Thách thức nào đặt ra trong phát triển ngân hàng số tại Việt Nam?


Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), xu hướng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính đã, đang diễn ra mạnh mẽ và mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong bối cảnh CMCN 4.0, Việt Nam đã, đang tích cực đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet tại Việt Nam năm 2019 đạt hơn 200 triệu lượt, với doanh số trị giá hơn 10 triệu tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020 con số này đạt trên 104 triệu lượt giao dịch, với doanh số đạt 5,2 triệu tỷ đồng.

Đến nay, tại Việt Nam có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu lượt và doanh số hơn 10 triệu tỷ đồng mỗi năm. Điều này cho thấy, TTKDTM đang phát triển mạnh mẽ và phổ biến ở nước ta.

Bên cạnh đó, có 26 tổ chức không phải là ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay, vé xe, bảo hiểm…

Cả nước hiện có 50 NHTM ký kết triển khai dịch vụ thu thuế điện tử trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 NHTM ký kết với các công ty điện lực thực hiện dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 NHTM triển khai dịch vụ thu tiền nước sạch tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 12 NHTM triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường Đại học; 8 NHTM triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các bệnh viện lớn; 6 NHTM phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Dù việc phát triển ngân hàng số ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. CMCN 4.0 và xu hướng phát triển công nghệ tài chính (Fintech) đang đặt ra không ít thách thức đối với hệ thống ngân hàng trong cạnh tranh thu hút khách hàng, mở rộng thị phần, đặc biệt là trong các giao dịch cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng, quản lý tài chính, quản lý danh mục đầu tư… trong bối cảnh đó là nếu các NHTM không tiếp tục chủ động ứng dụng công nghệ mới, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại sẽ bị mất thị phần, mất khách hàng.

Với những tiến bộ công nghệ như hiện nay, dự báo trong thời gian tới sẽ xuất hiện thêm các sản phẩm và ứng dụng trong dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Thế nhưng, hiện nay, tại Việt Nam nhiều NHTM vẫn đang cố gắng phát triển thị trường thẻ. Vì vậy, các NHTM Việt Nam cần nhanh chóng nhận ra sự thay đổi đó của đông đảo khách hàng, để có những chuyển động cần thiết.

Bên cạnh đó, việc tạo lập môi trường pháp lý và chính sách đầy đủ, nhằm hoàn thiện tạo điều kiện phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, phù hợp với nhu cầu thị trường và khuôn khổ pháp lý theo thông lệ đang đặt ra có tính cấp bách, nhằm thúc đẩy các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ ngân hàng số cũng là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với các nhà quản lý...