Việt Nam đã có thêm ngân hàng nâng ROA đạt tầm 3,5%

Theo Minh Đức/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Tính đến nay Việt Nam mới chỉ có 02 ngân hàng thương mại đạt được tầm chỉ số hiệu quả này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2020, tại một sự kiện công bố kết quả xếp hạng hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Việt Nam, đại diện lãnh đạo Techcombank phát biểu và nhấn mạnh rằng: Techcombank đứng đầu bảng về hiệu quả hoạt động, khi xét theo chỉ số hiệu quả ROA.

Tại thời điểm đó, hệ số thu nhập trên tài sản (ROA) của Techcombank đạt 2,8%, cao nhất hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Cũng tại thời điểm đó chưa có thành viên nào đạt được tầm trên 3%; hầu hết đều dưới mốc 2%. Thành viên thứ hai đạt được trên 2% là VPBank.

Với kết quả trên, tổ chức tài chính JP Morgan cũng ghi nhận Techcombank là ngân hàng có tỷ số ROA cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đại diện lãnh đạo nhà băng này cũng nhấn mạnh, mức 2,8% đã ngang hàng hiệu quả với tầm khu vực.

ROA là một chỉ số thể hiện tương quan giữa mức sinh lợi của một ngân hàng/doanh nghiệp so với tài sản của họ. ROA cho biết hiệu quả của họ trong việc sử dụng tài sản để kiếm lời. Cùng đó, một chỉ số khác cùng phản ánh hiệu quả hoạt động là hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE), phản ánh mức thu nhập ròng trên vốn cổ phần của cổ đông.

Trong hệ thống NHTM Việt Nam, nếu như trong quá khứ và hiện nay đã có nhiều thành viên từng, đang đạt được ROE rất cao, trên 25% và thậm chí 28-30% (quán quân dự kiến nửa đầu năm nay là VIB), thì hàng chục năm qua chưa từng có một thành viên nào đạt được ROA tầm trên 3,5%.

Ứng viên đầu tiên - Techcombank tiếp tục nâng cao chỉ tiêu này ở kỳ báo cáo mới nhất: kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, ROA của “Ngân hàng đỏ” đã lên tới 3,6%. Với các NHTM đã cập nhật kết quả kinh doanh cơ bản, cũng như dự kiến sắp công bố tuần tới, nhiều khả năng 3,6% là kỷ lục mới của hệ thống.

Điểm được chú ý, vị trí đứng đầu nói trên của Techcombank đã có một thành viên áp rất sát: VPBank.

Theo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022 vừa công bố, ROA của VPBank đã đạt 3,5%, tăng rất mạnh so với mức 2,8% của năm 2021. Đây là thành viên thứ hai của hệ thống NHTM Việt Nam đạt được tầm ROA 3,5%. Bên cạnh chỉ tiêu này, dự kiến VPBank cũng là NHTM sở hữu tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) thấp nhất hệ thống với 20,6% tính đến cuối tháng 6/2022.

Một trong những động lực nâng cao hiệu quả ROA đến từ tốc độ gia tăng lợi nhuận luôn duy trì cao hơn so với tốc độ tăng tổng tài sản, tích lũy chênh lệch này nhiều kỳ đến nay. Với riêng VPBank, một động lực lớn vừa được bồi thêm qua thương vụ bán vốn FE Credit và chuyển dịch thặng dư sang tăng vốn điều lệ năm qua…

Dùng 5kg thịt không có nghĩa trọng lượng cơ thể cũng nặng thêm ngay 5kg. Quá trình hấp thụ nguồn vốn lớn và mới tăng thêm sẽ dần thể hiện ở tốc độ lợi nhuận. Dĩ nhiên còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác để tối ưu quá trình hấp thụ này cho hiệu quả kinh doanh, nhưng động lực tăng và thêm vốn cho thấy sức thúc đẩy quan trọng cho ROA.

Theo đó, với thành viên vừa đạt tầm 3,5% nói trên, động lực mới dự kiến sẽ tiếp tục được bồi thêm: theo lộ trình đã công bố thời gian qua, nhiều khả năng quý 3 này VPBank sẽ kết nối thêm phần thặng dư lớn cho tương lai gần qua bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Song, ở chiều ngược lại, gia tăng nguồn vốn liên tục với mức độ lớn cũng chính là áp lực đối với bất cứ NHTM nào, thậm chí pha loãng hiệu quả kinh doanh trong ngắn hạn bởi quá trình hấp thụ và chuyển tiếp có độ trễ hoặc nếu hấp thụ kém, cũng như phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

Mặt khác, nếu tốc độ gia tăng tổng tài sản vẫn chậm lại không hẳn là tốt. Bởi trong giới lãnh đạo NHTM Việt Nam vẫn từng có câu nói quen thuộc, dù có những quan điểm khác nhau: “Lợi nhuận là nhất thời, thị phần mới là mãi mãi”; thị phần ở đây là tổng tài sản.

Ở khía cạnh này, thị phần và tổng tài sản khối NHTM nhà nước vẫn đang chiếm ưu thế với quanh 1,5 triệu tỷ đồng/thành viên, cỡ gấp đôi so với các NHTMCP top đầu.