Ngân hàng Thụy Sĩ không còn “bảo bối"

Theo cafef.vn

(Tài chính) Các ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ không thể dựa vào danh tiếng cũ để lôi kéo các khách hàng giàu có, nhất là khi Mỹ phát động chiến dịch điều tra hành vi trốn thuế của những công dân gửi tiền ở nước ngoài.

Ngân hàng Credit Suisse lớn thứ hai Thụy Sĩ gần đây đã đồng ý nộp 2,6 tỷ USD để giải quyết vụ trốn thuế với giới chức Mỹ. Nguồn: internet
Ngân hàng Credit Suisse lớn thứ hai Thụy Sĩ gần đây đã đồng ý nộp 2,6 tỷ USD để giải quyết vụ trốn thuế với giới chức Mỹ. Nguồn: internet
Đâu rồi thời hoàng kim? 

Khi không còn “bảo bối” về bảo mật thông tin, các ngân hàng cần có quy mô và nghiệp vụ chuyên môn thích hợp để có thể cạnh tranh xuyên biên giới. Do đó, giới chuyên gia dự báo rằng một khi Mỹ tiến hành xong xuôi việc điều tra liên quan đến hàng chục ngân hàng tại Thụy Sĩ, sẽ có một làn sóng các ngân hàng phải đóng cửa, hoặc sáp nhập hay thâu tóm lẫn nhau, khiến cho lĩnh vực này bị thu hẹp đến 30%. 

Gần đây có những lời đồn đoán rằng Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, sẽ tiếp quản Julius Baer, công ty quản lý tài sản niêm yết lớn thứ ba nước này, trong bối cảnh cả hai ngân hàng đều dính líu đến các cáo buộc về thuế từ phía Mỹ. 

Trong khi Credit Suisse gần đây đã đồng ý nộp 2,6 tỷ USD để giải quyết vụ trốn thuế với giới chức Mỹ, thì Julius Baer cũng đang bị Mỹ điều tra hành vi “tiếp tay” cho khách hàng trốn thuế. Tuy nhiên, các tin đồn về việc Credit Suisse thâu tóm Julius Baer cho thấy sự thay đổi mạnh của hệ thống ngân hàng tư nhân nước này. Lợi nhuận ngân hàng đang suy yếu bởi khách hàng rút tiền hàng loạt và chuyển hướng mua cổ phần có rủi ro thấp. 

Theo ước tính của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), từ năm 2008 đến năm 2014, có tới 350 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 380 tỷ USD) đã được giới nhà giàu rút khỏi các ngân hàng tư nhân tại Geneva và Zurich của nước này. Kết quả là trong năm 2013, số lượng các ngân hàng làm ăn thua lỗ tại Thụy Sĩ lên tới 34 ngân hàng, tăng gần 50% so với một năm trước đây. Ngoài ra, lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu của các ngân hàng tư nhân, loại trừ một số ngân hàng lớn như UBS và Credit Suisse, cũng giảm hơn 75% từ năm 2006 đến năm 2013, theo một nghiên cứu của hãng kiểm toán KPMG dựa trên kết quả theo dõi 94 ngân hàng tư nhân tại Thụy Sĩ. 

"Đi đêm lắm có ngày gặp ma" 

Vận đen có vẻ như vẫn chưa chịu buông tha các Ngân hàng Thụy Sĩ khi mà giờ đây, không chỉ có Mỹ mà cả Liên minh châu Âu (EU) cùng một số quốc gia khác cũng đang mở rộng điều tra hành vi gian lận thuế và cất giấu tiền của các công dân ở nước ngoài. 

Mới đây, tòa án phúc thẩm tại Paris (Pháp) đã yêu cầu UBS nộp khoản tiền thế chấp trị giá 1,1 tỷ euro (1,5 tỷ USD) với cáo buộc giúp khách hàng Pháp che giấu tài sản. Khoản tiền 1,5 tỷ USD này, tương đương với 2,4% lợi nhuận sau thuế của UBS trong năm 2013 và 2,8% vốn chủ sở hữu của ngân hàng này, sẽ được thanh toán như một hình phạt hình sự với cáo buộc liên quan đến hoạt động rửa tiền. 

Ngoài ra, UBS và Credit Sussie cũng là đối tượng thuộc phạm vi điều tra của Cơ quan thuế Australia (ATO) liên quan đến những khoản thu nhập “mờ ám” không được khai báo của người dân nước này nhằm trốn hàng tỷ AUD tiền thuế quốc gia. 

Chưa dừng lại ở đó, theo nguồn tin của hãng Reuters, các nhà chức trách từ khắp nơi trên thế giới, đang tiến hành điều tra về việc các đại gia ngân hàng cấu kết với nhau nhằm thao túng tỷ giá hối đoái trong giao dịch ngoại tệ và UBS đang phải đối mặt với một án phạt khác từ giới chức nước Anh liên quan đến cáo buộc thao túng thị trường ngoại hối. 

Được biết, liên quan đến vụ bê bối này, ngoài UBS còn có năm ngân hàng khác, bao gồm Ngân hàng Barclays, HSBC, Ngân hàng Hoàng gia Scotland, JP Morgan và Citigroup, mỗi ngân hàng có thể bị kết án phạt lên tới hàng trăm triệu bảng Anh. Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ cho biết mặc dù đã tăng trích lập dự phòng về tiền phạt trong tương lai lên đến 1,98 tỷ frac (tương đương 2,08 tỷ USD) nhưng số tiền này nhiều khả năng vẫn không đủ để chi trả cho các khoản phạt và tiền phí tổn. 

Mới đây, Cơ quan quản lý thuế Thụy Sĩ cho biết gần 470 triệu bảng Anh đã được trả lại cho Vương quốc Anh và gần 740 triệu euro đã trả lại cho Áo theo thỏa thuận năm 2013 về truy thu tiền thuế đối với tài sản của công dân hai nước trên gửi vào các tài khoản bí mật tại các ngân hàng Thụy Sĩ. Hiện, tổng số tiền phạt của các nước dành cho hai ngân hàng Credit Suisse và UBS của Thụy Sĩ vẫn còn chưa rõ, nhưng có một điều chắc chắn rằng con số này sẽ không chỉ dừng lại ở mức 2,6 tỷ và 780 triệu USD mà hai ngân hàng này đã nộp cho giới chức Mỹ. 

Theo ông Staub thuộc ngân hàng Vontobel, sau khi thu được những nguồn lợi khổng lồ, các ngân hàng Thụy Sĩ sẽ cần thêm nhiều thời gian để chấp nhận sự thật là thương hiệu “bức màn bí mật” không còn nữa và quen dần với môi trường kinh doanh mở.