Ngân hàng đua kích cầu cho vay

Theo baohaiquan.vn

Áp lực từ chỉ tiêu tín dụng và lợi nhuận đưa ra cao hơn buộc các ngân hàng phải từng bước đẩy mạnh kích cầu tín dụng bằng các gói ưu đãi lãi suất cho vay.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể có thêm cơ hội hiện thực hóa kế hoạch của mình, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa tung ra gói tín dụng lên tới 5.000 tỷ đồng.

Theo đó, với khoản vay có giá trị từ 100 triệu đồng và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, khách hàng sẽ được ABBank ưu đãi lãi suất chỉ từ 7,58%. Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng dành 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, với lãi suất vay ngắn hạn chỉ từ 6%/năm.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cho vay lên đến 80% tổng nhu cầu vốn đầu tư với tài sản bảo đảm là chính công trình chuồng trại và máy móc thiết bị hình thành từ vốn vay. Viet Capital Bank cũng triển khai đồng loạt các sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với từng phân khúc khách hàng doanh nghiệp như: “Chương trình Lãi vay cực sốc - Tăng tốc kinh doanh”, với lãi suất chỉ 6,6%/năm.

Trước đó, không ít ngân hàng cũng đua nhau tung gói tín dụng kích cầu. Ví như Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cho vay gói 1.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất chỉ từ 6,8%/năm. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn lãi suất ưu đãi, đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà để ở nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng bán lẻ 35% năm nay.

Mặc dù các ngân hàng tăng cường kích cầu tín dụng, song dư nợ tín dụng cũng tăng chỉ ở mức phù hợp. Báo cáo 6 tháng đầu năm của các ngân hàng cho thấy, tín dụng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ tăng 6% trong 2 quý đầu năm; tín dụng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) lần lượt tăng 10,6% và 7,7%.

So với các ngân hàng lớn, tín dụng tại một số ngân hàng nhỏ trong 2 quý đầu năm nay có mức tăng trưởng cao hơn, dao động trong khoảng 10-15%, song do quy mô của các ngân hàng này còn nhỏ, số dư tuyệt đối tăng trưởng dư nợ chưa cao.

Theo lãnh đạo các nhà băng, cạnh tranh trong cho vay hiện nay rất gay gắt buộc ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay, nhưng chỉ giảm trong vài tháng đầu để thu hút khách hàng. Còn thực tế, thị phần tín dụng khó mở rộng vì ngân hàng kiểm soát khá chặt rủi ro, trong khi người vay còn e ngại áp lực lãi suất.

Chuyên gia tài chính, ông Huỳnh Trung Minh cho rằng, lãi suất cho vay mua nhà hiện nay đã phù hợp và khá ổn định, song dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân, trong đó chú ý nhất là cho vay mua nhà, không tăng nhiều so với đầu năm một phần là do giá bất động sản tăng, trong khi khách hàng vẫn có tâm lý chờ đợi.

Không chỉ khối cá nhân, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay cũng khó tăng đột biến, dù ngân hàng đã cố gắng kéo giảm lãi vay.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 18-20% là hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn và nợ xấu của ngành chưa được xử lý nhanh, thị trường bất động sản chưa thể nói là tan băng, do chỉ mới ấm lên ở phân khúc nhà ở…

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng 5 tháng đầu năm nay chỉ 5,48%. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có dòng tín dụng tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng mức tăng còn thấp hơn nhiều so với những năm tín dụng tăng cao.

Cụ thể, tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 5 tháng đầu năm tăng 5%, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua. Còn tại TP. Hà Nội, 4 tháng đầu năm, tổng dư nợ trên địa bàn tăng 4,8% so cuối năm 2015.