Ngân hàng trở lại đường đua Basel II

Theo Minh Khôi/thoibaonganhang.vn

Cho tới thời điểm này, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã có 76 TCTD (2 NHTM Nhà nước, 20 NHTMCP, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, hiện chỉ còn 14 TCTD đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.

Ngân hàng trở lại đường đua Basel II.
Ngân hàng trở lại đường đua Basel II.

Củng cố tiềm lực tài chính là mục tiêu lâu dài

Tiến trình xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia bền vững được đánh dấu bởi những bước tiến đáng kể trong việc tái cấu trúc, nâng cao năng lực của các TCTD, đặc biệt là về chất lượng tài sản, khả năng sinh lời, hệ số an toàn vốn và năng lực quản trị. Với định hướng đó, năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP về thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh đến năm 2020, các NHTM triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II.

Cho tới thời điểm này, theo báo cáo của NHNN, đã có 76 TCTD (2 NHTM Nhà nước, 20 NHTMCP, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, hiện chỉ còn 14 TCTD đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.

Nhằm tăng cường năng lực tài chính cho các NHTM Nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn), NHNN đã tích cực chỉ đạo các nhà băng này thực hiện đồng bộ các giải pháp để bù đắp vốn thiếu hụt. Bên cạnh đó, NHNN tích cực phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện giải pháp tăng vốn điều lệ cho các NHTMCP do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ...

Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp những tháng qua đã có những ảnh hưởng tới lộ trình áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế Basel II của các ngân hàng Việt Nam. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng các ngân hàng nên tính toán và đẩy mạnh lại quá trình triển khai các tiêu chuẩn của Basel II, đặc biệt là đảm bảo an toàn vốn (Thông tư 41) bởi đây không chỉ là biện pháp ngắn hạn, mà là yếu tố dài hạn để giúp ngân hàng tăng cường sức khoẻ, tăng khả năng chống chịu được rủi ro phát sinh. Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định, bên cạnh xử lý những vấn đề ngắn hạn thì cần quan tâm nhiều tới các vấn đề chiến lược phát triển của hệ thống trong nhiều năm tới theo hướng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.

Quản trị rủi ro là then chốt

CEO của một NHTMCP chia sẻ, mỗi ngân hàng phải coi quản lý rủi ro là một hoạt động tổng thể và then chốt, có định hướng áp dụng các chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng, trong đó các chuẩn mực Basel II là một trong các chuẩn mực quản trị rủi ro phải được chú trọng đầu tư. Tổng Giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ cũng nhìn nhận, việc triển khai thành công Thông tư 41 và Thông tư 13 không chỉ có ý nghĩa tuân thủ quy định của NHNN mà còn là nền tảng quan trọng để các ngân hàng cải tiến phương pháp quản trị nội bộ, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh.

Quy mô vốn được tăng cường là nền tảng vững chắc để NHTM tiếp tục mở rộng kinh doanh trên cơ sở duy trì các tỷ lệ an toàn, đặc biệt là tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 41, đồng thời hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trên thực tế, để đáp ứng chuẩn mực của Basel II, các ngân hàng thời gian qua đều rất nỗ lực để cải thiện năng lực về vốn. Như BIDV đã hoàn thành bán chiến lược cho nhà đầu tư nước ngoài với giao dịch trị giá 20.300 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ của BIDV lên 40.220 tỷ đồng, qua đó giúp ngân hàng này chính thức áp dụng Basel II từ 1/12/2019.

Hay mới đây, SHB đã phát hành thành công hơn 500 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ lên 17.558 tỷ đồng, vốn tự có lên gần 34.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB chia sẻ, việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, qua đó sẽ giúp SHB tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị, nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ... Đồng thời, việc tăng vốn là cơ sở để ngân hàng hoàn tất đầy đủ toàn bộ các trụ cột của Basel II.

Không chỉ đáp ứng được yêu cầu về vốn theo Thông tư 41 mà đến nay đã có không ít ngân hàng tuyên bố đã hoàn tất cả ba trụ cột của Basel II như MSB, VIB, VPBank, TPBank. Việc này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các NHTM. Bởi việc đáp ứng được các điều kiện của bất cứ trụ cột nào cũng không đơn giản. Đơn cử như việc quy trình đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn (ICAAP) thực hiện trụ cột 2 của Basel II, theo chuyên gia từ Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc, ngân hàng sẽ gặp rất nhiều thách thức cả về chi phí phát triển hệ thống cũng như thách thức về yêu cầu vốn dù đổi lại, khả năng sinh lời của ngân hàng sẽ được mở rộng hơn khi ưu tiên giảm tài sản có rủi ro cao.

Khó khăn lại càng lớn hơn khi mà đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng thực tế cũng cho thấy, hiện các ngân hàng đều đang rất quyết tâm để đạt được cả ba trụ cột của Basel II. VietCapitalBank sau khi được NHNN chấp thuận triển khai trước thời hạn Thông tư 41/2016/TT-NHNN vào cuối năm 2019 đã tiếp tục triển khai dự án xây dựng ICAAP từ cuối tháng 2/2020. Khi dự án hoàn thành và quy trình ICAAP được vận hành, ngân hàng này sẽ hoàn tất cả 3 trụ cột của chuẩn mực Basel II.

Tại ĐHĐCĐ tổ chức ngày 29/4, SeABank đặt kế hoạch năm 2020 sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống Basel II để tối đa hoá hệ số an toàn vốn, đồng thời triển khai toàn bộ 3 trụ cột của Basel II. Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cũng cho hay, trong năm 2020, trên cơ sở hoàn tất các cấu phần cuối cùng của khung ICAAP, SHB sẽ chính thức hoàn tất đầy đủ 3 trụ cột của Basel II. Với việc tuân thủ đầy đủ 3 trụ cột của Basel II, ngân hàng này sẽ tiếp tục phát triển và sử dụng phương pháp nâng cao trong việc tính vốn, đảm bảo tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao tính minh bạch của ngân hàng, dần hướng tới áp dụng Basel III trong tầm nhìn dài hạn…