Nhiều ngân hàng đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025... Đây là thông tin được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chia sẻ tại Họp báo công bố sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành ngân hàng tổ chức sáng ngày 28/7.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3% và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127%. 

NHNN cho biết, với tiếp cận “Chuyển đổi số để tăng tốc và phát triển bền vững”, nhiều ngân hàng xem chuyển đổi số và việc phát triển mô hình, hoạt động ngân hàng số là một mục tiêu trong chiến lược kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hoạt động đầu tư cho chuyển đổi số được chú trọng.

Theo Vụ Thanh toán (NHNN), trong 6 tháng đầu năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3% và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021); có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử - eKYC (tính đến tháng 6/2022).

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên HĐQT Vietcombank cho biết: "Chúng tôi coi việc chuyển đối số là cốt lõi trong chiến lược dài hạn của Vietcombank, thực hiện chủ trương của NHNN, ngân hàng đã ý thức việc này rất sớm, chúng tôi đã ban hành Nghị quyết từ năm 20219 đưa ra định hướng lớn về dài hạn.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ngân hàng gặp một số khó khăn, thách thức: chuyển đổi số cần sự chính xác, phân tích dữ liệu lớn Big Data để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, ngân hàng phải thành lập trung tâm dữ liệu phân tích. Đồng thời, đào tạo con người rất quan trọng, do đó, Vietcombank đã thuê chuyên gia nước ngoài để đào tạo cán bộ nhân viên, phục vụ hoạt động cho ngân hàng số... 

Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.

NHNN cho biết, thời gian tới, ngành ngân hàng đặt mục tiêu chính là nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, theo đó sẽ thực hiện một số giải pháp như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý trong hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm hạn chế những rủi ro, thách thức từ bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0…

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng các sản phẩm số; tăng cường tích hợp, kết nối với các bộ, ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số; nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.

Song song đó, ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số vào hoạt động ngân hàng; ưu tiên phát triển ngân hàng theo mô hình ngân hàng số, trong đó lấy thanh toán số làm cửa ngõ để kết nối liền mạch với các dịch vụ ngân hàng khác như huy động, cho vay, đầu tư, bảo hiểm... và giao tiếp thuận tiện với các hệ sinh thái số bên ngoài nhằm cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, tiện lợi, cá nhân hóa với chi phí hợp lý và sự tường minh. Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp người lao động ngành Ngân hàng được trang bị những kỹ năng, phát triển năng lực thích ứng với bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0…