Ngân hàng bị đẩy về đích sớm

Theo dddn.com.vn

Nhiều ngân hàng hiện còn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2015. Nhưng với những gì đang diễn ra trên thị trường và trước sự thúc ép của Ngân hàng Nhà nước, có vẻ như năm nay ngành ngân hàng sẽ về đích rất sớm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 9/7/2015, cơ quan quản lý ngân hàng bất ngờ đưa ra danh sách 18 ngân hàng thương mại được tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Đáng lưu ý là hiện hệ thống ngân hàng gồm: hơn 30 ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước (chưa kể ba ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0 đồng); 4 ngân hàng liên doanh và 66 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó là hai ngân hàng thực hiện cung ứng vốn chính sách (Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội) được Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng riêng.

Lộ diện những ngân hàng… “khỏe”?

Trong số các ngân hàng được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng, ngân hàng có mức tăng cao nhất là 35%, còn thấp nhất là 16%. Cùng với đó là một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chốt con số cụ thể về tổng dư nợ tín dụng đến ngày 31/12/2015.

Tại buổi họp sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng hồi cuối tháng 6/2015, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố, mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành năm nay tối đa là 17%, cao hơn mức 13-15% đưa ra hồi cuối năm 2014.

Chính vì thế, việc điều chỉnh tăng mức tăng trưởng tín dụng này được coi là chuyện tất yếu. Nhưng dư luận bất ngờ ở chỗ, Thống đốc từng khẳng định: những ngân hàng không xử lý tốt nợ xấu sẽ không được điều chỉnh chỉ tiêu tăng tín dụng. Kể từ ngày NHNN áp dụng chỉ tiêu này, chỉ những ngân hàng nào được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao mới công bố mức tăng trưởng tín dụng của mình như một cách “khoe” là họ vững mạnh.

Do đó, việc NHNN công khai không chỉ mức chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà cả con số cụ thể về tổng dư nợ tín dụng của các NHTM là điều bất ngờ. Việc này chẳng khác gì để dư luận cứ nhìn vào danh sách này mà “suy ra” những ngân hàng đang có vấn đề.

Tuy nhiên, cách suy diễn này có vẻ chưa thực sự ổn khi cả hai ông lớn là BIDV và Agribank đều không nằm trong danh sách được điều chỉnh tăng trưởng tín dụng lần này. Đơn cử với BIDV, tháng 5/2015 họ công bố mức nợ xấu hết quý 1/2015 chỉ ở 2,23% – nằm trong ngưỡng an toàn theo yêu cầu của NHNN, nhưng là khá cao so với mức 1,5% của Vietinbank. Vấn đề là BIDV vừa nhận MHB về. Phải chăng vì thế nợ xấu của họ bị “đội lên”?

Ngược lại, Vietinbank đang là “ngôi sao” sáng giá khi năm 2014 huy động vốn của họ tăng 16,4%, tín dụng tăng 18,2%. Nhưng năm 2015, Hội đồng quản trị VietinBank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng và huy động đều trong khoảng 13 – 15%. Nay theo mức điều chỉnh mới, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này là 16%.

“Chết” vì nợ xấu

Tính đến cuối tháng 5/2015, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng là 3,15%. Thống đốc Bình khẳng định, giảm nợ xấu là mục tiêu chính trị quan trọng của ngành ngân hàng. Năm tháng đầu năm 2015, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu tính từ khi ra đời đến hết tháng 5/2015, VAMC đã gom về tổng cộng khoảng 170.000 tỷ đồng nợ xấu trên sổ sách từ hệ thống tổ chức tín dụng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC khẳng định: mục tiêu đến cuối năm 2015 công ty sẽ mua về khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu là không khó. Trước khi điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, NHNN đã liên tục gửi thông báo đốc thúc họ xử lý nợ xấu. NHNN chủ trương tổ chức tín dụng nào chưa xử lý tốt nợ xấu thì sẽ không được điều chỉnh tăng mức tăng trưởng tín dụng và không được cấp phép mở chi nhánh…

Thống đốc Bình còn yêu cầu, tất cả các ngân hàng phải hoàn thành kế hoạch xử lý nợ xấu của mình (30/6 hoàn thành 75% và đạt 100% trước 30/9) nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành xuống dưới 3% trước ngày 1/10, sớm hơn mốc 31/12/2015 của Đề án Tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015. Để thực hiện được yêu cầu này của Thống đốc, có lẽ 1-2 tháng tới VAMC sẽ phải “mua ngày, mua đêm” để giúp các NHTM hoàn thành nhiệm vụ.

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, NHNN đặt mục tiêu sẽ hoàn thành trong quý 2/2015 để dành thời gian ổn định hệ thống. Nhìn lại, NHNN đã mua ba NHTM giá 0 đồng; cho MHB sáp nhập vào BIDV. Như vậy, so với kế hoạch sẽ xử lý 6 – 8 ngân hàng yếu kém mà NHNN đưa ra hồi cuối năm 2014 thì còn rất nhiều việc phải làm.

Nhưng với kinh nghiệm xử lý các ngân hàng yếu kém thời gian qua, có thể thấy tiến trình này sẽ được đẩy nhanh ngay trong một vài tháng tới. Thực tế đã hình thành các “cặp đôi” từ cuối năm 2014. Vấn đề chỉ là cơ chế của NHNN áp cho từng trường hợp như thế nào; và cổ đông lớn của hai bên có thỏa thuận được với nhau hay không.

Nhưng cũng phải nhắc lại là NHNN đã cho họ thời gian để sáp nhập tự nguyện và “tấm gương” của ba ngân hàng bị mua với gia 0 đồng vừa qua là điều nhắc nhở đối với các cổ đông của các ngân hàng yếu kém: đừng vì tham bát mà bỏ mâm.

Theo nguồn tin của DOANH NHÂN, một NHTM cổ phần nhỏ nợ xấu chỉ 3% nhưng đã đồng ý sáp nhập vào DongA Bank. Thậm chí họ chấp nhận thương hiệu của mình biến mất khỏi thị trường.

Hơn nữa, cứ nhìn thương vụ giữa MHB và BIDV thì thấy tiến độ xử lý ngân hàng yếu kém đã được đẩy nhanh thế nào. Ngày 25/4/2015, NHNN chính thức chấp nhận phương án sáp nhập MHB vào BIDV. Ngày 22/5 MHB chấm dứt hoạt động thì chỉ trong hai ngày 23 và 24/5, BIDV đã tiến hành chuyển đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu từ hội sở chính đến 44 chi nhánh, 187 phòng giao dịch của MHB trên toàn quốc thành nhận diện thương hiệu của BIDV. Từ ngày 25/5/2015, toàn bộ các chi nhánh của MHB trước đây trở thành chi nhánh của BIDV.