Khả năng tiếp cận ngân hàng thương mại của khách hàng cá nhân trong các dịch vụ tài chính

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 5/2020

Bên cạnh việc phát triển nghiệp vụ ngân hàng bán buôn, mở rộng khách hàng doanh nghiệp, khách hàng là các tổ chức, các ngân hàng thương mại còn đẩy mạnh thu hút khách hàng cá nhân, cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính ngày càng có chất lượng, tiện ích, hiện đại dựa trên công nghệ ngân hàng số.

Mạng lưới hệ thống NHTM tại Việt Nam gồm có 35 NHTM trong nước.
Mạng lưới hệ thống NHTM tại Việt Nam gồm có 35 NHTM trong nước.

Phát triển dịch vụ khách hàng cá nhân cho phép ngân hàng thương mại phân tán rủi ro, phát triển bền vững các nguồn thu nhập. Trong quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng cũng như trên góc độ quản trị điều hành kinh doanh ngân hàng thương mại, việc phân tích khả năng tiếp cận ngân hàng thương mại của khách hàng cá nhân có tính cấp bách và có ý nghĩa thiết thực.

Mức độ tiếp cận ngân hàng thương mại

Mức độ tiếp cận ngân hàng thương mại (NHTM) là khả năng khách hàng có thể sử dụng dịch vụ tài chính tiện ích có chất lượng của ngân hàng một cách thường xuyên, hiệu quả. Chỉ tiêu mức độ tiếp cận được đo lường thông qua 2 giác độ: Độ rộng của tiếp cận và độ sâu của tiếp cận. Bài viết phân tích cấp độ tiếp cận, trên cơ sở đó có giải pháp phù hợp trong quản trị điều hành NHTM, thu hút khách hàng cá nhân (KHCN) gắn bó và sử dụng thường xuyên.

Độ rộng của tiếp cận

Độ rộng trong tiếp cận của ngân hàng là mức độ tiếp cận đối với KHCN trên diện rộng. Theo đó, ngân hàng nào càng cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ đáp ứng được càng nhiều nhu cầu của KHCN, thì có thể đánh giá ngân hàng đó đã đạt được độ rộng của tiếp cận.

Bên cạnh đó, độ rộng của tiếp cận còn được đo lường thông qua chỉ tiêu số lượng và mức độ tăng trưởng của KHCN, của dư nợ tín dụng cá nhân và số dư tiền gửi tiết kiệm của dân cư, số lượng tài khoản cá nhân, số lượng thẻ đã phát hành và doanh số sử dụng thẻ, doanh số thanh toán quan ngân hàng của KHCN…

Độ sâu của tiếp cận

Đây là khái niệm dùng để đo lường khả năng các dịch vụ ngân hàng của KHCN, cũng như giá trị ròng mà KHCN nhận được. Tuy vậy, các chỉ tiêu đo lường độ sâu của tiếp cận trực tiếp thông qua sự thay đổi ròng của giá trị thu nhập và tài sản KHCN sau khi tiếp cận được với dịch vụ tín dụng rất khó xác định. Vì vậy, có thể sử dụng các chỉ tiêu để đánh giá độ sâu của tiếp cận.

Một số chỉ tiêu đánh giá mức độ tiếp cận

- Mức vay bình quân của một KHCN: Mức vay bình quân thấp có nghĩa là kể cả những khách hàng có thu nhập thấp cũng được vay vốn ngân hàng. Quy mô món vay trung bình/GDP bình quân đầu người được coi như là một chỉ tiêu dùng để so sánh độ sâu của tiếp cận đến các khách hàng của ngân hàng trên tầm quốc tế. Tỷ lệ này càng thấp chứng tỏ mức độ tiếp cận của ngân hàng càng sâu.

Theo chuẩn quốc tế tỷ lệ này là dưới 20% thì các dịch vụ của ngân hàng đã tiếp cận được đến nhóm khách hàng có thu nhập thấp nhất trong xã hội. Nếu tỷ lệ này dao động trong khoảng 20% đến 150%, thì ngân hàng đã giao dịch với các khách hàng trung bình và có mức tiếp cận rộng. Nếu chỉ tiêu này trên 150% thì ngân hàng chỉ tập trung vào tầng lớp khách hàng giàu.

- Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu: Hai nhóm tỷ lệ nợ này phản ánh chất lượng hoạt động tín dụng của ngân hàng; trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn là các khoản nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5, tỷ lệ nợ xấu là các khoản nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5. Các tỷ lệ này đối với nhóm KHCN càng thấp, chứng tỏ chất lượng của hoạt động tín dụng KHCN của NHTM càng cao, độ sâu tiếp cận KHCN càng được đảm bảo theo yêu cầu. Trong điều kiện ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng đến nhiều nhóm khách hàng khác nhau với quy mô tăng trưởng, nếu tỷ lệ nợ quá hạn cao chứng tỏ ngân hàng đó không đạt yêu cầu về mở rộng hoạt động. Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ này ở mức không vượt quá 5% được coi là an toàn. Tỷ lệ nợ xấu phản ánh tốt hơn chất lượng tín dụng vì đã xét tới khả năng thu hồi nợ của ngân hàng. Tỷ lệ này càng nhỏ càng tốt và theo thông lệ quốc tế tỷ lệ này ở mức 3% là chấp nhận được đối với hoạt động tín dụng chung của NHTM, cũng như đối với riêng nhóm KHCN.

- Thị phần, tăng trưởng KHCN: Thị phần và tăng trưởng thị phần huy động vốn đối với KHCN: Hoạt động huy động vốn có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với NHTM, là nguồn chủ yếu để NHTM thực hiện hoạt động kinh doanh của mình và cũng là cơ sở để ngân hàng mở rộng kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đối với nhóm KHCN thường có các khoản tiền gửi có kỳ hạn, mua chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn, nên nguồn vốn huy động từ KHCN thường ổn định hơn so với khách hàng DN và tổ chức khác.

- Thị phần và tăng trưởng thị phần cho vay KHCN: Năng lực cạnh tranh của NHTM về các hoạt động bên tài sản có, chủ yếu liên quan đến tài sản có sinh lời tức là hoạt động cho vay và đầu tư.

- Sự phát triển tài chính cá nhân của NHTM: Một NHTM luôn có 2 đối tượng khách hàng giao dịch thường xuyên, đó là khách hàng là tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và KHCN. Trong đó, xét về số lượng thì KHCN là đông đảo nhất, họ thực hiện các giao dịch tài chính hết sức đa dạng do NHTM cung cấp…

Thực trạng tiếp cận ngân hàng của khách hàng cá nhân

Tính đến nay, mạng lưới hệ thống NHTM tại Việt Nam gồm có 35 NHTM trong nước; trong đó có 4 NHTM thuộc 100% vốn sở hữu của Nhà nước (bao gồm Agribank và 3 NHTM được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng); 3 NHTM nhà nước đã cổ phần hóa: BIDV, VCB và Vietinbank do Nhà nước chiếm cổ phần chi phối), 29 NHTM cổ phần (NHTMCP) tư nhân, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, trên 40 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 5 ngân hàng liên doanh.

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam đạt 12.578.812 tỷ đồng, tăng 13,69% so với cuối năm 2018. Trong đó, khối NHTM nhà nước vẫn đang dẫn đầu hệ thống quy mô tài sản với 5.439.691 tỷ đồng, tăng 11,85% so với cuối năm 2018. Tiếp đó là khối NHTMCP với quy mô tài sản đạt 5.212.516 tỷ đồng, tăng 14,44%; Khối ngân hàng liên doanh nước ngoài đạt 1.345.869 tỷ đồng, tăng 18,41%; Khối công ty tài chính, cho thuê có quy mô tài sản đạt 205.260 tỷ đồng, tăng 22,31%.

Chỉ tiêu vốn tự có của các TCTD tại Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Tính đến hết năm 2019, vốn tự có của hệ thống các TCTD đạt 911.731 tỷ đồng, tăng 13,10% so với năm 2018. Ở chỉ tiêu này, khối NHTMCP dẫn đầu, đạt 368.579 tỷ đồng, tăng 8,99% so với cuối năm 2018. Tiếp đó là khối NHTM nhà nước đạt 320.024 tỷ đồng, tăng 19,15%; còn khối ngân hàng liên doanh nước ngoài đạt 182.664 tỷ đồng, tăng 12,16% so với cuối năm 2018.

Về chỉ tiêu vốn điều lệ: Khối NHTMCP dẫn đầu với tổng vốn điều lệ đạt 284.698 tỷ đồng, tăng 6,54% so với năm 2018. Tiếp đến là khối NHTM nhà nước đạt 155.153 tỷ đồng, tăng 4,91%; Khối ngân hàng liên doanh nước ngoài đạt 120.769 tỷ đồng, tăng 6,42% so với năm 2018... Tính chung, trong năm 2019, tổng vốn điều lệ của hệ thống các TCTD đạt 612.288 tỷ đồng, tăng 6,24% so với năm 2018.

Trong số các NHTM nói trên, Vietcombank thường xuyên dẫn đầu về quy mô lợi nhuận hàng năm, cũng như khả năng tiếp cận của KHCN về nhiều loại dịch vụ tài chính toàn bộ hệ thống TCTD ở Việt Nam. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2019 của Vietcombank đạt 23.155 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2018 và vượt gần 13% kế hoạch đề ra. Thế mạnh của Vietcombak trong thu hút KHCN thực hiện các giao dịch tài chính về tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ, dịch vụ thẻ nói chung và dịch vụ thẻ tín dụng quốc tế, chuyển tiền kiều hối và chuyển tiền du học, cho vay tiêu dùng, chi trả lương cho các tập đoàn có thu nhập cao.

Quy mô lợi nhuận đứng thứ hai là Agribank, đạt trên 13.000 tỷ đồng với tổng tài sản đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng; Nguồn vốn đạt trên 1,34 triệu tỷ đồng; Tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng... Agribank có số lượng KHCN đông nhất trong toàn bộ hệ thống NHTM, với trên 20 triệu khách hàng, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Tiếp theo, Vietinbank có quy mô lợi nhuận riêng lẻ đạt 11.500 tỷ đồng, tăng 83% so với năm trước, vượt 26% kế hoạch năm; tổng tài sản đạt 1,24 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm trước. Đặc biệt, tỷ trọng thu nhập từ DN nhỏ và vừa và bán lẻ tăng từ 49,9% lên trên 54%. Vietinbank có số lượng KHCN rất đông đảo ở khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung…

BIDV, có quy mô lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.768 tỷ đồng, ROA đạt 0,61%, ROE đạt 15,2%... Tổng tài sản BIDV đạt 1.458.740 tỷ đồng, tăng trưởng 13,7% so với năm 2018, tiếp tục là NHTMCP có quy mô tài sản lớn nhất Việt Nam. Thị giá cổ phiếu BIDV tăng trưởng 42,5% so với đầu năm; Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV tăng lên 18,03%. BIDV cũng có thế mạnh thu hút KHCN ở các khu đô thị, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có đông công nhân thực hiện dịch vụ chi trả lương qua ngân hàng…

Một số nhận xét

Quy mô lợi nhuận, tăng trưởng tổng tài sản và các chỉ tiêu khác là kết quả tổng hợp của quá trình tái cơ cấu các TCTD Việt Nam đạt được trong năm 2019, làm tiền đề cho tái cơ cấu năm tiếp theo, là nội lực cho phát triển tài chính cá nhân và cạnh tranh thu hút KHCN sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiện ích. Các NHTM cổ phần tư nhân nói trên có thế mạnh thu hút KHCN sử dụng các dịch vụ tài chính, đó là những người kinh doanh buôn bán cá nhân, những người làm nghề tự do… sử dụng rất đa dạng và thương xuyên dịch vụ thẻ, tiền gửi tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền.

Quy mô lợi nhuận và các chỉ tiêu kinh doanh khác phản ánh hiệu quả cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng đồng thời cũng là tiền đề, là điều kiện để các NHTM này tiếp tục tăng quy mô đầu tư nâng cao chất lượng các dịch vụ ngân hàng tiện ích, đưa thêm các sản phẩm mới ra thị trường.

Kết luận và khuyến nghị

Để góp phần phát triển dịch vụ tài chính cá nhân, bài viết đề xuất một số khuyến nghị sau:

Một là, NHTM cần chủ động, tiên phong hoàn thiện môi trường pháp lý cho các sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử, các giao dịch ngân hàng số, giao dịch ngân hàng trên thiết bị di động, mobile money… Các quy định có liên quan của NHNN đưa ra cần phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như những cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Hai là, các NHTM cần chủ động nắm bắt xu hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính diễn ra trên thế giới, trong khu vực để có thể ứng dụng vào thị trường Việt Nam, giới thiệu cho KHCN trong nước, làm quen, tiếp cận, sử dụng.

Ba là, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, các bộ ngành và các tổ chức có liên quan cần tích cực triển khai các biện pháp mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thanh toán điện tử, phát triển hạ tầng viễn thông, hoàn thiện các quy định pháp lý về thương mại điện tử và giao dịch điện tử.

Bốn là, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cần rà soát các quy định và phương thức đảm bảo an ninh, đảm bảo an toàn giao dịch tài chính trên nền tảng công nghệ 4.0, xử lý nghiêm minh các giao dịch gian lận của các cá nhân trong và ngoài nước.

Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thành Lân, Nguyễn Thị Tuyền, Nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng cá nhân tại Agribank Trà Vinh, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 03/2020;
2. Vietcombank, Vietinbank..., Báo cáo tài chính các năm 2017 – 2018 – 2019;
3. Vietcombank, Vietinbank..., Thông tin cổ đông và thông tin thị trường, các năm 2019 – 2020;
4. Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước, www.sbv.gov.vn.