Kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro

Theo Nguyễn Anh Việt/qdnd.vn

Thời gian qua, thị trường chứng khoán và bất động sản (BĐS) nước ta có dấu hiệu tăng trưởng nóng. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi mặt hoạt động; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Tín dụng nền kinh tế tăng 3,34%

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 và lạm phát được Quốc hội, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng năm nay tăng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình thực tế.

Thống kê đến ngày 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Các TCTD đã quyết liệt triển khai những giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tính đến ngày 5/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262.000 khách hàng với dư nợ khoảng 357.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663.000 khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt hơn 3,16 triệu tỷ đồng cho 456.600 khách hàng.

Đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 28/2/2021, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với cuối năm 2020. Tỷ trọng tín dụng BĐS chiếm 19,83% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Với lĩnh vực chứng khoán, tính đến ngày 28/2/2021, dư nợ lĩnh vực chứng khoán là 42.590 tỷ đồng, giảm 6,98% so với cuối năm 2020, chiếm tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ nền kinh tế.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn đặt trọng tâm và điều hành với phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như BĐS, chứng khoán, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như: Giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ...

Kết quả cho thấy, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực BĐS có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng. Tỷ trọng đầu tư của các TCTD vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.

Phát triển thị trường tài chính lành mạnh

Về điều hành tín dụng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, cần tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như tín dụng BĐS và chứng khoán. Đối với tín dụng vào BĐS cần quản lý bảo đảm dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng BĐS thực sự của người dân, tránh đầu cơ.

Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính bảo đảm ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống TCTD, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung hạn và dài hạn của nền kinh tế.

Trao đổi với phóng viên, TS. Đặng Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định, trong điều kiện các nước trên thế giới hiện nay đang thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19, rủi ro của việc hình thành bong bóng tài sản tài chính, bong bóng BĐS là rất cao.

Thực tế đang xảy ra ở Mỹ và châu Âu cho thấy, với sự nới lỏng của chính sách tiền tệ, lãi suất ngắn hạn đang gần sát mức 0%. Ngoài ra, Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu đã chi hàng nghìn tỷ USD để cứu trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kết quả là có sự bùng nổ về giá trên thị trường chứng khoán (các chỉ số chứng khoán chủ yếu liên tục đạt các đỉnh cao mới trong lịch sử), giá BĐS cũng đạt mức cao kỷ lục.

Việt Nam trong điều kiện hiện tại cũng đang thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và thị trường chứng khoán đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử cùng với tình trạng tăng giá BĐS mang tính cục bộ ở một số địa phương.

Theo bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc thương hiệu Công ty BĐS Tuấn 123, hiện nay ở nhiều nơi dòng tiền đổ vào BĐS tương đối lớn và có dấu hiệu “sốt”. Nếu dòng tiền đổ vào BĐS với mục đích như mua nhà để ở, mua đất để sản xuất nông nghiệp... thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng thật sự cho BĐS. Còn dòng tiền đổ vào BĐS nhưng không tạo ra giá trị gia tăng mà chỉ nhằm mục đích đầu cơ, “thổi giá” do qua tay nhiều người sẽ gây hiệu ứng “sốt”.

Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên tín dụng đối với người dân thực sự có nhu cầu mua BĐS để sử dụng. Còn các giao dịch mua, bán BĐS mang tính chất đầu cơ (dưới 1 năm) thì cần phải kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống công chứng, từ đó có biện pháp xử phạt thích đáng.

TS. Đặng Anh Tuấn cho rằng, với những biện pháp mà ngành ngân hàng đang thực hiện để kiểm soát rủi ro trong cho vay lĩnh vực BĐS và chứng khoán là phù hợp. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, tài trợ cho những dự án phát triển BĐS rủi ro cao cần phải được xác định và ngăn chặn sớm để không gây ra những tổn thất trong tương lai.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có biện pháp, chính sách phù hợp (lãi suất ưu đãi, hỗ trợ về thuế...) để hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào phân khúc BĐS hiện tại đang bị thiếu hụt (nhà ở xã hội) nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.