Ngân hàng cổ phần sốt sắng tăng vốn

Theo Hà Thành/thoibaonganhang.vn

Tăng vốn không chỉ giúp ngân hàng có khả năng chống chọi tốt hơn đối với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, mà còn tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại ĐHCĐ vừa qua, nhiều ngân hàng đã trình cổ đông kế hoạch tăng vốn. Đơn cử, VietBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 4.190 tỷ đồng hiện nay lên gần 4.819 tỷ đồng. Nguồn để tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận giữ lại của năm 2017-2019, với số tiền gần 629 tỷ đồng (62,87 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu). VietBank sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông để tăng vốn điều lệ, với tỷ lệ dự kiến 15%. Theo HĐQT VietBank, việc tăng vốn năm 2020 nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, tăng vốn để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các trụ cột của Basel II, cũng như giúp ngân hàng bổ sung nguồn vốn hoạt động, mở rộng quy mô kinh doanh.

SCB cũng vậy. Theo Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn, ngân hàng này đã được chấp thuận áp dụng Thông tư 41 của NHNN. Tuy nhiên, trong năm 2020 SCB sẽ tiếp tục tăng vốn để nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR) cũng như các quy định khác của NHNN. Theo kế hoạch, SCB sẽ chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, NĐT trong và ngoài nước, với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020 và hoàn thành phát hành trong 2020 - 2021. Sau khi phát hành thành công vốn điều lệ SCB sẽ tăng từ 15.232 tỷ đồng lên 20.231 tỷ đồng. Với số tiền thu về, theo dự kiến, ngân hàng chi 4.000 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh, số còn lại chi đầu tư vào tài sản cố định và công nghệ thông tin...

Với Nam A Bank, mặc dù vừa được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ mức hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2020, nhưng ngân hàng đang đặt mục tiêu niêm yết sàn HoSE và kỳ vọng thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài để tăng vốn, củng cố nguồn lực tài chính vững chắc hơn.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc các ngân hàng, không kể lớn hay nhỏ, đều sốt sắng tăng vốn trong thời điểm này là điều cần thiết. Bởi dịch bệnh đang ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, qua đó tiềm ẩn khả năng nợ xấu tăng, làm suy giảm “sức khỏe” của ngân hàng. Vì vậy, tăng vốn không chỉ giúp ngân hàng có khả năng chống chọi tốt hơn đối với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, mà còn tăng khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Đồng quan điểm như vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mặc dù điều kiện hiện tại không mấy thuận lợi, song việc tăng vốn đối với các ngân hàng là không thể lùi. Bởi việc tăng vốn quyết định đến sự sống còn của ngân hàng. Vốn chủ sở hữu là gối đệm giúp cho ngân hàng “hấp thụ” những thiệt hại khi gặp rủi ro. Nên ngân hàng nào có vốn chủ sở hữu mạnh sẽ vững vàng vượt qua các cú sốc; còn ngân hàng nào vốn chủ sở hữu mỏng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn. Điều đó lại càng quan trọng khi mà hiện kinh tế thế giới và cả Việt Nam đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh.

Lý do nữa khiến các ngân hàng phải đẩy nhanh kế hoạch tăng vốn là theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, từ 1/10/2021 tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ giảm xuống còn 34% và sẽ giảm tiếp xuống còn 30% từ sau 1/10/2022. Nếu không tăng được vốn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn trung dài hạn của các nhà băng.

Giới chuyên môn cho rằng, giai đoạn này thị trường chứng khoán đang tăng trưởng tốt, nhất là cổ phiếu ngân hàng đang tiếp tục dẫn dắt thị trường việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu mới cho các NĐT có thể là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, theo một chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu các ngân hàng nhỏ vẫn chưa nhận được sự đón nhận tích cực từ NĐT do kết quả kinh doanh cũng còn khiêm tốn, chiến lược kinh doanh chưa có điểm nhấn so với các ngân hàng lớn.

Đáng lưu ý, trong kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng đều có phương án gọi vốn từ các NĐT ngoại. Đây là phương án được đánh giá là phù hợp vì dòng tiền dài hạn của NĐT nội nhiều năm nay bị chững lại. Nhất là thời điểm này những NĐT lớn đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì khả năng huy động vốn từ nhóm NĐT này là không dễ. Thực tế phát đi tín hiệu tích cực sau một thời gian bán ròng liên tục từ NĐT ngoại đã quay trở lại mua ròng cổ phiếu. Cơ hội rộng mở hơn khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại lớn như EVFTA, CPTPP... Tuy nhiên, để thu hút được sự quan tâm của NĐT thì ngoài lợi nhuận khả quan, các ngân hàng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe như chất lượng tài sản, tình hình tài chính minh bạch...

Một số chuyên gia đề xuất trong bối cảnh nhiều ngân hàng nỗ lực tăng huy động vốn ngoại nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, đẩy mạnh tái cơ cấu, đáp ứng chuẩn quốc tế, Chính phủ nên cho phép nới room ngoại tại nhà băng tăng từ 30% lên 49%. Vì các NĐT luôn mong muốn có tỷ lệ sở hữu cao hơn để có thể tham gia sâu hơn vào quản trị, điều hành.