Nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính cá nhân ở Việt Nam
Hiện nay, ở Việt Nam, phát triển dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân đang trở thành một trong những định hướng chiến lược của các ngân hàng thương mại. Phát triển dịch vụ này, các ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng cá nhân. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng dịch vụ, các ngân hàng cần thực hiện nhiều giải pháp.
Dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của 16 công ty tài chính với quy mô thị trường ước tính đạt 1,1 triệu tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD) và các công ty fintech với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin.
Các sản phẩm tài chính của nhóm công ty fintech khá phong phú so với nhu cầu của người tiêu dùng và các thủ tục được thực hiện trực tuyến. Mô hình P2P (kết nối trực tiếp người đi vay và người cho vay trên internet) của các công ty fintech với các gói vay đa dạng và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Với hình thức vay vốn trực tuyến, các công ty sẽ không phải chịu nhiều các khoản chi phí về mặt bằng, điện nước, lương nhân viên... để duy trì hoạt động nên mức lãi suất của các dịch vụ cho vay trực tuyến trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, các đơn vị cung cấp dịch vụ này chỉ đơn thuần là tư vấn giúp các cá nhân lựa chọn các sản phẩm sẵn có của đơn vị mình hoặc các sản phẩm bán chéo khác. Những người cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân chủ yếu là các nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên quan hệ khách hàng hay đại lý bán bảo hiểm.
Như vậy, dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhiệm vụ của dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân, việc cung cấp dịch vụ tập trung vào bán sản phẩm hơn là tư vấn một kế hoạch tổng thể về quản lý tài chính cá nhân từ tiêu dùng tới tiết kiệm, đầu tư tương ứng với các mức độ rủi ro mà khách hàng chấp nhận hay các kế hoạch dài hạn hơn như hưu trí và di sản.
Với bản chất dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam như trên thì lợi ích của khách hàng nhận được là không nhiều, đồng thời trong một số trường hợp họ sẽ bị các nhà tư vấn chèo lái để mua các sản phẩm của đơn vị họ mà thông qua đó các nhà tư vấn sẽ được hưởng hoa hồng. Vấn đề này sẽ tạo ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội cũng như tạo sự phát triển không lành mạnh, bền vững cho thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, các dịch vụ được cung cấp không bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ của nghề tư vấn tài chính cá nhân, việc cung cấp dịch vụ tập trung vào bán các sản phẩm tài chính hơn là quan tâm đến nhu cầu tổng thể của khách hàng, cân đối giữa yêu cầu rủi ro và lợi nhuận của khách hàng và đánh đồng khái niệm tư vấn tài chính cá nhân và các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm.
Những người cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân chủ yếu là các nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên ngân hàng, đại lý bảo hiểm. Số lượng các nhà tư vấn, hoạch định độc lập có rất ít.
Nguyên nhân là do thị trường tài chính Việt Nam còn non yếu, các sản phẩm tài chính chưa đa dạng và các điều kiện để cung cấp đầy đủ các dịch vụ tài chính cá nhân.
Đối với những người hành nghề tư vấn chưa có một tổ chức nào quản lý các chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp, do vậy mức độ tin tưởng của khách hàng đối với các nhân viên tư vấn cũng không cao.
Về phía khách hàng, do nhận thức về tài chính cá nhân còn hạn chế nên những đòi hỏi về dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân là chưa cao.
Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính cá nhân
Để nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính cá nhân cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của tài chính cá nhân trong việc quản lý tài sản cũng như đạt được các mục tiêu chi tiêu của bản thân và gia đình. Cần nhận thức, dịch vụ tài chính cá nhân không chỉ dành cho “người giàu” mà dành cho tất cả mọi người. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền, tạo lập các diễn đàn về tài chính cá nhân để mọi đối tượng có thể tiếp cận thông tin, tìm hiểu về tài chính cá nhân.
Hai là, mở rộng và hoàn thiện dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân trên thị trường hiện có. Các tổ chức tài chính hay các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cần mở rộng nghiệp vụ để tư vấn cho các khách hàng một giải pháp tổng thể về tài chính cá nhân, giúp họ nhận biết được khả năng tài chính và mức độ chấp nhận rủi ro của mình từ đó đưa ra các lựa chọn phù hợp nhất.
Đồng thời, các gói tư vấn tài chính cần mở rộng liên kết với các lĩnh vực khác như các chuyên gia về thuế, về luật, quản trị rủi ro... để có thể tư vấn một cách toàn diện nhất cho khách hàng mọi lĩnh vực liên quan. Dịch vụ tài chính cá nhân cần được cá biệt hóa cho từng khách hàng, từ đó đưa ra từng danh mục đầu tư phù hợp với yêu cầu chi tiêu cũng như khả năng chấp nhận rủi ro của từng khách hàng.
Ba là, các gói dịch vụ đưa ra cho khách hàng cần được đa dạng hóa, phù hợp với từng mục tiêu chi tiêu của khác hàng. Đồng thời, các công cụ tài chính cần được mở rộng ra nhiều thị trường bao gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, bảo hiểm và các công cụ thay thế khác. Việc đa dạng hóa công cụ tài chính sẽ giúp dễ dàng hơn trong việc đạt được mục tiêu về lợi nhuận và rủi ro cho khách hàng.
Bốn là, cơ quan quản lý hoặc các hiệp hội cần đưa ra các khóa học và chương trình đào tạo áp dụng các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới, cung cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn tài chính cá nhân để giảm thiểu các rủi ro đạo đức, đảm bảo chất lượng tư vấn, từ đó tạo được sử tin tưởng của khách hàng khi sử dụng dịch vụ, góp phần thúc đẩy dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân phát triển một cách bền vững.
Năm là, đối với các cơ quan quản lý và nhà làm luật, cần đưa ra các hàng lang pháp lý để những người cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân hoạt động một cách thống nhất và hợp pháp.
Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng nên cho phép các công ty tư vấn tài chính cá nhân độc lập được hoạt động bên cạnh các tổ chức tài chính hiện đang cung cấp các dịch vụ tài chính trên thị trường để có được sự chuyên sâu và sự đa dạng trong phát triển thị trường tư vấn tài chính cá nhân.