Tránh bị “gắn mác” thao túng tiền tệ
Việt Nam hiện không bị Mỹ "gắn mác" là nước thao túng tiền tệ (tại Báo cáo mới nhất tháng 5/2019 của Bộ Tài chính Mỹ), song đã bị đưa vào danh sách 21 nước thuộc diện theo dõi.
Bộ Tài chính Mỹ vừa chính thức cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ (Rạng sáng nay 6/8 theo giờ Việt Nam), sau khi đồng tiền của Trung Quốc hôm 5/8 được điều chỉnh vượt qua "làn ranh đỏ" 1 USD đổi 7 NDT lần đầu tiên trong vòng 11 năm.
Theo các chuyên gia, nếu không có biện pháp phù hợp, quyết liệt, Việt Nam là quốc gia có khả năng khá cao bị chuyển sang nhóm các nước thao túng tiền tệ, do Việt Nam đã chạm hai ngưỡng (cán cân thương mại với Mỹ thặng dư trên 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP), còn điều kiện thứ 3 là có can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối thông qua việc mua ròng ngoại tệ liên tục của NHNN cũng đã gần chạm ngưỡng (1,7% GDP so với ngưỡng 2% GDP). Đây là rủi ro đối với Việt Nam trong những lần rà soát tiếp theo của Bộ Tài chính Mỹ (mà gần nhất là tháng 9/2019).
Khi một nước bị gắn mác thao túng tiền tệ thì một số quy định của Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại năm 1988 sẽ được Mỹ kích hoạt. Tuy nhiên, ngay cả khi bị "gắn mác" thao túng tiền tệ thì theo quy định vẫn sẽ có 1 năm để hai bên tiến hành trao đổi, thương lượng để giải quyết vấn đề.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ quyết định đàm phán song phương hoặc cùng IMF đàm phán với quốc gia có hành vi thao túng tiền tệ để quốc gia đó kịp thời điều chỉnh chính sách tỷ giá nhằm loại bỏ lợi thế thương mại không công bằng, gấy bất lợi cho nước kia.
Trong trường hợp không được giải quyết, Mỹ sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn đối với nước đó, như áp mức thuế cao hơn, loại trừ khỏi các hợp đồng mua sắm của Chính phủ Mỹ...
Mỹ sẽ có những biện pháp mạnh tay đối với nước bị cáo buộc thao túng tiền tệ, như áp mức thuế cao hơn, loại trừ khỏi các hợp đồng mua sắm của Chính phủ Mỹ..
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trên thực tế, trong những năm vừa qua, VND có mất giá so với USD, tuy nhiên lạm phát ở Việt Nam luôn cao hơn lạm phát tại Mỹ. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ trung bình dưới 2%, trong khi đó lạm phát trung bình của Việt Nam trong 5-6 năm trở lại đây ở mức giao động quanh dưới 4%.
“Do đó, đồng Việt Nam mất giá mỗi năm khoảng 1,5-2% so với USD là hoàn toàn phù hợp với các quy luật của kinh tế, cũng như quy luật cung cầu. Vì vậy, không có căn cứ nào để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ” - ông Tuấn khẳng định và khuyến nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần thận trọng trong việc giải trình với phía Mỹ cũng như việc mua vào USD, đồng thời điều hành tỷ giá nên theo cung cầu thực tế trên thị trường, thì như vậy sẽ tránh cho phía Mỹ hiểu lầm và đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Đồng quan điểm, PGS.,TS. Phạm Thế Anh - Trưởng Bộ môn kinh tế vĩ mô Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Việt Nam nên dần từ bỏ chính sách can thiệp vào thị trường ngoại hối một chiều như hiện nay. Lo ngại của Mỹ hiện chủ yếu xoay quanh vấn đề mua ròng ngoại tệ của NHNN để làm yếu đồng nội tệ, để tạo lợi thế trong thương mại quốc tế. Do đó, Việt Nam phải thận trọng, chính sách điều hành tỷ giá cần theo cơ chế thị trường hơn.
"Muốn làm được như vậy, cần phải phát triển thị trường ngoại hối theo thông lệ quốc tế. Về dài hạn, Việt Nam cần thành lập một sàn giao dịch ngoại hối như sàn giao dịch chứng khoán. Sàn giao dịch ngoại hối cho phép nhiều bên tham gia, quyết định tỷ giá, chứ không phải do NHNN quyết định như hiện nay”, PGS.,TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh.