Điểm lại mùa đại hội đồng cổ đông ngân hàng năm 2025:

Không ngại thương chiến, các ngân hàng lên kịch bản ứng phó

Hương Dịu

Không chỉ rủi ro thuế quan của Mỹ mà những bất ổn về thương mại vẫn luôn chực chờ, có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Đây cũng là nỗi lo của rất nhiều cổ đông khi đặt câu hỏi đến ban lãnh đạo các ngân hàng trong mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) vừa qua.

Cổ đông SHB chia sẻ những lo ngại về ảnh hưởng của những biến động thương mại đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Cổ đông SHB chia sẻ những lo ngại về ảnh hưởng của những biến động thương mại đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Vẫn thận trọng dù mức độ ảnh hưởng không lớn

Việt Nam và Mỹ vẫn đang trong tiến trình đàm phán thương mại song phương để đạt được những thoả thuận về thuế đối ứng. Nhưng theo nhận định từ các chuyên gia, ngay cả trong kịch bản đàm phán thành công, khả năng đưa thuế quan trở về mức thấp như trước đây vẫn là điều không dễ dàng.

Trong đó, ngành Ngân hàng - dù không trực tiếp tham gia xuất khẩu sang Mỹ, cũng sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng khi hoạt động thương mại suy giảm, doanh nghiệp gặp khó khăn.

 

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS đánh giá tác động thuế quan của Mỹ đối với các ngân hàng Việt sẽ không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% dư nợ toàn hệ thống, dư nợ các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 2%.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo các ngân hàng tại ĐHĐCĐ, tác động này sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào cơ cấu khách hàng và tỷ trọng dư nợ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hoặc nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 

Trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ ngày 26/4/2025, ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, tổng dư nợ khối khách hàng của BIDV bị ảnh hưởng bởi tác động thuế quan thống kê được khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% dư nợ của BIDV. Dự kiến, nhóm khách hàng bị ảnh hưởng lớn gồm sản xuất thép, chất dẻo, nhựa, cơ khí, thuỷ sản, giày da, may mặc, logistics, bất động sản khu công nghiệp…

ĐHĐCĐ thường niên của BIDV vào ngày 26/4/2025. Ảnh: BIDV
ĐHĐCĐ thường niên của BIDV vào ngày 26/4/2025. Ảnh: BIDV

Chủ tịch BIDV cho rằng, lợi nhuận ngân hàng chắc chắn sẽ suy giảm cho dù thành công trong việc đàm phán thuế quan.

Theo ông Phan Đức Tú, nhu cầu tín dụng bị thu hẹp thì tăng trưởng không được như kỳ vọng. Huy động vốn, đặc biệt là huy động tiền gửi của FDI, thông thường gửi bằng ngoại tệ sẽ suy giảm. Hơn nữa, khi hoạt động xuất nhập khẩu giảm sút, các dịch vụ của ngân hàng cũng giảm, kéo theo lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, lãnh đạo ngân hàng thuộc nhóm “Big4” này cũng bày tỏ lo ngại về sự suy giảm của chất lượng tài sản, bởi khi thị trường xuất khẩu chậm lại, các doanh nghiệp cần tìm thị trường mới thì sẽ có thời gian và độ trễ nhất định, khiến dòng tiền trả nợ bị ảnh hưởng. Từ đó, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đẩy chi phí hoạt động tăng lên, lợi nhuận giảm xuống.

Tương tự, từ góc nhìn của một ngân hàng thương mại tư nhân lớn, chia sẻ tại ĐHĐCĐ ngày 28/4/2025, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank cũng nhận định sẽ có những tác động lên hoạt động nhưng ngân hàng vẫn đang chờ đợi kết quả đàm phán để đưa ra chính sách ứng phó cụ thể hơn.

Theo ông Vinh, tín dụng của VPBank trong các hoạt động về xuất khẩu không không nhiều, các doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ chỉ chiếm 3% giá trị giao dịch của ngân hàng. Với khối doanh nghiệp FDI, VPBank hiện có 500 công ty nước ngoài thông qua sự hợp tác với đối tác SMBC, nhưng dư nợ cũng như các hoạt động giao dịch mới trong giai đoạn đầu.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank trình bày tại ĐHĐCĐ. Ảnh: VPBank
Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank trình bày tại ĐHĐCĐ. Ảnh: VPBank

Nhưng ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp cần được đánh giá thận trọng hơn, khi các chính sách thuế có thể làm ảnh hưởng đến dòng đầu tư của Việt Nam trong tương lai.

Hơn nữa, kinh tế khó khăn sẽ tác động tới sức mua của người dân, trong khi VPBank, nhất là công ty con FE Credit lại tập trung vào phân khúc cho vay tiêu dùng, nên sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp, nhất là tại một số vùng tập trung các nhà máy sản xuất lớn.

Với các ngân hàng tầm trung, mức độ ảnh hưởng cũng ở mức không quá lớn. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 được tổ chức ngày 24/4/2025, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cho biết, tổng dư nợ tín dụng của TPBank đối với các khách hàng xuất nhập khẩu có liên quan đến thị trường xuất khẩu sang Mỹ khoảng 10.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh số từ thị trường Mỹ cũng chỉ chiếm dưới 20% của các doanh nghiệp này.

Vì vậy, Tổng giám đốc TPBank khẳng định, mức độ ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ đến ngân hàng không quá lớn. Song TPBank vẫn rà soát và xem xét cẩn trọng các khoản tín dụng mới, đặc biệt là những khoản tín dụng của những ngành hàng liên quan đến xuất khẩu sang Mỹ, như dệt may, nông thủy sản...

Cũng về vấn đề này, trao đổi với cổ đông tại ĐHĐCĐ ngày 21/4/2025, ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB khẳng định, ngân hàng đã quản lý danh mục một cách thận trọng.

Các ngành chịu ảnh hưởng từ xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 9,5% tổng dư nợ. MSB đã rà soát toàn bộ khách hàng về năng lực hoạt động, khả năng tìm kiếm thị trường. Ông Linh nêu rõ, nếu có rủi ro thì chỉ chiếm khoảng 2,3% khối lượng nợ xấu, trong khi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vẫn đang được MSB kiểm soát từ 1,8-1,9%.

Trong khi đó, cũng có ngân hàng "miễn nhiễm" với tác động của chính sách thuế từ Mỹ. Đơn cử, trả lời cổ đông tại ĐHĐCĐ ngày 27/4/2025, ông Bùi Thái Hà - Phó Chủ tịch HĐQT LPBank cho hay, dư nợ có liên quan đến xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế chỉ chiếm 0,3% tổng dư nợ - tỷ lệ quá nhỏ nên không ảnh hưởng tới hoạt động của LPBank.

Sẵn sàng đồng hành, chia sẻ khó khăn

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và bất định như vậy, nhưng lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định sẵn sàng đồng hành, chia sẻ lợi nhuận với các doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc TPBank khẳng định, trong trường hợp doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn khi họ muốn chuyển đổi, cơ cấu lại, ngân hàng sẽ xem xét hỗ trợ.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB chia sẻ, dù chính sách thuế quan của Mỹ tác động lớn hay nhỏ tới doanh nghiệp Việt Nam, SHB vẫn phải quan tâm. Không chỉ vì ngân hàng, mà SHB luôn quan niệm phải đồng hành cùng khách hàng, cùng vượt qua khó khăn, cùng phát triển.

Với BIDV, Chủ tịch HĐQT Phan Đức Tú thông tin, Ngân hàng đã thành lập Ban chỉ đạo, rà soát thống kê tất cả doanh nghiệp, ngành hàng để nghiên cứu khó khăn cụ thể. Sau đó cá thể hoá để cùng doanh nghiệp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp tìm thị trường mới, nguồn hàng mới... Lãnh đạo BIDV cũng cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm phí, cấu trúc lại nguồn vốn tài chính cho phù hợp...

 

Tại buổi làm việc với các ngân hàng vào đầu tháng 4/2025, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nêu rõ, những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ sẽ khiến nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế trọng yếu đang bị ảnh hưởng, kéo theo tác động đến người lao động.

Vì vậy, việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng lĩnh vực hạ tầng và công nghệ số cùng các chính sách hỗ trợ kịp thời là rất cấp bách, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Với tinh thần đó, ngành Ngân hàng thống nhất triển khai chương trình này theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".