Xử lý nợ xấu vẫn chưa thật thông suốt
Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính...
Nợ xấu giảm chưa đồng đều
Trong báo cáo mới đây gửi tới các đại biểu Quốc hội, NHNN Việt Nam cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 giảm về mức 2,02%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016.
Nhiều ngân hàng cũng xử lý nợ xấu khá tốt. Điển hình như ACB, sau nhiều năm mạnh tay trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu phát sinh từ giai đoạn trước, đến nay ACB đã thu quả ngọt với tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhất toàn hệ thống. Theo đó, giá trị nợ xấu của ACB tại thời điểm cuối quý I/2019 chỉ là 1.623 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu cũng giảm xuống còn 0,68% từ mức 0,73% tại thời điểm cuối năm 2018. Cái tên đáng chú ý thứ hai chính là Vietcombank. Sau khi hoàn tất mua lại nợ xấu từ VAMC về để tự xử lý, Vietcombank đã khép lại năm 2018 với tỷ lệ xấu là 0,97%.
Số liệu thống kê cho thấy, hiện đã có 5 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC, bao gồm Vietcombank, MBBank, Techcombank, OCB và VIB. Ngoài ra, còn có một số ngân hàng có ý định tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt của VAMC trong năm 2019 như VPBank, TPBank, KienLongBank...
Lãnh đạo một NHTM cho biết để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức thấp như hiện tại ngân hàng sử dụng nhiều biện pháp như kiện toàn bộ máy nhân sự tham gia công tác xử lý nợ; thống nhất phương thức quản lý và xử lý nợ xấu trong hệ thống như nâng cao chất lượng thẩm định; kiên quyết không cạnh tranh cho vay bằng cách hạ chuẩn tín dụng. Đặc biệt, không thể không nói tới vai trò của Nghị quyết 42 đã hỗ trợ tích cực cho các TCTD trong việc thu hồi nợ và đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.
Theo đó, lũy kế từ 15/8/2017 (là thời điểm Nghị quyết 42 chính thức có hiệu lực thi hành) đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117,8 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của Phó tổng giám đốc VietinBank Nguyễn Đình Vinh, việc thu hồi xử lý tài sản của ngân hàng vẫn gặp khó khăn. “Trong thời kỳ Nghị quyết 42 mới ban hành, nhiều con nợ khá sợ nên hợp tác bàn giao tài sản cho ngân hàng. Nhưng sau này hiện tượng khách hàng chây ì ngày càng nhiều khiến ngân hàng không thu giữ được tài sản. Khi không thu giữ được thì ngân hàng phải quay lại giải pháp cuối cùng là thi hành án. Mà giải pháp này mất rất nhiều thời gian mới thu hồi được”, ông Vinh cho biết.
Cũng rơi vào tình cảnh trên, đại diện BIDV chia sẻ, đối với Nghị quyết 42, vướng nhất là thu giữ tài sản. Nếu bên bảo đảm không thiện chí thì ngân hàng không thể nào thu giữ được vì không có chế tài. Bất cập nữa gây khó khăn cho hoạt động xử lý nợ xấu được lãnh đạo BIDV cho biết thêm là có hiện tượng DN vướng nợ xấu, lại thành lập DN khác hoạt động kinh doanh như bình thường. Trong khi đó ngân hàng không có chế tài gì để xử lý số tài sản của DN có nợ xấu này. Vì vậy, ngân hàng này kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét có chế tài xử lý với chủ DN, khi đại diện pháp luật có nợ xấu sẽ bị hạn chế trong hoạt động kinh doanh.
Thu giữ tài sản vẫn là điểm nghẽn
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội của NHNN cũng đề cập tới những khó khăn trong hoạt động xử lý nợ xấu. Báo cáo nêu rõ, việc xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính.
Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và TSBĐ của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn TSBĐ cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh. Ngay cả giải pháp được kỳ vọng sẽ xử lý dứt điểm nợ xấu như mua bán nợ theo giá thị trường cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Việc phát triển thị trường mua, bán nợ không thuận lợi do: xác định giá trị khoản nợ làm căn cứ để bên mua, bán nợ tham khảo. Việc thẩm định giá khoản nợ đang được các tổ chức thẩm định giá thực hiện chưa theo quy chuẩn thống nhất do có sự khác biệt về phương pháp, tiêu chí định giá giữa các tổ chức thẩm định giá. Điều này gây khó khăn cho bên mua, bên bán khoản nợ trong việc lựa chọn giá tham khảo phù hợp cho giao dịch mua, bán nợ.
Sau khi mua các khoản nợ, bên mua nợ thực hiện quản lý, khai thác và vận hành TSBĐ cũng như rủi ro thanh khoản liên quan tới các TSBĐ này. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng hoặc ủy thác quản lý các khoản nợ này còn khó khăn vì chưa có thị trường nợ thứ cấp. Tương tự, hiện tại chưa có các hoạt động phái sinh như nghiệp vụ chứng khoán hóa tài sản, chứng khoán hóa nợ thường và nợ xấu. Điều này dẫn đến thanh khoản của các khoản nợ rất thấp, làm giảm mức độ hấp dẫn của các khoản nợ đã mua.
Trước những bất cập hiện tại, nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án 1058, NHNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao quá trình triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt đối với các đề xuất của NHNN về phương án xử lý các TCTD yếu kém.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực cho quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của các TCTD, NHNN kiến nghị Bộ Tài chính này tiếp tục đẩy mạnh triển khai giải pháp về xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước trung ương, địa phương và nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu cho vay theo các chương trình dự án, chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh...
Liên quan đến công tác xử lý tài sản, NHNN đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng Cục Thi hành án dân sự rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý TSĐB thu hồi nợ. Để đảm bảo Nghị quyết số 42 được triển khai có hiệu quả, NHNN kiến nghị Quốc hội xem xét, chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao sớm có văn bản gửi Toà án các địa phương yêu cầu các đơn vị này ưu tiên áp dụng các thủ tục rút gọn được quy định tại Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP khi giải quyết các vụ án liên quan đến xử lý nợ xấu.
“Có thể tiến hành xét xử điểm 1 vụ án theo thủ tục rút gọn. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm để triển khai nhân rộng trong toàn hệ thống ngành Tòa án và bổ sung xây dựng cơ chế chính sách được hoàn chỉnh hơn...”, là đề xuất của NHNN tại báo cáo gửi đến Quốc hội.