Bảng Anh phục hồi nhẹ, USD vẫn chịu áp lực chốt lời
Đồng bảng Anh đã tăng nhẹ trở lại trong phiên giao dịch châu Á sáng nay (10/1) sau khi rơi xuống thấp nhất 2,5 tháng so với đồng USD trong phiên hôm qua sau bình luận của Thủ tướng Anh Theresa May; trong khi đồng USD vẫn tiếp tục suy giảm dưới áp lực chốt lời.
Theo đó, hiện đồng bảng Anh đã tăng 0,02% lên 1,2166 USD sau khi đã rơi xuống còn 1,2125 USD trong phiên hôm qua, mức thấp nhất kể từ ngày 28/10, sau tuyên bố của Thủ tướng Anh Theresa May rằng bà không quan tâm đến việc giữ “vai trò thành viên” của Liên minh châu Âu.
Trong khi đó, chỉ số đồng USD giảm hơn 0,1% so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt, xuống còn 101,82 điểm. Trong tuần trước chỉ số đồng USD đã tăng lên tới 103,82 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2002.
Cụ thể, đồng bạc xanh đã giảm 0,34% so với yên Nhật xuống còn 115,63 JPY, giảm mạnh so với mức đỉnh của phiên giao dịch qua đêm là 117,53 JPY.
Tổng thống mới đắc cửa Donald Trump sẽ chính thức nhận chức vào ngay 20/1, nhưng dự kiến ông sẽ tổ chức một buổi họp báo vào thứ Tư tới, buổi họp báo đầu tiên kể từ khi giành chiến thắng tại cuộc bầu cử ngày 8/11.
‘Một số khách hàng Nhật Bản đang mua vào khi đồng USD rơi xuống mức 115 JPY, nhưng với bài phát biểu sắp tới của ông Trump, một số người lại đang hiện thực hóa lợi nhuận và điều chỉnh trạng thái của họ”, Kaneo Ogino - Giám đốc nghiên cứu ngoại hối của Global-info Co. tại Tokyo cho biết. Theo ông, nhìn chung các nhà đầu tư có tâm lý thận trọng trong phiên hôm nay sau kỳ nghỉ lễ cuối tuần kéo dài.
Đồng euro cũng tăng 0,32% lên 1,0608 USD, di chuyển ngày càng xa từ mức đáy 14 năm 1,0340 USD của tuần trước.
Tuy nhiên kỳ vọng lãi suất của Mỹ cao hơn vẫn đang hỗ trợ cho đồng bạc xanh. Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren hôm qua kêu gọi Fed đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất sau hai năm duy trì 1 lần tăng kể từ năm 2015, đồng thời cảnh báo về nguy cơ lạm phát nếu Fed không tăng nhanh lãi suất.
Tại một sự kiện riêng biệt, Chủ tịch Fed Atlanta Dennis Lockhart cũng cho biết vẫn còn quá sớm để đánh giá hiệu quả chính sách kích thích tài khóa của chính quyền ông Trump nếu được thực thi sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế.
Tại cuộc họp cuối cùng trong năm 2016, Fed đã quyết định tăng lãi suất cho vay qua đêm thêm 0,25 điểm lên 0,5-0,75% và dự kiến lãi suất có thể tăng nhanh hơn sau khi ông Trump giánh thắng lợi trong cuộc đua vào Nhà Trắng với cam kết sẽ cắt giảm thuế và tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng. Một số nhà hoạch định chính sách kể từ đó đã cho rằng lãi suất có thể tăng nhanh hơn dưới triều đại của ông Trump để kiềm chế lạm phát.
Nhưng Lockhart cho biết, ông cảm thấy nó vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ phán quyết nào về việc cách thức quản lý mới có thể thay đổi đường đi của nền kinh tế.