thống kê của Tổ chức Xếp hạng Tín dụng Moody's, các doanh nghiệp Nga hiện đang gửi gần 30 tỷ USD trong tổng 68 tỷ USD tiền gửi tại các ngân hàng Cyprus. Trong số khách hàng gửi tiền có không ít quan chức tham nhũng và giới mafia Nga và nhiều trường hợp được coi là có dấu hiệu rửa tiền. Ngày 26/3/2013, ông Antreas Artemis, 59 tuổi, Chủ tịch Bank of Cyprus, ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất của Cyprus đã chính thức tuyên bố từ chức cùng 4 thành viên Ban giám đốc, đánh dấu cho sự khởi đầu cuộc khủng hoảng ngân hàng ở quốc đảo này.

Khách hàng đang chờ rút tiền từ ATM sau khi Bank of Cyprus trở lại hoạt động. Nguồn: internet
Khách hàng đang chờ rút tiền từ ATM sau khi Bank of Cyprus trở lại hoạt động. Nguồn: internet

Ông Antreas Artemis đã đưa ra quyết định từ chức ngay sau cuộc gặp với ông Panicos Demetriades, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Cyprus và Bộ trưởng Tài chính Michael Sarris. Lý do từ chức được ông Antreas Artemis đưa ra là vì ông quá lo ngại về các điều khoản trong bản thỏa thuận cứu trợ mà Chính phủ Cyprus đã ký với các chủ nợ, cũng như không chịu nổi áp lực đã vượt quá sức chịu đựng của ông trong thời gian qua.

Trong hơn 10 ngày trước đó, toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại của quốc đảo này đã bị tê liệt, tạm ngừng hoạt động để trông chờ vào gói cứu trợ của bộ ba nhà tài trợ, gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Và đến ngày 28/3, các ngân hàng thương mại Cyprus đã mở cửa trở lại, tiền mặt đã được vận chuyển trực tiếp từ Frankfurt (Đức) sang cho Cyprus. Để được tiếp nhận 10 tỷ euro, Chính phủ nước này phải thu được 5,8 tỷ euro từ việc đánh thuế các khoản tiền gửi ngân hàng có giá trị trên 100.000 euro. 

Hơn nữa, Cyprus Popular Bank (còn gọi là Laiki Bank), ngân hàng thương mại lớn thứ 2 của Cyprus bị buộc phải phá sản. Tất cả các khoản tiền gửi tốt (có giá trị dưới 100.000 euro) của Laiki Bank được chuyển về cho Bank of Cyprus quản lý.

Các khoản tiền gửi bị coi là “có vấn đề”, từ 100.000 euro trở lên sẽ bị “đóng băng”, nằm bất động một chỗ, chờ thống nhất cách xử lý. Nhẹ nhất là các chủ nhân được lấy lại tiền sau khi phải chịu một khoản thuế có thể lên tới 40% do không có bảo hiểm, theo luật của EU. Quyết định này đối với nước Nga thực sự là một cú sốc lớn.

Theo thống kê của Tổ chức Xếp hạng Tín dụng Moody's, các doanh nghiệp Nga hiện đang gửi gần 30 tỷ USD trong tổng 68 tỷ USD tiền gửi tại các ngân hàng Cyprus. Với số tiền gửi lớn như vậy, những doanh nghiệp Nga không thể không lo lắng nếu những bất ổn trong hệ thống ngân hàng Cyprus xảy ra.

Trong số khách hàng gửi tiền có không ít quan chức tham nhũng và giới mafia Nga và nhiều trường hợp được coi là có dấu hiệu rửa tiền.

Mặt khác, nhiều năm qua, các ngân hàng thương mại Cyprus đã sử dụng tiền gửi của các nhà đầu tư Nga để mua lại trái phiếu Hy Lạp. Khi trái phiếu Hy Lạp mất giá, các ngân hàng Cyprus đã bị mất khối tiền và các nhà đầu tư cũng bị vạ lây. 

Nhưng đó chưa phải tất cả. Rất nhiều công ty Nga mở đường tìm vào thị trường EU từ Cyprus. Đường này cơ bản sẽ bị khóa chặt. Chính phủ Nga cũng lao đao vì mới năm 2011 còn cho Cyprus vay nhiều tỷ euro, theo một số nguồn tin, con số này không dưới 5 tỷ euro. Đến nay, dưới thỏa thuận tài chính tái cấu trúc, số tiền này sẽ bị “tái cơ cấu” chưa biết ngày nào mới trở về nước Nga.

Không ít ý kiến cho rằng, nhiều nhà đầu tư Nga đã hưởng lợi mức thuế thấp từ nhiều năm qua, thì nay cũng phải chấp nhận đóng góp phần nào khi Cyprus gặp khó khăn. Một tỷ phú Nga là cổ đông của Bank of Cyprus đã ví gói giải cứu trên như một tối hậu thư với những cổ đông của ngân hàng: “Hoặc là ông phải tự tử hoặc là chúng tôi buộc phải giết ông”.

Mới đây nhất, theo một nguồn tin ở Cyprus, trên 40 công ty của Nga và Ukraine sẽ sở hữu một phần đáng kể cổ phần trong ngân hàng Bank of Cyprus  thông qua các thỏa thuận cứu trợ được thực hiện qua việc điều chỉnh cơ cấu vốn bằng cách chuyển khoảng 47% số tiền của khách gửi tiền thành cổ phiếu thường.

Ông Andreas Neocleous, chủ một văn phòng luật lớn, đại diện cho các công ty đang sở hữu 2,5% cổ phần của ngân hàng này, cho biết: "Có khoảng 40-45 công ty nước ngoài, chủ yếu là Nga, nhưng cũng có một số công ty Ukraine, nắm giữ khoảng 12% cổ phần của ngân hàng này".

Theo ước tính khoảng 30% cổ phần của Bank of Cyprus  thuộc sở hữu của hàng trăm người gửi tiền nước ngoài, chủ yếu là người Nga. Những nỗ lực trên cho thấy họ đang cố gắng vớt vát lại những gì còn có thể.