"Buông tay" hay tìm cách "cứu" ngân hàng 0 đồng?

Theo Huyền Anh/vnbusiness.vn

Hơn 6 năm tái cơ cấu 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng vẫn không thể gượng dậy và đứng vững trên thị trường. Có lẽ đã đến lúc Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, theo quy luật kinh tế thị trường đào thải các ngân hàng yếu kém hoặc là có các giải pháp quyết liệt để "cứu" các ngân hàng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Dự kiến vào đầu tuần sau (ngày 25/10) Quốc hội sẽ lắng nghe và thảo luận về Tái cơ cấu ngân hàng 5 năm tới của Chính phủ, trong đó “khối u”ngân hàng yếu kém sẽ được “mổ xẻ” và đưa ra giải pháp hiệu quả để xử lý dứt điểm trước khi tiến tới một nền ngân hàng lành mạnh, an toàn, hiệu quả và hiện đại.

Dấu hỏi sau 6 năm tái cấu trúc

Trong báo cáo gửi Quốc hội về Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ đánh giá, thời gian qua, ba ngân hàng mua bắt buộc gồm ngân hàng Đại Dương (OceanBank), ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank); ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank) là bài toán hóc búa nhất hiện nay.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến thời điểm hiện nay, các hoạt động nói chung của 3 ngân hàng trên đều đã ổn định. Nợ xấu, tài sản không sinh lời của những ngân hàng này bước đầu được xử lý và thu hồi, tiền gửi mới được gia tăng, tình trạng khách hàng rút tiền hàng loạt chấm dứt, quản trị điều hành được củng cố lại.

Dù được nới lỏng, song các ngân hàng trên vẫn có sự tham gia trực tiếp trong quản trị, điều hành, cũng như chia sẻ và hỗ trợ trong kinh doanh của Vietcombank, VietinBank cùng sự giám sát chặt chẽ của NHNN với tư cách là chủ sở hữu.

Trên thực tế, cho đến nay tình hình hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này vẫn trong vòng bí mật, các chỉ số về tài chính vẫn chưa minh bạch vẫn đang là dấu hỏi sau 6 năm tái cấu trúc…

Theo thông tin cập nhật gần đây nhất của Kiểm toán Nhà nước, cho thấy số lỗ mỗi năm của 3 ngân hàng 0 đồng lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu tại 3 ngân hàng 0 đồng rất cao. Đơn cử, nợ xấu của GPBank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; OceanBank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ. Đối với CBBank thì nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ (19.024 tỷ đồng).

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, hơn 6 năm nay với ba ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng, nhà nước đã dồn lực để “cứu chữa” nhưng các ngân hàng này vẫn không thể gượng dậy và đứng vững trên thị trường. Vì vậy, cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc các tổ chức tín dụng yếu kém này sẽ “khỏe” trở lại khi chỉ dựa vào những khoản vay đặc biệt từ NHNN hay chính sách ưu đãi, sự hỗ trợ của các ngân hàng lớn.

NHNN đang khẩn trương phối hợp các bộ, ngành và cơ quan liên quan để hoàn thiện phương án xử lý, cơ cấu lại phương án xử lý, cơ cấu lại CBBank, OCeanBank theo định hướng mới; tiếp tục chỉ đạo GPBank và DongABank hoàn thiện phương án cơ cấu lại để xem xét, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền.

Mặt khác, việc dồn lực để hỗ trợ các ngân hàng này sẽ khiến nền kinh tế cũng buộc phải chịu tổn thất lớn: ngân sách phải bỏ ra để vận hành bộ máy xử lý nợ xấu. Chưa kể, việc các ngân hàng yếu kém phải trích lập dự phòng cao, đội chi phí hoạt động rất lớn, dẫn đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước giảm đi.

“Vì vậy, đây là lúc để các quy luật kinh tế thị trường tự vận hành và để thị trường đào thải các ngân hàng yếu kém. Hãy để các ngân hàng được phá sản dựa trên những quy định pháp luật hiện hành”, ông Hiếu nêu quan điểm.

"Hàng xấu" nhưng bán giá đắt?

Tuy nhiên, đi ngược lại ý kiến trên, trả lời VnBusiness về tình hình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém ở thời điểm hiện tại, cũng như những phương án cho các ngân hàng trên, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng: Về bản chất, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên sẽ có thời điểm hoạt động hiệu quả, lúc không hiệu quả. Quan trọng là sản phẩm có tốt không, người tiêu dùng có đón nhận không, để quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp.

Bản chất của ngân hàng là kinh doanh dựa trên niềm tin, uy tín, thương hiệu là chủ yếu. Nhưng các ngân hàng 0 đồng hiện nay lại không thể tăng lãi suất huy động, thiếu nguồn vốn để cho vay, không có biện pháp maketing thương hiệu... Vì vậy, khách hàng cũng ít lựa chọn các dịch vụ của ngân hàng này.

Dù vậy, NHNN đang không gặp bất cứ khó khăn nào để xử lý 3 ngân hàng yếu kém đã mua lại 0 đồng. Vấn đề là cơ chế để xử lý 3 ngân hàng này ra sao.

Nói rõ hơn về nhận định trên, ông Hiển cho biết: "Thực tế NHNN muốn duy trì ngân hàng 0 đồng ở mức nào đó để tìm đối tác mạnh về tài chính sẵn sàng mua với mức giá hợp lý, có thể là các tổ chức tài chính hoặc ngân hàng nước ngoài”.

Tuy nhiên, hiện vướng mắc lớn nhất là các nhà đầu tư mua được giá nào. "Nhà đầu tư đánh giá ngân hàng 0 đồng ở mức thấp vì họ cần phải bỏ một nguồn lực rất lớn để xử lý các khoản nợ xấu, tái cấu trúc dần. Ngược lại NHNN đánh giá, việc khống chế mở thêm các ngân hàng mới, như vậy việc mua ngân hàng 0 đồng có lợi thế cho nhà đầu tư nên NHNN sẽ bán giá cao”, ông Hiển đặt vấn đề.

Vì vậy, theo ông không có chuyện không có cách nào để xử lý 3 ngân hàng 0 đồng và cũng không cần phải phá sản các ngân hàng này vì có phá sản hay không thì ngân hàng 0 đồng vẫn đang được nhà nước tiếp quản và chịu trách nhiệm. Cụ thể chịu trách nhiệm về tiền gửi, thu hồi những khoản nợ và duy trì hoạt động kinh doanh của ngân hàng…

Với phương án sáp nhập ngân hàng 0 đồng vào ngân hàng đang quản trị, điều hành, ông Hiển cho rằng sẽ không giúp cho nhà nước thu được phần giá trị tại vì sự gia tăng thêm không tương xứng. Vì vậy, việc tìm nhà đầu tư bên ngoài để bán ngân hàng 0 đồng vẫn là giải pháp hữu hiệu.

Bán cổ phần cho nhiều các nhà đầu tư?

Trên thực tế, thời gian qua, các ngân hàng nước ngoài rất quan tâm tới 3 ngân hàng 0 đồng, thậm chí đã từng có nhà đầu tư đàm phán, chốt được 1 ngân hàng, 2 ngân hàng còn lại cũng đang trong quá trình đàm phán ráo riết.

Tuy nhiên, thực tế việc tái cấu trúc các ngân hàng 0 đồng đang gặp nhiều khó khăn, kể cả khi các ngân hàng này tưởng như đã tìm được đối tác chiến lược. Năm 2017, lãnh đạo NHNN thông tin với báo chí: một ngân hàng 0 đồng đã có nhà đầu tư nước ngoài mua, một ngân hàng có ba nhà đầu tư (một trong nước, hai nước ngoài) đang có ý định mua, còn lại một ngân hàng 0 đồng NHNN sẽ dễ dàng xử lý hơn.

Hay như ông Nobiru Adachi, Giám đốc điều hành cấp cao Tập đoàn J Trust trong một buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ đã từng bày tỏ mong muốn tham gia tái cơ cấu ngân hàng CBBank bằng hình thức hỗ trợ CBBank về mặt công nghệ, nghiệp vụ tài chính. Tuy nhiên, đến nay chưa có thông tin nào về thương vụ này.

Còn nhớ, hồi cuối năm 2019, GPBank thông báo tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nhằm tái cơ cấu theo chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên do tình hình hoạt động của GPBank thiếu minh bạc, nên chưa có thông tin nào cho thấy ngân hàng này đã kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược.

Với những khó khăn trên, ông Hiển cho rằng, phương án để xử lý các ngân hàng yếu, đặc biệt 3 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng là thay vì tìm 1 nhà đầu tư, có thể bán cổ phần cho nhiều các nhà đầu tư để chuyển đổi thành ngân hàng đại chúng. Trong đó nên có đối tác tài chính nước ngoài để đảm bảo nguồn lực tài chính và sự minh bạch, cùng với ngân hàng mẹ nắm giữ cổ phần. Sau bước 1 có thể tăng vốn để đa dạng hoá các cổ đông sở hữu, sau đó ngân hàng mẹ có thể tùy theo chiến lược để thoái vốn.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, muốn đẩy nhanh hơn tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng, không phải một mình NHNN làm được mà cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành có liên quan. Đặc biệt đối với quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ liên quan đến các vụ án kinh tế, cần phối hợp với nhiều cơ quan chức năng.