Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến nguồn nhân lực lĩnh vực tài chính - ngân hàng


Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã, đang tác động mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực trên toàn cầu. Lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Cuộc đổ bộ của công nghệ mới vào lĩnh vực tài chính ngân hàng đã tạo ra những đột phá trong lĩnh vực này cả về quy mô và tính hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên cuộc CMCN 4.0 cũng đang cho thấy những tác động rất lớn đến đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trong khi rất nhiều vị trí việc làm sẽ được thay bằng máy móc thì cũng nhiều công việc mới được tạo ra. Bài viết đánh giá tác động của cuộc CMCN 4.0 đến đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trên thế giới và đưa ra một số đề xuất đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng của nước ta.

Xu hướng áp dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Từ đầu những thập niên 1990 đến nay, công nghệ số đã liên tục phát triển, phản ánh tính chất cách mạng to lớn của các công nghệ mới và sự ứng dụng của chúng đối với các tập đoàn, công ty, người tiêu dùng cũng như chính phủ các quốc gia.

Sự phát triển của công nghệ thông tin và hạ tầng kỹ thuật, công nghệ là nhân tố chính - cụ thể là mạng Internet và sự lan tỏa của các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số đến khắp nơi trên thế giới đã thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng tại nhiều lĩnh vực. Công nghệ số có thể được gắn với sự ứng dụng ngày càng tăng các công nghệ mới như robot tự động, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing), phân tích dữ liệu lớn (Big data analytic) và công nghệ in 3D.

Lĩnh vực tài chính – ngân hàng là một trong các lĩnh vực đón nhận nhiều cơ hội mới cũng như chịu tác động được từ các rủi ro tiềm ẩn của xu hướng này. Đây là lĩnh vực tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ mới, đồng thời là lĩnh vực chịu áp lực cạnh tranh cao nếu tụt hậu về mặt công nghệ. Công nghệ số đã và đang chuyển đổi lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở các khía cạnh sau:

Một là, dữ liệu là trung tâm: Dữ liệu sẽ thay đổi bản chất của toàn bộ các dịch vụ tài chính ngân hàng. Các doanh nghiệp tương lai với mô hình định hướng dữ liệu sẽ xây dựng nên góc nhìn toàn cảnh 360 độ về khách hàng để tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ cũng như tuân thủ pháp lý của mình.

Hai là, thay đổi phương thức, mô hình kinh doanh: Các ngân hàng và công ty công nghệ tài chính dần ứng dụng trí tuệ nhân tạo kết hợp với khoa học dữ liệu để thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang các mô hình mới nhạy bén, linh hoạt hơn.

Ba là, tăng cường cơ hội phát triển đột phá từ công nghệ: Những tổ chức đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển công nghệ và tận dụng được sức mạnh của dữ liệu sẽ có khả năng vượt trội hơn các tổ chức truyền thống.

Bốn là, thay đổi trong chính sách pháp lý: Tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý phải thay đổi cách tiếp cận theo hướng từ quản lý thận trọng, đảm bảo tuân thủ quy định, luật lệ sang thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ người tiêu dùng, xây dựng chính sách theo hướng cởi mở, thích ứng với môi trường, hoàn cảnh thay đổi nhanh chóng của kỷ nguyên 4.0.

Cuộc CMCN 4.0 cũng đang bắt đầu diễn ra trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam. Trong đó đi đầu là lĩnh vực ngân hàng với quá trình số hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở các ngân hàng thương mại. Việc các công nghệ mới đang bắt đầu được áp dụng trong lĩnh vực tài chính- ngân hàng một mặt cho thấy sự theo kịp của lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam so với thế giới nhưng mặc khác cũng đang đặt ra những vấn đề về mặt nhân sự cho ngành tài chính – ngân hàng nước ta.

Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến nhân lực trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trên thế giới

Sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy học, cũng như các công nghệ mới sẽ thay thế con người trong nhiều hoạt động của lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Theo báo cáo của Earn& Young (2018), trong 2-3 năm tới, máy móc sẽ có khả năng thực hiện khoảng 30% công việc tại các ngân hàng hiện nay. Sự thông minh hơn của hệ thống công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ dẫn tới một số tác động đối với đội ngũ nhân sự trong lĩnh vực này.

Thứ nhất, tác động đầu tiên phải kể đến đó là số lượng việc làm trong lĩnh vực này sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới.

Mỹ sẽ có khoảng 2,5 triệu việc làm trong lĩnh vực tài chính bị cắt giảm do áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trong đó 70% các công việc trực tiếp với khách hàng bao gồm: giao dịch viên, đại diện chăm sóc khách hàng và  nhân viên phỏng vấn khách hàng có thể sẽ bị cắt giảm nhờ áp dụng công nghệ chatbot, trợ lý giọng nói, xác thực tự động và công nghệ sinh trắc học. Bên cạnh đó, sẽ có khoảng 96.000 nhà quản lý tài chính và 13.000 nhân viên giám sát tuân thủ sẽ bị sa thải vì phần mềm chống rửa tiền, chống gian lận, tuân thủ và giám sát dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Việc ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng cũng sẽ làm cho một số vị trí việc làm biến mất. Trong báo cáo 2018, Bộ Lao động Mỹ đã đưa ra danh sách 20 việc làm sẽ biến mất do kết quả của công nghệ trong đó nghề giao dịch viên ngân hàng.

Thứ hai, mặc dù việc ứng dụng công nghệ mới làm số lượng việc làm trong ngành giảm đi cũng như làm cho một số vị trí sẽ biến mất nhưng quá trình này cũng làm xuất hiện những vị trí việc làm mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang tạo ra số lượng lớn việc làm liên quan đến công nghệ bao gồm: phát triển công nghệ, vận hành và ứng dụng công nghệ trong các mảng về kỹ thuật, hoạt động và kinh doanh tài chính - ngân hàng. Còn theo báo cáo của HSBC (2018), sẽ có 6 công việc mới  xuất hiện mà các ngân hàng  sẽ có nhu cầu rất cao trong vài năm tới bao gồm: Thiết kế trải nghiệm hỗn hợp,  thuật toán máy, thiết kế giao diện đàm thoại, cố vấn dịch vụ toàn cầu, kỹ sư xử lý kỹ thuật số, kết nối cổng đối tác.

Trong khi các công việc đòi hỏi ít kỹ năng đang dần bị thay thế thì cũng có khá nhiều công việc mới đòi hỏi các kỹ năng liên quan đến công nghệ đang được tuyển dụng càng nhiều trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.  Điều này phải ánh đúng xu thế số hóa trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, đây cũng được coi là yếu tố cốt lõi cho sự tăng trưởng và phát triển trong tương lai của lĩnh vực này

Thứ ba, CMCN 4.0 đang làm thay đổi chiến lược tuyển dụng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Thực tế cho thấy, hiện nay, các công ty trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng đang chuyển hướng sang tuyển dụng nhiều nhân sự có chuyên môn về công nghệ hơn để phục vu cho quá trình hiện đại hóa của mình. Bên cạnh việc ứng dụng các công nghệ mới cũng đang đặt các ngân hàng trước vấn đề về giải quyết lao động dư thừa và đào tạo lại nhân viên. 

Một số đề xuất, kiến nghị

Để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ngành tài chính – ngân hàng nước ta trong thời đại CMCN 4.0, thời gian tới cần chú trọng một số nhóm giải pháp sau:

Đối với hệ thống giáo dục đào tạo

Trước thay đổi trong nhu cầu tuyển dụng của lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các cơ sở giáo dục cần rà soát nội dung chương trình, mô hình đào tạo và phương pháp đào tạo. Nội dung chương trình nên được thiết kế theo hướng mở và linh hoạt; Cần giảm bớt các môn học mang tính hàn lâm, tăng tính ứng dụng, điều chỉnh chương trình giảng dạy theo hướng chú trọng tới đào tạo liên ngành, như bổ sung và đào tạo chuyên sâu các ngành công nghệ tài chính, ngân hàng số, thương mại điện tử, quản trị công nghệ thông tin… qua đó, phát triển nguồn nhân lực đa năng, có đủ kiến thức cần thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ ngân hàng hiện đại. 

Về mô hình đào tạo, nên kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai hình thức: đào tạo trực tiếp và đào tạo trực tuyến. Theo đó, hoạt động dạy và học diễn ra mọi lúc, mọi nơi, giúp người học có thể cá nhân hóa, hoàn toàn quyết định việc học tập theo nhu cầu của bản thân.

Về phương pháp đào tạo, nên gắn kết giữa lý thuyết và thực hành, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo từ trải nghiệm thực tế. Đây là giải pháp quan trọng để tạo ra những con người có thể đáp ứng yêu cầu của công việc trong thời kỳ CMCN 4.0. Các cơ sở đào tạo nên đẩy mạnh hợp tác với các ngân hàng nhằm xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với nhu cầu thị trường...

Về phía người lao động

Tại một số nền kinh tế tiêu biểu như Mỹ, Anh, Đức, ứng dụng máy móc và tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm biến mất hàng ngàn công việc ngành tài chính, ngân hàng (Earn & Young, 2018) nhưng tại Việt Nam, trên thực tế, thị trường nhân lực trong lĩnh vực này vẫn đang phát triển tương đối sôi động, nhờ kế hoạch tăng trưởng quy mô của các ngân hàng và sự đa dạng của các loại hình, dịch vụ tài chính.

Cơ hội gia nhập lĩnh vực tài chính - ngân hàng vẫn còn tương đối rộng mở, nhưng để bám trụ và thăng tiến trong 5 đến 10 năm nữa, hay thậm chí xa hơn, khi mô hình ngân hàng truyền thống được thay đổi hoàn toàn, người lao động buộc phải nâng cao trình độ, đa dạng hóa kỹ năng của bản thân, trang bị phẩm chất mà máy móc không thể thay thế, cũng như liên tục cập nhật và nắm bắt các xu hướng mới.

Ngoài khả năng làm chủ công nghệ, ngân hàng sẽ ngày một chú trọng tới tư duy toàn cầu, năng lực sáng tạo, sự nhạy bén và khả năng thích nghi linh hoạt của ứng viên trước sự thay đổi. Ngoài chuyên môn, phẩm chất và kỹ năng mềm sẽ là cơ hội để tăng lợi thế cạnh tranh, giúp nhân sự ngành tài chính - ngân hàng trở nên “hấp dẫn” trên thị trường lao động.

Về phía các cơ quan quản lý

Cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Tài chính - Ngân hàng, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao; tăng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Việc đào tạo, quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực công nghệ cao được thực hiện trên toàn hệ thống tài chính.

Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính cần được chú trọng để có đội ngũ cán bộ trình độ nghiệp vụ giỏi, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, liên kết đào tạo nâng cao trình độ, khảo sát công nghệ hiện đại trong nước và quốc tế, thực hiện các chế độ đãi ngộ chuyên gia. Các cán bộ nghiệp vụ của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần được đào tạo đảm bảo đủ khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương thức làm việc tiên tiến, có năng lực đề xuất, tham mưu xây dựng chiến lược, định hướng, chính sách, chế độ, thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với những đòi hỏi của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.         

 Tài liệu tham khảo:

1. Chan. C (2018), Wall Street’s biggest bank hres more than just business majors. [online] Bloomberg. Available at https://www.bloomberg.com/news/articles/2018-03-28/wall-street-s-biggest-bank-hires-more-than-just-business-majors;

2. Crosman, P. (2018), How artificial intelligence is reshaping jobs in banking. [online] American Banker. Available at: https://www.americanbanker.com/news/how-artificial-intelligence-is-reshaping-jobs-in-banking ;

3. Earn&Young (2018a), The future of talent in banking: workforce evolution in the digital era Bank Governance Leadership Network. [online] Earn&Young. Earn&Young. Available at: https://www.ey.com/Publication/vwLUAssets/ey-the-future-of-talent-in-banking/$FILE/ey-the-future-of-talent-in-banking.pdf;

4. HSBC (2018), The most important intelligence isn’t artificial…. [online] HSBC. Available at: https://www.hsbc.com/media/media-releases/2018/hsbc-human-advantage ;

5. Mahdawi, A. (2017), What jobs will still be around in 20 years? Read this to prepare your future. [online] the Guardian. Available at: https://www.theguardian.com/us-news/2017/jun/26/jobs-future-automation-robots-skills-creative-health].

(*) ThS. Phạm Thị Lâm Anh - Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.