Ngân hàng mở rộng mạng lưới: Sự hiện diện không bao giờ thừa
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, một số ngân hàng lựa chọn việc phát triển ngân hàng số và tạm dừng mở rộng mạng lưới. Tuy nhiên, vẫn có không ít nhà băng tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện bằng cách mở thêm phòng giao dịch cả trong và ngoài nước.
Ngay từ đầu năm, MBBank đã được cấp phép thành lập thêm 5 chi nhánh và 12 phòng giao dịch trên các tỉnh thành trong nước. Theo đó, mạng lưới của nhà băng này lên đến 96 chi nhánh và 188 phòng giao dịch.
Tại SCB, tính đến hết quý II/2018, Ngân hàng này đã khai trương thêm 6 phòng giao dịch mới tại Bắc Ninh, Hải Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Vĩnh Long, mở rộng mạng lưới hoạt động lên 239 điểm giao dịch tại 28 tỉnh/thành.
Mặc dù đã có mạng lưới trong nhóm lớn nhất hệ thống ngân hàng, nhưng LienVietPostBank vẫn tiếp tục mở rộng trong năm 2018. Theo đó, Ngân hàng phối hợp với VietNamPost đẩy nhanh tiến độ nâng cấp các phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch ngân hàng.
Theo tính toán của lãnh đạo LienVietPostBank, đến hết năm 2018, Ngân hàng sẽ có gần 400 điểm giao dịch, trong đó có 185 phòng giao dịch bưu điện được nâng cấp thành phòng giao dịch ngân hàng, đồng thời sẽ mở thêm 5 chi nhánh mới.
Một trong những trở ngại của việc mở rộng mạng lưới giao dịch là vấn đề chi phí. Ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, việc mở rộng mạng lưới khiến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng cao.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, mở rộng mạng lưới dẫu “ngốn” khá nhiều chi phí, trong đó có yếu tố hạ tầng cơ sở, nhân lực, nhưng các ngân hàng vẫn phải tiến hành để thu hút nguồn vốn, cho vay…, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tiếp cận nhiều hơn đến khách hàng, các thị trường mới và tiềm năng.
“Không chỉ mở rộng sự hiện diện trong nước, các ngân hàng còn đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển mạng lưới ra nước ngoài. Đây là điều cần thiết, nhưng với khả năng còn giới hạn, chỉ một vài ngân hàng lớn của Việt Nam mới có thể tiến hành hoạt động này.
Bên cạnh đó, địa điểm được lựa chọn chủ yếu là các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, nơi có văn hóa và hoạt động kinh doanh khá tương đồng”, TS. Hiếu cho biết.
Thực tế, Lào và Campuchia là 2 thị trường được lựa chọn hàng đầu hiện nay của các ngân hàng Việt trong chiến lược mở rộng mạng lưới tại nước ngoài. Theo đó, các nhà băng có ngân hàng con 100% tại Lào có thể kể tên là Sacombank, VietinBank, SHB và gần đây nhất là sự xuất hiện của Vietcombank.
Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 9 tháng năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới cho 99 dự án và 23 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng thêm đạt 330,9 triệu USD.
Lĩnh vực tài chính ngân hàng dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 105,7 triệu USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư.
Việt Nam đã đầu tư sang 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 95,1 triệu USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank kiêm Chủ tịch Vietcombank Lào cho biết, Vietcombank lựa chọn Lào để thành lập ngân hàng con trong bước đi đầu tiên thâm nhập thị trường tài chính ngân hàng khu vực, bởi đây là một thị trường có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, gần gũi.
Giao thông đi lại giữa 2 nước khá tiện lợi giúp cho việc giao thương giữa 2 nước dễ dàng, đồng thời, cộng đồng người Việt Nam tại Lào cũng là một trong những cộng đồng đông đảo nhất…
Trước câu hỏi Vietcombank có quan ngại về việc là người đi sau tại thị trường Lào, ông Thắng cho biết: “Thị trường tài chính ngân hàng tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sẽ còn đối mặt với những cạnh tranh khốc liệt không chỉ giữa các ngân hàng Việt với ngân hàng bản địa, mà còn là của ngân hàng Việt với nhau.
Dù vậy, những ngân hàng xuất hiện sau vẫn có cơ hội tìm được chỗ đứng. Vấn đề là uy tín, thương hiệu của ngân hàng; thị trường mà ngân hàng lựa chọn, cùng với nền tảng hạ tầng công nghệ hiện đại, sản phẩm dịch vụ đa dạng, hệ thống quản lý rủi ro, giám sát hoạt động chặt chẽ”.
Đồng quan điểm, TS. Hiếu chia sẻ, ngân hàng Việt Nam hoạt động kinh doanh tại các quốc gia trong khu vực sẽ có thuận lợi nhất định, bởi có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang là bạn hàng thân thiết của ngân hàng mẹ.
Bên cạnh đó, những ngân hàng lớn, có sức mạnh tài chính cũng dễ dàng hơn trong việc kinh doanh bởi có khả năng chấp nhận lỗ những năm đầu để duy trì hoạt động và thu lợi nhuận trong những năm sau.