Ngân hàng và người dân ngóng vốn
Không đến 4 tháng nữa, gói vay ưu đãi mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm theo Quyết định 1013/QĐ-TTg ngày 6/6/2016 của Thủ tướng chính phủ về lãi suất ưu đãi nhà ở tại Ngân hàng Chính sách sẽ khép lại. Thế nhưng đến nay không chỉ người dân mà chính ngân hàng cũng đang “dài cổ” ngóng vốn.
Với gói vay này, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ bắt đầu cho đối tượng được vay vốn ưu đãi với lãi suất 4,8% để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Chủ trương này được nhiều người dân, nhất là người có thu nhập thấp đón đợi và mở ra triển vọng mới cho các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Quyết định 1013 nêu rõ, lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng quy định tại Nghị định 100 ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 4,8%/năm (0,4%/tháng). Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Quyết định này áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016 và có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2016.
Ngay sau khi thông tin này được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều khách hàng đã mừng rỡ vì với mức vay này (thấp hơn cả mức vay của gói 30.000 tỷ đồng vừa hết hạn), cơ hội để sở hữu một căn hộ của họ lại được mở rộng ra. Tuy nhiên, khi liên hệ với các chủ đầu tư bán nhà ở xã hội thì đều nhận được câu trả lời là hiện chưa thể áp dụng mức vay này được vì vẫn chưa có thông tin hướng dẫn từ ngân hàng.
Theo anh Nguyễn Xuân Quân - Phó Giám đốc đại diện của Công ty Phát triển nhà ở Tecco Nghệ An cho biết: “Hiện chỉ mới nghe nói về gói lãi suất 4,8% này thôi. Còn mọi thông tin từ chính thức đến chưa chính thức thì chúng tôi chưa hề có phản hồi nào từ phía người dân hay từ khách hàng…”.
Gần 2 tháng nay kể từ khi Chính phủ có quyết định về một chương trình cho vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm, chị Nguyễn Thị Vân - công nhân trên địa bàn TP. Vinh rất sốt sắng tìm hiểu thông tin để sớm tiếp cận vốn vay, được sở hữu căn nhà và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, điều gia đình băn khoăn là các điều kiện cụ thể từ ngân hàng chính sách, đặc biệt điều kiện về tài khoản tiền gửi tiết kiệm.
Đối tượng cần mua nhà ở xã hội hiện nay đang rất lớn. Tuy nhiên, hàng loạt câu hỏi đang được đặt ra trước ngày gói tín dụng có hiệu lực đó là: Các quy định cụ thể về hồ sơ thủ tục, nguồn vốn có đáp ứng kịp thời? Anh Trần Quang Trung - giáo viên, cho biết, trước đây đã anh bị tuột mất cơ hội tiếp cận vốn vay từ gói 30 nghìn tỷ đồng nên giờ anh rất mong Ngân hàng Chính sách xã hội vào cuộc kịp thời.
Theo quy định, gói hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội sẽ kết thúc vào cuối năm 2016, nghĩa là thời gian triển khai rất ngắn. Vì vậy là đơn vị được chỉ định thực hiện chương trình lãi suất ưu đãi này, Ngân hàng Chính sách xã hội cần bắt tay vào cuộc hoàn thiện cơ chế cho vay, để triển khai kịp thời khi Nhà nước cấp vốn. Điều quan trọng là để chính sách ưu đãi không bị ngắt quãng, tránh thiệt thòi cho người có thu nhập thấp lẫn chủ đầu tư tham gia lĩnh vực này.
Việc triển khai gói vay hiện vẫn giẫm chân tại chỗ. Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng nhận thấy nếu gói này được triển khai thì người dân cũng khó tiếp cận bởi có nhiều tiêu chuẩn khó đáp ứng như: Phải có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng chính sách xã hội ít nhất 12 tháng. Chị Nguyễn Thị Thành công nhân may tại TP. Vinh chia sẻ: "Chúng tôi là hộ gia đình thu nhập thấp, tiền lương chỉ đủ chi tiêu hàng tháng, lấy đâu ra sổ tiết kiệm cả năm bây giờ?... rất mong Nhà nước và ngân hàng có thể nới lỏng quy định đối với những hộ gia đình như chúng tôi…”.
Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: “Nguồn vốn thực hiện gói vay hỗ trợ này được lấy từ nguồn ngân sách nhưng hiện nay chưa có, chúng tôi cũng không biết lúc nào sẽ có. Khó khăn nhất hiện nay là chưa có vốn, phải có vốn từ trên chúng tôi mới có thể triển khai”.
"Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã tập huấn nghiệp vụ, thực hiện các quy trình hướng dẫn cho cán bộ ngân hàng. Đồng thời cũng đã đóng góp ý kiến chỉnh sửa để gói phù hợp với nhu cầu của người dân. Chắc chắn phải có sự điều chỉnh từ phía Chính phủ bởi thời gian áp đến cuối năm như thế này trong khi chưa giải ngân thì việc áp dụng sẽ khó thực hiện", ông Vinh cho biết thêm.
Cùng với 3 dự án nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng với tổng số 198 căn hộ thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn có thêm 4 dự án đã và đang triển khai với tổng số 934 căn hộ. Nếu chính sách mới về cho vay nhà ở xã hội được triển khai kịp thời sẽ không chỉ góp phần đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp mà còn mở ra triển vọng mới cho các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.