Ngân hàng Nhà nước "mạnh tay" với sở hữu chéo, cho vay sân sau
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi) với những quy định mới như giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân, người có liên quan nhằm siết lại tình trạng sở hữu chéo và lạm quyền cấp tín dụng cho một nhóm cổ đông tại nhà băng.
NHNN dự kiến giảm mạnh tỷ lệ cho vay tối đa với một khách hàng và nhóm khách hàng có liên quan ngân hàng, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của các cổ đông ngân hàng.
Cụ thể, tại Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) lần này, NHNN đề xuất một loạt quy định mang tính "siết" chặt hơn về giới hạn cho vay của ngân hàng, cũng như tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông cá nhân hoặc tổ chức tại ngân hàng.
Cụ thể, tại quy định về giới hạn cấp tín dụng, dự thảo của NHNN quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng. So với quy định hiện hành, tỷ lệ này đã giảm 5 điểm %, từ mức 15% đang áp dụng.
Tương tự, NHNN cũng quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng, cũng thấp hơn mức 25% hiện hành.
Ở quy định hạn chế cấp tín dụng, NHNN cũng đã bổ sung thêm đối tượng mà các ngân hàng không được cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi.
Theo đó, các đối tượng mà ngân hàng không được cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi bao gồm Chủ tịch và Thành viên HĐQT; Trưởng ban và Thành viên Ban kiểm soát; Giám đốc, Phó giám đốc và các chức danh tương đương của quỹ tín dụng nhân dân. Trước đó, việc hạn chế cấp tín dụng này chỉ áp dụng với nhân sự kế toán trưởng.
Ngoài ra, các đối tượng như tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại ngân hàng; thanh tra viên đang thanh tra ngân hàng; cổ đông lớn, cổ đông sáng lập; người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại ngân hàng; các công ty con, công ty liên kết của ngân hàng… đều thuộc nhóm bị hạn chế cấp tín dụng.
Bên cạnh việc siết tỷ lệ cho vay tối đa với người và tổ chức có liên quan, NHNN cũng siết tỷ lệ sở hữu của cổ đông cá nhân và tổ chức tại ngân hàng.
Theo đó, một cổ đông cá nhân sẽ không được sở hữu quá 3% vốn điều lệ ngân hàng, thấp hơn quy định hiện tại là không quá 5%. Tương tự, một cổ đông là tổ chức sẽ không được sở hữu quá 10% vốn điều lệ ngân hàng (trừ một số trường hợp), cũng thấp hơn mức 15% đang cho phép.
Một số trường hợp được sở hữu quá 10% vốn ngân hàng được NHNN đề xuất là cổ đông sở hữu cổ phần tại TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sở hữu cổ phần của TCTD tại công ty con, công ty liên kết theo quy định; sở hữu cổ phần Nhà nước tại TCTD cổ phần hóa; sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định.
Ngoài ra, thay vì để cổ đông và người có liên quan được sở hữu tối đa 20% vốn ngân hàng, NHNN đề xuất đưa tỷ lệ này về mức 15%. Và cổ đông lớn của một ngân hàng cùng người có liên quan không được sở hữu quá 5% vốn của một ngân hàng khác.
Lý giải về các đề xuất trong dự thảo mới, NHNN cho biết qua hơn 12 năm thực hiện, Luật các TCTD đã tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các TCTD cũng như cơ chế quản lý, thanh tra, giám sát các TCTD của cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp xử lý các TCTD yếu kém nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ cấu lại các TCTD, cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Luật các TCTD tiếp tục bộc lộ một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của TCTD và thực tiễn quản lý của cơ quan nhà nước.