Tỉnh Quảng Nam:
Xử lý rủi ro tín dụng chính sách
Song song với đưa tín dụng chính sách đến hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách, thời gian qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH) Quảng Nam tập trung xử lý nợ rủi ro. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng đến nay vẫn còn một số khoản nợ rủi ro lưu cữu nhiều năm.
Gỡ vướng bằng quy định mới
Tính đến ngày 30/9, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh của Ngân hàng CSXH Quảng Nam là 8,45 tỷ đồng (tăng gần 2,3 tỷ đồng so với đầu năm), trong đó nợ quá hạn là 2,23 tỷ đồng (tăng 266 triệu đồng so với quý II/2021). Hiện nay, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,04%, toàn tỉnh có 2 đơn vị không có nợ quá hạn là Phước Sơn và Hội An.
Ông Hoàng Thanh Lân - Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH Quảng Nam) cho biết, trong các nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ cao nhất là hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, không tìm được nơi ở hiện nay. Một số nguyên nhân khác là người vay chết, người vay đang thi hành án…
Cơ chế xử lý rủi ro tín dụng chính sách trong thời gian qua được quy định tại Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hộ bỏ đi khỏi nơi cư trú phải được UBND xã xác nhận “mất tích” thì Ngân hàng CSXH Quảng Nam mới có thể xóa nợ.
Đến nay, việc “mất tích” chưa được ngành chức năng xác nhận nên việc xử lý nợ rủi ro vẫn bỏ ngỏ. Ngoài ra, khi hộ vay không thể trả nợ, ngân hàng chính sách sẽ khởi kiện, tòa án xét xử, ngành thi hành án vào cuộc nhưng lại xảy ra trường hợp bất khả kháng là hộ vay không đủ khả năng trả nợ do không có tài sản, không còn khả năng lao động... Khi không thực hiện thi hành án được, xử lý nợ rủi ro cho trường hợp trên bị “treo”.
Từ thực tiễn đó, ngày 11/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại ngân hàng chính sách kèm theo Quyết định 50, có hiệu lực từ ngày 19/5.
Đến ngày 27/9, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam đã ban hành Quyết định 62 về quy định xử lý nợ bị rủi ro. Điểm quan trọng trong Quyết định 62 so với Quyết định 50 là có cơ chế xử lý nợ bị rủi ro với các nguyên nhân khách quan.
Theo đó, khi UBND xã xác nhận hộ dân đã bỏ đi khỏi nơi cư trú quá 2 năm thì được xóa nợ. Trong thi hành án đối với trường hợp tòa án đã xét xử, nếu hộ vay vốn không thể trả được nợ do nguyên nhân khách quan thì lực lượng thi hành án xác nhận, ngân hàng chính sách sẽ xóa nợ.
Công khai, minh bạch
Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, ngay sau khi có Quyết định 62, đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ xử lý nợ bị rủi ro cho cán bộ các phòng giao dịch ngân hàng chính sách ở các huyện, thị xã, thành phố, cán bộ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân nhận ủy thác vay vốn, các tổ tiết kiệm và vay vốn chính sách.
Từ đó, Ngân hàng CSXH Quảng Nam chỉ đạo từ nay đến cuối năm giám đốc các phòng giao dịch ngân hàng chính sách cấp huyện, thị xã, thành phố báo cáo và tham mưu kịp thời cho UBND huyện thực hiện quy định xử lý nợ bị rủi ro theo Quyết định 62.
“Điều quan trọng nhất là cán bộ tín dụng phối hợp chặt chẽ với hội đoàn thể, công an cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn rà soát kỹ các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, khi đã đủ điều kiện xử lý rủi ro mới trình cấp có thẩm quyền xử lý” - ông Lam nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu Ngân hàng CSXH Quảng Nam quán triệt toàn bộ cán bộ thực hiện nghiêm các quy định xử lý nợ bị rủi ro, đảm bảo xử lý đúng đối tượng, đúng nguyên nhân, quy trình, công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở, lợi dụng chính sách của Nhà nước.
“Triển khai Quyết định 62 trong thời gian đến dứt khoát phải chính xác, hợp pháp, hợp lệ, đúng thực tế của hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro. Để chính sách đi vào thực tiễn, cần tuyên truyền, phổ biến công khai và giám sát thực hiện” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói.
Trong 9 tháng qua, tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH Quảng Nam tiếp tục được đầu tư đúng đối tượng, phát huy hiệu quả. Theo đó, đã có 38.081 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Vốn chính sách đã đến với 15.978 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay vốn.