Ngân hàng nào đang “vô địch” về tiền gửi không kỳ hạn?
Tỷ lệ CASA càng lớn ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần...
Thống kê BCTC của các ngân hàng thương trong những năm gần đây cho thấy, hoạt động tín dụng vẫn đang đóng vai trò là “nồi cơm chính” khi đóng góp tới khoảng 80% tổng lợi nhuận thuần của các nhà băng.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu chậm lại. Dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 sẽ chỉ dừng lại ở mức 14%, tương đương năm ngoái và thấp hơn khá nhiều so với mức quanh 17-19% trong 3 năm trước đó.
Việc tín dụng tăng trưởng chậm lại trong khi áp lực duy trì tăng trưởng lợi nhuận tới 20-30% mỗi năm buộc các ngân hàng phải thúc đẩy cơ cấu tài sản để tăng khả năng sinh lời trong những năm tới.
Theo đó, bên cạnh việc đẩy mạnh thu nhập ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, bán chéo sản phẩm..., thì giảm thiểu chi phí hoạt động cũng là một trọng tâm. Và một trong những cấu phần có ảnh hưởng lớn là chi phí huy động vốn từ khách hàng.
Để giảm chi phí huy động vốn, các ngân hàng sẽ tìm kiếm các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA), bởi đây là loại tiền gửi có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ từ 0,1-0,8%/năm.
Tỷ lệ CASA của ngân hàng càng lớn có nghĩa ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó, giúp cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM). Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích trong thu hút và tạo nền tảng khách hàng.
Với lợi thế về thương hiệu, lịch sử, nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước vẫn đang thu hút được lượng tiền gửi lớn không kỳ hạn lớn nhất. Đây cũng là nhóm có "ưu đãi riêng", do có nguồn tiền gửi thanh toán lớn của ngân sách là Kho bạc Nhà nước.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2019, với lượng tiền gửi không kỳ hạn (cả VND và ngoại tệ) lên tới gần 239,4 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 5,5% so với đầu năm, Vietcombank đang giữ vị trí dẫn đầu.
BIDV và VietinBank lần lượt đứng vị trí thứ hai và ba với 152 nghìn tỷ đồng và 121 nghìn tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn.
Tuy nhiên, ngân hàng đang có tỷ lệ CASA cao nhất trong cơ cấu nguồn lại thuộc về Techcombank với 28,96%, trong khi Vietcombank chỉ đứng thứ hai với 27,49%.
Hai “ông lớn” VietinBank và BIDV mặc dù thu hút được lượng tiền gửi lớn nhất nhì hệ thống nhưng tỷ lệ CASA cũng khá khiêm tốn khi chỉ đạt lần lượt 14,37% và 14,34%.
Trong khi đó, tỷ lệ CASA ở các ngân hàng quy mô nhỏ còn thấp hơn, như SHB chỉ 6,46%, Kienlongbank 4,4%, VietBank 4,35%, BacABank 1,97%.
Ngân hàng tìm kế tăng tỷ lệ CASA
Như đã nói ở trên, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA cao sẽ nắm lợi thế, bởi giúp pha loãng chi phí huy động, từ đó góp phần cải thiện lãi biên.
Tuy nhiên, làm sao để nâng cao tỷ lệ này trong cơ cấu huy động không phải là điều đơn giản.
Hiện tỷ lệ CASA của ACB đang là 16,6%. Và để nâng tỷ lệ này lên 25% vào năm 2021, ngân hàng đề ra mục tiêu tăng gấp đôi số tài khoản ngân hàng trong 2 năm tới, lên 5 triệu tài khoản.
Còn tại Vietcombank, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong năm 2019 sẽ tiếp tục bám sát định hướng "mua buôn bán lẻ", chú trọng khai thác nguồn vốn bán buôn (giá trị lớn, chi phí huy động vốn thấp), đồng thời với tăng tỷ lệ huy động vốn bán lẻ cao hơn năm 2018.
Trong khi đó, các ngân hàng khác như Techcombank, VIB hay SeABank lại tung ra một loạt chính sách như miễn phí chuyển tiền, miễn phí rút tiền...
Bằng cách này, ngân hàng sẽ thu hút và tạo cơ sở khách hàng cá nhân lớn, điều này cũng đồng nghĩa với việc một lượng tiền lớn được chu chuyển thông qua ngân hàng.
Ở hướng chung, để đạt mục tiêu tăng tỷ lệ CASA, các ngân hàng đang đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn vào hệ thống công nghệ thông tin, đặc biệt là phát triển hệ thống ngân hàng giao dịch và gia tăng các sản phẩm và chính sách tiện ích, thiết lập và kết nối những hệ sinh thái mở rộng... Đây là yếu tố then chốt giúp thúc đẩy hiệu quả hoạt động ngân hàng trong những năm tới.