Ngân hàng ồ ạt “đổ” tiền vào địa ốc

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Bất chấp cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đang chạy đua tín dụng, ồ ạt “nhồi” tiền vào địa ốc. Điều này được dự báo là tiềm ẩn những rủi ro cho cả đôi bên lẫn thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Diễn biến tài chính thời gian qua cho thấy ngân hàng có vẻ như đang quay lại thời kỳ lướt sóng bất động sản. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng bất động sản (BĐS) quý III/2016 nhưng tín dụng BĐS đã đạt trên 400.000 tỷ đồng, với tốc độ tăng cao hơn so với mức tăng trung bình của ngành tính đến hết quý II/2016.

Ngân hàng dễ sập bẫy

Hiện nay, mặt bằng lãi suất dần giảm về mức hợp lý, cùng với đó là thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại dồi dào, trong khi đó, thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm dần lên, đây là lý do để các ngân hàng đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đáng lo là ngân hàng hiện nay chủ yếu huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn sẽ tạo lỗ hổng cho hệ thống ngân hàng thương mại và rủi ro gia tăng.

Trước đó, cuối tháng 5/2016, NHNN ban hành Thông tư 06/2016 sửa đổi, quy định, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, thay vì được 60% như trước đó.

Song, dường như quy định này cũng không “siết” được việc đầu tư tín dụng vào địa ốc. Vì vậy, đến cuối tháng 8/2016, NHNN tiếp tục ban hành văn bản nhắc nhở các tổ chức tín dụng kiểm soát hoạt động cấp tín dụng vượt giới hạn đối với khách hàng có dư nợ lớn. Văn bản cũng yêu cầu các đơn vị thanh tra phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro tín dụng và kiên quyết xử lý nghiêm những ngân hàng cấp tín dụng vượt giới hạn.

Hàng loạt cảnh báo của các chuyên gia kinh tế và NHNN từ đầu năm đến nay cũng không làm giảm sức hút của các dự án địa ốc đối với các ngân hàng thương mại.

Đáng chú ý trong lần cảnh báo này, NHNN đã nêu đích danh một số đại gia BĐS – những tên tuổi lẫy lừng trên thị trường, nhất là ở phân khúc BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng như bản hợp đồng cam kết tài trợ vốn lên đến 20 nghìn tỷ đồng cho Đất Xanh trong vòng 5 năm của VietinBank.

Theo Bộ Xây dựng, thị trường BĐS tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, không có nhiều biến động. Tuy nhiên, hiện nguồn cung nhà ở cao cấp đang nhiều hơn nguồn cung nhà bình dân, trong khi đó, đại bộ phận người dân có nhu cầu mua nhà giá trung bình, diện tích trung bình và nhỏ. Do vậy, dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường có khả năng dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp, thiếu nguồn cung nhà bình dân.

Thế nhưng, tín dụng BĐS đang tăng quá mức ở phân khúc cao cấp, và các dự án nghỉ dưỡng của một số doanh nghiệp lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, không ít trong số các “đại gia” này lại là những “con nợ” của hàng chục ngân hàng.

Nhiều ngân hàng cho vay BĐS rơi vào tình cảnh “đâm lao phải theo lao”, vì phải tiếp tục cho vay mới thu hồi được vốn. Cứ thế, nợ trước đè nợ sau, với rất nhiều rủi ro.

Dòng vốn lớn phụ thuộc địa ốc

Trước tình trạng nhiều ngân hàng đang “xé rào” không tuân thủ quy định và những cảnh báo của NHNN, các chuyên gia kinh tế cảnh báo nguy cơ vỡ “bong bóng” bất động sản sẽ đẩy các ngân hàng vào thế nguy hiểm.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển phân tích: “Dòng vốn lớn của ngân hàng vẫn đang phụ thuộc vào địa ốc. Nhiều ngân hàng đang lộ nợ xấu, chủ yếu là từ địa ốc”.

Lấy dẫn chứng, ông Hiển cho hay, giai đoạn vỡ bong bóng bất động sản vào năm 2011, nhiều ngân hàng ôm trái đắng, thậm chí đổ vỡ do nhiều ngân hàng xây dựng kế hoạch dài hơi cho vay sản xuất kinh doanh mà vẫn đua nhau lao vào địa ốc.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cũng cho rằng cần kiểm soát chặt chất lượng tín dụng bất động sản, nhất là khi dư nợ tín dụng ngân hàng tăng, trong đó có bất động sản.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, vốn chảy vào các dự án BĐS cao cấp, nghỉ dưỡng thời gian tới sẽ chậm lại. Trong khi đó, các dự án BĐS thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội… sẽ vẫn được khuyến khích.

Ông Hải khẳng định nếu ngân hàng rót vốn vào các dự án nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp thì không lo ngại về bong bóng BĐS và cũng không ngại về thanh khoản.

Mới đây NHNN có Quyết định 150 cho phép Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2016.

Kèm theo đó, NHNN cũng khuyến cáo “khá nặng”, yêu cầu Vietcombank sử dụng vốn từ nguồn phát hành trái phiếu tập trung vào lĩnh vực được ưu tiên, khuyến khích; hạn chế rủi ro tập trung tín dụng đối với các khách hàng lớn, hạn chế cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản.