Ngân hàng đua “trend” sinh lời tự động
Trong bối cảnh tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi của khách hàng tăng cao, các ngân hàng Việt Nam đang bước vào một cuộc đua mới là tung ra sản phẩm sinh lời tự động. Đây là giải pháp tài chính sáng tạo, cho phép số dư trong tài khoản thanh toán không chỉ sẵn sàng để chi tiêu mà còn tự động sinh lời mỗi ngày với lãi suất hấp dẫn.

Trong số các ngân hàng đang triển khai, Techcombank là ngân hàng tiên phong xu hướng này, khi triển khai tính năng “Sinh lời tự động” trên ứng dụng Techcombank Mobile từ đầu năm 2024.
Tính năng này cho phép số tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán tự động được luân chuyển để sinh lời theo ngày, với lãi suất lên đến 4,1%/năm, vượt xa lãi suất tài khoản vãng lai thông thường (thường chỉ khoảng 0,1%/năm). Điểm nổi bật của “Sinh lời tự động” phiên bản 2.0 ra mắt vào đầu năm 2025 là sự xóa bỏ ngưỡng số dư tối thiểu. Lợi suất được tính hàng ngày và trả định kỳ hàng tháng, trong khi khách hàng vẫn có thể chi tiêu, chuyển khoản bất kỳ lúc nào trên toàn bộ số dư.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên vào cuối tháng 4/2025, ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, trong quý I/2025, ngân hàng có 800.000 khách hàng đăng ký triển khai tính năng “Sinh lời tự động”. Techcombank cho biết, đến nay đã có hơn 2,6 triệu khách hàng kích hoạt tính năng này, tối ưu hóa hơn 74.000 tỷ đồng số dư tài khoản.
MSB cũng nhanh chóng bắt “trend” từ tháng 10/2024, với việc sử dụng tính năng sinh lời trên tài khoản, khách hàng sẽ được hưởng lợi suất cao hơn so với tài khoản thanh toán thông thường có thể lên tới 4,2%/năm, chỉ với thời gian nắm giữ từ 1 tuần đến 3 tháng.
Cuối tháng 11/2024, LPBank cũng ra mắt tính năng mới “Sinh lời Lộc Phát” trên ứng dụng ngân hàng, giúp khách hàng tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi và gia tăng thu nhập đáng kể với lợi suất lên tới 4,3%/năm, gấp hơn 40 lần so với lãi suất của tài khoản thanh toán.
Ông Đặng Công Hoàn - Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ LPBank chia sẻ, tính năng giúp khách hàng tích tiểu thành đại” từ những khoản nhỏ trên tài khoản, đồng thời cũng tạo ra một thói quen tích lũy và quản lý tài chính chủ động hơn.
Sang năm 2025, VIB đã ra mắt sản phẩm “Tài khoản siêu lợi suất” trên nền tảng ngân hàng số MyVIB vào tháng 2/2025. Tính năng này cho phép số dư tài khoản thanh toán sinh lời với lãi suất 2,5% đến 4,3% một năm, rút tiền linh hoạt.
Cuối tháng 3/2025, VPBank cũng ra mắt giải pháp “Super Sinh lời” với mức lợi suấthấp dẫn, cố định 3,5%/năm. Đặc biệt, tiền sẽ tự động sinh lời hàng ngày và lãi được trả về tài khoản ngay sáng hôm sau. VPBank hiện là ngân hàng đầu tiên và duy nhất thực hiện trả cả gốc và khoản sinh lời cho khách hàng theo ngày.
Chia sẻ về hướng đi này, ông Hồ Vân Long - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, một phần rất lớn trong tổng lượng tiền của nền kinh tế đang nằm trong các tài khoản thanh toán mà không sinh lợi. Đây là một sự lãng phí rất lớn về mặt tài chính.
Nên theo ông Long, nếu dòng tiền này được vận hành thông minh, không chỉ cá nhân hưởng lợi mà cả hệ thống kinh tế cũng sẽ trở nên năng động hơn. Khi nhiều người dân biết cách tận dụng tài sản tài chính của mình, tổng cầu tăng lên, dòng vốn luân chuyển hiệu quả hơn, và điều này tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực cho toàn bộ nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, giải pháp này mang đến 3 lợi ích chính là an toàn, linh hoạt và sinh lời tối ưu, với lãi suất vượt trội so với tài khoản không kỳ hạn. Điều này đặc biệt phù hợp với các khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ khi cần duy trì dòng tiền lớn nhưng không muốn gửi tiết kiệm có kỳ hạn.
Đặc biệt, trong kinh doanh thì những tính năng này được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Theo tính toán từ Wichart, tỷ lệ CASA của các ngân hàng đến hết quý I/2025 đạt 20,79%.
Báo cáo ngành Ngân hàng mới đây của Công ty Chứng khoán KIS cũng cho biết, tỷ lệ CASA của 27 ngân hàng niêm yết đã giảm từ 22,2% trong quý IV/2024 xuống 20,7% trong quý I/2025, với hầu hết ngân hàng ghi nhận CASA giảm.
Điều này cho thấy áp lực cạnh tranh trong việc giữ chân khách hàng của các ngân hàng. Tuy nhiên, việc duy trì lãi suất cao cho tài khoản không kỳ hạn trong thời gian dài có thể gây áp lực lên biên lợi nhuận, đặc biệt nếu thị trường lãi suất biến động. Vì thế, để duy trì lợi thế, các ngân hàng cần tiếp tục đổi mới, đảm bảo tính ổn định tài chính và nâng cao chất lượng dịch vụ.