Ngân hàng sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp?
(Tài chính) Trong tuần qua, một số ngân hàng cổ phần đã lần lượt công bố hạ lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn và hạn dài. Điều này có khiến các doanh nghiệp (DN) hy vọng lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian ngắn sắp tới?
Lãi suất huy động đã giảm
Để đón đầu giảm lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Từ ngày 15/2/2014, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã giảm 0,3% lãi suất huy động so với trước đối với kỳ hạn ngắn, xuống còn 6,5%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; 6,6%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được ngân hàng này áp dụng ở mức 7,9%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ), giảm 0,1% so với trước; các kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng có lãi suất từ 8,2%/năm đến 8,4%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ)… Riêng kỳ hạn 36 tháng được hưởng lãi suất 8,5%/năm.
Ngày 21/2, Eximbank cũng tuyên bố tiếp tục đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng xuống mức 6,5%/năm, kỳ hạn 2 và 3 tháng lãi suất giảm 0,2%/năm, còn lần lượt 6,6%/năm và 6,8%/năm. Techcombank cũng giảm lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 6,55%/năm, kỳ hạn 2 và 3 tháng lãi suất lần lượt là 6,64%/năm và 6,84%/năm.
Về phần mình, Ông Nguyễn Hữu Đặng - Tổng giám đốc HDBank - cho biết ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng với mức giảm từ 0,1-0,3%/năm.
Theo các chuyên gia phân tích, các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động vì thanh khoản của các ngân hàng đang quá dồi dào, thậm chí nhiều ngân hàng phải đau đầu với bài toán thừa tiền. Ngân hàng cắt giảm lãi suất đầu vào trong bối cảnh vốn đầu ra gặp khó là điều tất yếu. Nếu ngân hàng huy động nhiều mà không cho vay ra được sẽ bị lỗ, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Đây cũng chính là lý do vì sao trên thị trường không còn hiện tượng tranh giành khách hàng thông qua huy động vốn với lãi suất cao như trước.
Tại nhiều ngân hàng, khi dòng tiền huy động vẫn ổn định nhưng lại không thể cho vay, nằm “chết” trong két, các ngân hàng đã lựa chọn giải pháp mang tiền đi mua trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, khi lãi suất trái phiếu chính phủ hiện ở khoảng 6,58-7,95%/năm tùy thời hạn và tương đương với mức lãi suất huy động, cộng với dự trữ bắt buộc thì mua trái phiếu chính phủ như vậy là không có lãi. Do đó, khi phải đối mặt với nguy cơ “thừa tiền”, một số ngân hàng đã tuyên bố hạ lãi suất huy động để thu hút khách hàng.
Có thể hy vọng?
“Lãi suất huy động giảm sẽ là điều kiện quan trọng để ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, giúp DN tiếp cận nguồn vốn hợp lý để phục hồi sản xuất”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Về phía cơ quan quản lý, Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong năm 2014, nếu điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, lãi suất cho vay có thể được các tổ chức tín dụng (TCTD) cân nhắc điều chỉnh giảm 1-2%/năm để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Trên thực tế, việc ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay là cần thiết. Nếu không thì không những khó cho DN mà khó cho chính bản thân họ, bởi ngân hàng huy động vốn mà không cho vay được sẽ gặp nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang chịu áp lực khi năm nay ngành Ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% (trong khi trong tháng 1/2014, tín dụng tăng trưởng âm).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích thì các DN chưa có nhiều hy vọng với lần giảm lãi suất huy động trong những ngày vừa qua bởi ngân hàng cũng là DN, nếu chi phí huy động vốn chưa giảm nhiều thì rất khó để giảm lãi suất cho vay. Lần giảm lãi suất này có thể chỉ mang tính chất gia tăng nguồn thu từ chênh lệch lãi suất, còn lãi suất cho vay hiện nay đã bị các ngân hàng đóng mác là “thấp” và khó lòng hạ thêm.
Còn nhiều rào cản
Việc hạ lãi suất cho vay trong thời gian ngắn không có nhiều hy vọng. Bên cạnh đó, các ngân hàng có thể hạ lãi suất nhưng không có nghĩa là hạ các tiêu chuẩn tín dụng. Nếu nới lỏng tiêu chuẩn cho vay, ngân hàng có thể sẽ gặp nhiều rủi ro. Do đó, dù có nguồn vốn tương đối dồi dào nhưng hầu hết ngân hàng đều lựa chọn khá kỹ đối tượng vay.
Các ngân hàng hiện chỉ "rộng cửa" với những DN có dự án kinh doanh tốt. Các điều kiện để nhận mức lãi suất ưu đãi cũng khá ngặt nghèo. Gói cho vay ưu đãi 2.000 tỷ đồng mới đây với lãi suất từ 8%/năm đối với VND của TPBank chỉ có thời hạn trong 3 tháng đầu tiên và kéo dài đến hết tháng 5/2014. Mức lãi suất 9,8%/năm đối với DN và 10,5% đối với cá nhân của chương trình “Lộc Tân Xuân” Vietinbank cũng sẽ kết thúc vào ngày 15/4/2014. Ngân hàng Nam Á cũng có chương trình “lộc vàng” từ ngày 3/1 đến 31/5 với mức lãi suất ưu đãi từ 7%/năm nhưng chỉ từ 1-3 tháng đầu...
Đó là lãi suất ưu đãi, còn trên thực tế các DN vẫn phải vay với lãi suất cao hơn nhiều. Bên cạnh đó, việc DN có vay được vốn hay không lại phụ thuộc vào mức độ tín nhiệm của ngân hàng đối với DN đó và tài sản thế chấp như thế nào. Như vậy, việc tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng xem ra vẫn là bài toán khó đối với phần đông các DN trong thời gian tới.