Thấy gì từ "làn sóng" nhà băng ra mắt ngân hàng số

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi đáng kể nhận thức và thói quen của nhiều người trong giao dịch trên nền tảng số, việc phát triển ngân hàng số hiện nay càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết nếu như các ngân hàng không muốn bị tụt hậu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện khoảng 94% ngân hàng đã bước đầu triển khai hoặc xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, khoảng 59% đang áp dụng chuyển đổi thông qua các nền tảng tự phát triển hoặc bắt tay với một số công ty fintech.

Cuộc đua giành thị phần 

Đại diện ABBank nhận định, xu hướng người dùng chuyển sang mua sắm, tiêu dùng trực tuyến đã không còn là dự đoán mà đang trở thành một thực tế. Đáng chú ý, việc áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt đang dần phổ biến hơn vì người dùng ưu tiên cho sự nhanh chóng, tự do và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp.

"Để bắt kịp nhu cầu của người dùng thì các ngân hàng phải có sự đầu tư đủ sâu vào năng lực lõi và nhanh chóng phát triển nền tảng số hoá", vị đại diện nói.

Trên thực tế, ứng dụng ngân hàng số đang thực sự trở thành một "làn sóng" ở các ngân hàng. Đơn cử, ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa chính thức ra mắt ứng dụng ngân hàng số SeAMobile phiên bản dành riêng cho phái đẹp – SeALady. Theo đó, mọi giao dịch trên SeAMobile nói chung và phiên bản SeALady được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện như chuyển tiền nhanh 24/7, chuyển tiền không cần nhớ số tài khoản (khách hàng có thể thực hiện chuyển tiền cho người hưởng thông qua số điện thoại hoặc mã QR), thanh toán các loại hóa đơn, nạp tiền nhiều loại dịch vụ, giao dịch nhanh… 

LienVietPostBank vừa ra mắt mắt ứng dụng ngân hàng số LienViet24h. Đại diện ngân hàng cho biết, LienViet24 là bước đi quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu trở thành “ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam” của ngân hàng.

Các ngân hàng thương mại nhà nước cũng không nằm ngoài cuộc đua. Giữa tháng 8 vừa qua, BIDV cũng tổ chức Lễ phát động Chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng, với chủ đề “BIDV Digi Up - Thay đổi đổi để dẫn đầu”.

Trước nữa, hồi giữa tháng 7, một “ông lớn” khác là Vietcombank chính thức cho ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank. Dịch vụ này Vietcombank được xây dựng dựa trên việc hợp nhất các nền tảng giao dịch riêng rẽ trên Internet Banking và Mobile Banking, cung cấp các trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử như máy tính (PC/Laptop) và thiết bị di động (điện thoại/tablet).

Gia tăng thị phần

Số liệu thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, Việt Nam hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng, song mới chỉ có 63,7% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ở ngân hàng. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam là rất cao. Vì vậy, tiềm năng cho các ngân hàng phát triển nền tảng số vì khách hàng là rất lớn. Cũng sẽ không khó hiểu khi gần đây tỉ lệ người dùng dịch vụ ngân hàng số ở các ngân hàng tăng "chóng mặt".

Đơn cử, trong một báo cáo của ngân hàng TPBank cho thấy, lượng người dùng dịch vụ ngân hàng số của ngân hàng đã tăng gấp đôi trong ba năm qua, trung bình hơn 30% mỗi năm. Tỷ lệ số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số trên tổng giao dịch của TPBank đã tăng từ 72% cuối năm 2018 lên 83% ở thời điểm cuối tháng 6/2020.

Tương tự, tại HDBank, chỉ sau 1 tháng triển khai kể từ ngày 1/8/2020, phương thức xác thực eKYC trên App HDBank đã thu hút gần 15.000 khách hàng đăng ký.

Bên cạnh đó, việc gia tăng số hóa ngân hàng còn giúp giảm bớt tầm quan trọng của mạng lưới chi nhánh, trong khi đẩy mạnh vai trò các sản phẩm tài chính đa dạng nhằm thu hút huy động, đặc biệt là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) từ phân khúc bán lẻ.

Có thể thấy, trong cuộc đua khốc liệt này, cụm từ “ngân hàng số 1”, “ngân hàng hàng đầu” thường xuyên được các nhà băng đưa ra như đích đến của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, vị trí cao nhất thì chỉ có một. Trong một cuộc đua sẽ có người thắng, kẻ thua, người đến trước, kẻ đến sau. Việc định vị cho mình một hướng đi phù hợp là vô cùng quan trọng.

Theo ông Dương Trọng Trữ, giám đốc Ngân hàng số LienVietPostBank, ngân hàng số ở Việt Nam hiện vẫn đang ở giai đoạn khởi động. Sẽ có những chuyển đổi thành công và cả chuyển đổi không thành công, việc phát triển sẽ đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và nhiều điều chỉnh.

Bên cạnh đó, nó còn liên quan đến định hướng chiến lược dài hạn, khả năng chuyển đổi, sự tương tác về công nghệ, cũng như những cam kết lâu dài của người đứng đầu ngân hàng. 

Nhận định về "làn sóng" ngân hàng số hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho rằng: "Các ngân hàng chuyển đổi số là vì khách hàng. Khách hàng ngày nay đòi hỏi cao hơn, chỉ thích giao dịch ngân hàng số". 

Trong xu hướng chuyển đổi đó, TS. Cấn Văn Lực nhận xét, sự phân hóa mạnh về tiến độ chuyển đổi số giữa các ngân hàng là điều bình thường vì phụ thuộc vào mức độ phát triển cũng như chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng, năng lực của họ. Nhiều ngân hàng muốn số hóa nhanh nhưng còn phải có năng lực về tài chính, nhân lực. Những định chế tài chính đi đầu, đi nhanh sẽ có lợi thế lâu dài trong cuộc đua số hóa. Nhưng trong bối cảnh kinh tế số hiện nay, vấn đề không nằm ở quy mô mà vấn đề là ai có tốc độ triển khai nhanh hơn. 

"Trên thực tế, nhiều ngân hàng nhỏ, ngân hàng quy mô vừa cũng rất nhanh chân trong cuộc đua ấy, một số còn rất chủ động đi đầu", ông Lực nhấn mạnh.