Nợ xấu và VAMC

Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn

Những hoạt động của VAMC (Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) trong những năm qua đã ít nhiều có những tác dụng nhất định như mục tiêu ban đầu đặt ra. Trong bối cảnh nợ xấu tuy giảm nhưng vẫn còn khá lớn và nợ xấu mới có thể gia tăng, thì kế hoạch mới đây của VAMC được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ ổn định cho hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Ngày 27/6/2013, VAMC được thành lập và đi vào hoạt động một tháng sau đó.
Ngày 27/6/2013, VAMC được thành lập và đi vào hoạt động một tháng sau đó.

Nợ xấu giảm nhờ VAMC?

Ngày 27/6/2013, VAMC được thành lập và đi vào hoạt động một tháng sau đó. Sự ra đời của tổ chức này giữa lúc hệ thống ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh, với tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 6/2013 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố là 4,46%. Tuy nhiên, theo ước tính của Fitch Ratings Inc. - một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng uy tín trên thế giới thì tỷ lệ nợ xấu thực tế của Việt Nam cao hơn nhiều, ít nhất là gấp 4 lần con số mà NHNN công bố.

Sau khi mua lại khoản nợ xấu đầu tiên vào ngày 1/10/2013, VAMC đã tích cực mua hàng chục nghìn tỷ đồng nợ xấu mỗi năm và thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) - một công cụ được xem là đột phá giúp tổ chức này đủ sức vận hành với mức vốn điều lệ khiêm tốn. Về phần mình, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng đẩy mạnh “nhốt” nợ xấu vào “lồng” VAMC để làm đẹp sổ sách, giúp kéo tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng về mức an toàn dưới 3% vào cuối năm 2015 và duy trì dưới mức này kể từ đó đến nay.

Về cơ bản, khi phát sinh nợ xấu, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ xấu này với tỷ lệ 20%, 50% và 100% - tương ứng với nhóm nợ 3, 4 và 5, ảnh hưởng rất lớn lên kết quả kinh doanh của các ngân hàng và có thể đẩy không ít TCTD ghi nhận lỗ trong năm. Nhưng với việc bán nợ xấu sang VMAC và nhận về TPĐB, giờ đây các nhà băng được phép trích lập dự phòng 20% mỗi năm cho lượng trái phiếu nhận về, từ đó có thêm thời gian tìm cách xử lý, thu hồi nợ xấu, nên rõ ràng không TCTD nào từ chối cơ hội chuyển nợ xấu sang VAMC “giữ dùm”.

Tuy nhiên, trách nhiệm thu hồi nợ xấu đã bán này thực tế vẫn nằm trong tay các TCTD, khi vai trò của VAMC ít nhiều bị hạn chế và cũng không có nhiều động lực để thực hiện. Số liệu báo cáo cho thấy số nợ thu hồi được qua mỗi năm là rất khiêm tốn so với lượng nợ VAMC mua vào, cụ thể lũy kế từ năm 2013 cho đến cuối năm 2018 vừa qua, VAMC đã mua tổng cộng 338.800 tỷ đồng nợ xấu thanh toán bằng TPĐB, nhưng số thu hồi nợ chỉ đạt 115,6 tỷ đồng, tương ứng 34,1%.

Dù vậy, “bài thuốc” mang tên VAMC cũng có những hiệu quả nhất định. Báo cáo từ NHNN gần đây cho thấy, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3 năm nay, hệ thống đã xử lý 907.300 tỷ đồng nợ xấu, riêng năm ngoái xử lý 163.140 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu về 2,02%. Số lượng nợ xấu xử lý lớn như trên chiếm không nhỏ là lượng nợ xấu đã bán cho VAMC.

Nếu tính chung tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn hiện ở mức 5,88%, giảm so với mức 10,08% cuối năm 2016 và 7,36% cuối năm 2017. Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, báo cáo từ các tổ chức tín dụng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ mức 2,5% vào cuối năm 2017 xuống mức 2,4% vào cuối 2018.

Việc “tạm nhốt” nợ xấu tại VAMC đã giúp nhiều TCTD có thêm thời gian để tích tụ tài chính, cũng như tập trung nguồn lực xử lý những khoản nợ có vấn đề khác cấp thiết hơn. Kết quả là sau vài năm kinh doanh hiệu quả trở lại, không ít ngân hàng đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC hoặc đủ sức trích lập 100% dự phòng và tất toán TPĐB với VAMC.

Con đường mới

Sau 6 năm ra đời, VAMC mới đây đã đưa ra mục tiêu khá tham vọng cho giai đoạn 5 năm kế tiếp, trong đó gồm hoàn thành việc xử lý nợ xấu đã mua bằng TPĐB, đẩy mạnh mua, bán xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường mở, thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ xấu, trong đó VAMC đóng vai trò trung tâm.

Cụ thể, giai đoạn 2020-2023, VAMC dự kiến thanh toán lượng trái phiếu đặc biệt trị giá 95.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là tổ chức này cũng sẽ tiếp tục mua nợ xấu bằng TPĐB đối với những TCTD yếu kém có thể gây rủi ro cho hệ thống và các TCTD có nợ xấu lớn hơn 3%, tạo điều kiện cho các ngân hàng này cân đối được sổ sách và tranh thủ thêm thời gian phục hồi.

Song song đó, VAMC sẽ tập trung mua nợ xấu theo giá thị trường, đặc biệt đẩy mạnh từ năm 2021. Trước đó, VAMC đã mua khoản nợ xấu theo giá thị trường vào tháng 8/2017, và giá trị mua trong giai đoạn 2017-2018 là 5.960 tỷ đồng. Kế hoạch mới đây đặt ra sẽ mua 32.900 tỷ đồng nợ xấu theo giá thị trường trong giai đoạn 2019-2022.

Nếu như việc xử lý, thu hồi nợ xấu mua bằng TPĐB gặp nhiều khó khăn, thì việc thu hồi nợ mua theo giá thị trường cho kết quả khả quan hơn. Như trong hai năm 2017-2018, tỷ lệ thu hồi nợ xấu mua theo giá thị trường đạt được gần 60%, còn kế hoạch trong các năm tới đặt ra ở mức cao, đến 80%. Với các giải pháp xử lý nợ xấu đột phá từ Nghị quyết 42, có vẻ như VAMC khá tự tin với vai trò chủ động xử lý nợ xấu trong giai đoạn kế tiếp, bởi vì nợ xấu một khi đã mua theo giá thị trường thì trách nhiệm thu hồi chính sẽ thuộc về tổ chức này chứ không phải thuộc về các TCTD như khi mua bằng TPĐB.

Kế hoạch thiết lập, vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu, trong đó VAMC là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ xấu, cũng có thể giúp tiến độ xử lý các khoản nợ xấu nhanh hơn so với trước đây. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài gần đây đổ vào mạnh mẽ, sàn giao dịch nợ xấu có thể thu hút thêm nhiều người mua, khi mà không ít tổ chức quốc tế quan tâm đến việc mua lại tài sản hay nợ xấu từ các tổ chức trong nước.

Để thực hiện được những mục tiêu đề ra, ngoài việc trình Thủ tướng Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp tăng từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019 và 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2021 thì VAMC cũng lên kế hoạch huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, phát hành trái phiếu VAMC để mua nợ theo giá thị trường; Hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu.

Việc “tạm nhốt” nợ xấu tại VAMC đã giúp nhiều TCTD có thêm thời gian để tích tụ tài chính, cũng như tập trung nguồn lực xử lý những khoản nợ có vấn đề khác cấp thiết hơn. Kết quả là sau vài năm kinh doanh hiệu quả trở lại, không ít ngân hàng đã mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC, hoặc đủ sức trích lập 100% dự phòng và tất toán TPĐB với VAMC.