Ngân hàng siết tín dụng, thị trường bất động sản sẽ thế nào?
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có động thái kiểm soát chặt chẽ tín dụng, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) những tháng cuối năm 2018 vẫn sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.
Giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, sau khi thảo luận với lãnh đạo NHNN, mới đây, HoREA đã thống nhất về sự cần thiết thực hiện lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn của các tổ chức tín dụng theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 16/2018/TT-NHNN của NHNN. Mục đích của sự thống nhất này được HoREA lý giải là để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống tín dụng, dù trước đó HoREA đã có Văn bản số 117/CV-HoREA kiến nghị NHNN xem xét tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lộ trình giảm dần sự phụ thuộc của thị trường BĐS vào nguồn tín dụng ngân hàng là phù hợp. Do vậy, động thái này dù tạo áp lực nhưng đó là áp lực có tính tích cực, lành mạnh, buộc các doanh nghiệp BĐS phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác, trước hết là từ các quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và nguồn vốn huy động từ khách hàng.
Một câu hỏi đang được đặt ra là, với chính sách mới nói trên, liệu thị trường BĐS có rơi vào trầm lắng? Bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường Công ty TNHH JLL Việt Nam cho rằng, việc siết tín dụng chắc chắn sẽ có tác động đến thị trường BĐS, bởi lãi vay, chính sách cho vay… vẫn luôn gắn liền với thị trường BĐS. Tuy nhiên, JLL đánh giá, động thái này sẽ không ảnh hưởng quá ghê gớm hay tác động tiêu cực đến thị trường. Ngoài ra, cơ cấu cho vay của ngân hàng hiện nay đối với lĩnh vực BĐS đã có sự điều chỉnh để cân bằng hơn, tức là tăng nguồn tín dụng cho người mua nhà (nguồn cầu) và giảm tín dụng cho doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án (nguồn cung).
Cần quan tâm phân khúc nhà ở vừa và nhỏ
Kết quả nghiên cứu thị trường BĐS ở TP. Hồ Chí Minh do Công ty CP DKRA Việt Nam công bố mới đây cho biết, với tỷ lệ tiêu thụ khả quan từ đầu năm 2018 đến nay, dự báo trong quý IV/2018, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu. Tuy nhiên, do thị trường giảm nhiệt trong thời gian qua, nên nguồn cung mới ở phân khúc này có thể sẽ không tăng và khách hàng cũng thận trọng hơn khi quyết định đầu tư.
Riêng ở phân khúc căn hộ, cũng theo DKRA Việt Nam, nguồn cung mới dao động ở mức 8.000 - 10.000 căn, trong đó căn hộ hạng A và B tiếp tục dẫn dắt thị trường, bù lại căn hộ hạng C không có nhiều dự án mới. Sức cầu của thị trường có thể tăng nhẹ so với quý III/2018 do tâm lý người dân và xu hướng dòng tiền trong thời gian cuối năm. Đặc biệt, nguồn cung nhà phố không có nhiều đột biến, dự báo dao động ở mức 200 - 300 căn. Khu vực phía Đông tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong nguồn cung, sức cầu thị trường không có nhiều đột biến.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định, vấn đề đáng quan ngại nhất của thị trường BĐS những tháng cuối năm 2018 và trong năm 2019 là tình trạng mất cân bằng cung - cầu, do nguồn cung dự án BĐS, nguồn cung sản phẩm BĐS và số lượng giao dịch đã có sự sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2018. Để thích ứng với lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS, các DN cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1 - 2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn) đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, để thích ứng với lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS, nhiều doanh nghiệp đang tính đến việc tăng vốn chủ sở hữu, hướng đến việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập. Đặc biệt, việc lựa chọn đối tác là các quỹ có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án cũng đã được nhiều chủ đầu tư như Nam Long, Phúc Khang… triển khai hiệu quả.
“HoREA sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 của Chính phủ để tạo điều kiện hình thành và phát triển các quỹ đầu tư BĐS, quỹ tín thác BĐS (REIT), tạo nguồn vốn đầu tư cung ứng cho thị trường BĐS nhằm thay thế sự sụt giảm nguồn cung vốn tín dụng ngân hàng”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.