Nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng: Cần thêm giải pháp quản lý nợ xấu

Minh Khôi

Thống kê từ số nợ xấu của nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam vừa công bố công khai trên các báo cáo tài chính quý I/2019 cho thấy, tổng số nợ xấu nội bảng của 22 ngân hàng đến hết tháng 3/2019 là hơn 84.200 tỷ đồng, tăng hơn 4.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Diễn biến này đòi hỏi cần tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý nhằm giảm thiểu nợ xấu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thống kê từ 22 NHTM cho thấy, tính đến cuối quý I/2019, tổng số nợ xấu đã tăng 5,9% so với thời điểm hết năm 2018. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của 22 ngân hàng này ở mức thấp hơn, chỉ đạt 3,46%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của những ngân hàng này nói chung tăng từ mức 1,62% lên 1,66%. Số NHTM có nợ xấu tăng vẫn chiếm đa số, có tới 15 trong 22 ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối tăng so với thời điểm đầu năm, xét về tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay thì cũng có 14 trong số 22 NHTM tăng.

VietinBank là NHTM có xấu tăng mạnh nhất trong 3 tháng đầu năm, tăng tới 2.272 tỷ đồng, lên mức 15.963 tỷ dồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 và nợ nhóm 5. So với cách đó 1 năm, tổng số nợ xấu của VietinBank đã tăng hơn 5.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ xấu của VietinBank tăng mạnh trong khi dư nợ tín dụng liên tục sụt giảm 2 quý liên tiếp. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của VietinBank theo đó cũng tăng từ 1,58% lên mức 1,85%. Nợ có khả năng mất vốn đang chiếm tới hơn 65% tổng số nợ xấu của ngân hàng này...

Các NHTM quy mô lớn khác như: Sacombank, MBBank, Techcombank, SHB… cũng có số nợ xấu tăng trong quý I/2019. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở những NHTM này lần lượt là 2,14%; 1,41%; 1,78% và 2,4%. Phân tích từ số liệu trong báo cáo tài chính hết quý I/2019 của các NHTM công bố công khai cũng cho thấy, nợ xấu nội bảng tại OCB cuối tháng 3/2019 là 1.721 tỷ đồng, tăng 33,6% so với đầu năm; còn tại TPBank là 1.175 tỷ đồng, tăng 36,5%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của OCB tăng từ 2,29% lên 2,82%; của TPBank tăng từ 1,12% lên 1,39%.

Mặc dù đã có sự chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu trong 3 tháng đầu năm với những tín hiệu tích cực từ BIDV, Eximbank, HDBank, ACB, SeABank, BaoVietBank, NamABank... tuy nhiên, số NHTM có nợ xấu tăng vẫn đông hơn các NHTM có tỷ lệ nợ xấu giảm.

Trong bối cảnh đó, nhằm tiếp tục công tác xử lý nợ xấu tại các NHTM, theo các chuyên gia, các NHTM cần tập trung nhiều vào hoạt động nhận biết nợ xấu trước khi nợ xấu xảy ra hay nói cách khác các ngân hàng phải xây dựng được hệ thống cảnh báo sớm đối với các khoản vay có vấn đề. Để làm được điều này, ngân hàng phải thực hiện giám sát chặt chẽ với khách hàng vay vốn, yêu cầu gửi báo cáo thường xuyên và kiểm soát dòng tiền ra vào của các khách hàng vay vốn. Đồng thời, nâng cao chất lượng thẩm định cho vay, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị rủi ro tín dụng. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán nội bộ; phát triển và quản lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ ngân hàng, đặc biệt là nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng, luôn là yếu tố quan trọng để hạn chế và quản lý tốt nợ xấu.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục minh bạch nợ xấu và tuân thủ các tiêu chuẩn xác định nợ xấu. Nợ xấu cần phải được ghi nhận đầy đủ và kịp thời, phải được phân loại chính xác, từ đó xác định biện pháp và mục đích quản lý và xử lý nợ xấu phù hợp. Đồng thời, để ngăn chặn tình trạng nợ xấu phát sinh, ngoài sự chủ động của chính các NHTM, cơ quan quản lý cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, qua đó có thể cảnh báo hoặc xử lý các vấn đề phát sinh, tránh tình trạng ảnh hưởng đến sự ổn định, an ninh của hệ thống NHTM.

Ngoài ra, cần lựa chọn mô hình xử lý nợ xấu phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng ngân hàng. Trong việc xử lý nợ xấu quá hạn, hầu hết các NHTM nói chung đều lựa chọn mô hình xử lý nợ tập trung. Mô hình quản lý nợ xấu tập trung có nhiều ưu điểm hơn mô hình quản lý phân tán khi mô hình quản lý phân tán chưa có sự tách biệt giữa ba chức năng (quản lý rủi ro, kinh doanh và tác nghiệp); hoạt động tín dụng và quản lý nợ xấu được thực hiện độc lập giữa các chi nhánh, mặc dù mô hình này gọn nhẹ, đơn giản, nhưng thiếu tính chuyên môn hóa, các chính sách không theo sát với tình hình thực tế của ngân hàng. Việc lựa chọn mô hình quản lý nợ nào phải phù hợp với mỗi điều kiện của ngân hàng, nhưng khuyến nghị nên xử lý nợ theo hướng tập trung.