Ngân sách đã thu đạt 34,5% dự toán năm
(Taichinh) - Bộ Tài chính cho biết, các khoản thu ngân sách Nhà nước trực tiếp từ sản xuất - kinh doanh tiến độ thu tương đối đồng đều và khả quan.
Theo Bộ Tài chính, kết quả thực hiện thu NSNN tháng 4/2015 ước đạt 79,35 nghìn tỷ đồng. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng thu NSNN thực hiện ước đạt 314,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong tổng thu NSNN nói trên, thu nội địa tháng 4 ước đạt 61,55 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 4 tháng ước đạt 238,7 nghìn tỷ đồng, bằng 37,4% dự toán, tăng 17% so cùng kỳ năm 2014. Nếu không kể tiền sử dụng đất thì tổng thu nội địa tăng 14,5%.
Trong đó, các khoản thu trực tiếp từ sản xuất - kinh doanh tiến độ thu tương đối đồng đều và khả quan. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 35,5% dự toán, tăng 13,8% so cùng kỳ; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 39,5% dự toán, tăng 12,1% so cùng kỳ; thu từ doanh nghiệp FDI 36,5% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ....
Thu NSNN từ dầu thô tháng 4 ước đạt 5 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 4 tháng ước đạt 23 nghìn tỷ đồng. Cùng thời điểm tháng 4, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 12,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu 4 tháng ước đạt 51,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2014.
Các khoản thu còn lại là từ thu viện trợ và thu khác.
Tổng chi NSNN tháng 4 ước 94,75 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi 4 tháng ước đạt 362,7 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN tháng 4 ước 15,4 nghìn tỷ đồng, luỹ kế 4 tháng ước 48,55 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% dự toán năm.
Bộ Tài chính cũng cho biết, nhằm chủ động ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, đảm bảo sự chủ động trong điều hành và giữ vững cân đối NSNN năm 2015 theo dự toán đã được Quốc hội phê duyệt, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2015.
Trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (6,2%).
Đồng thời tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; tăng cường quản lý chi NSNN, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; điều hành ngân sách chủ động, tích cực, bảo đảm cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, thực hiện tạm giữ lại tại KBNN 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Cùng với đó, Bộ đã tiếp tục hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên NSNN năm 2015 theo hướng dừng thực hiện và hủy bỏ dự toán đối với khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán ngân sách giao đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2015 chưa được phê duyệt dự toán, chưa thực hiện bất kỳ công việc nào của công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật.
Rà soát để dừng các đoàn đi công tác nước ngoài theo đúng tinh thần Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài; thực hiện tiết kiệm điện theo Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 1/6/2009 của liên Bộ Tài chính – Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập...
Mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng theo nhận định của Bộ Tài chính, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện NSNN. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Đảm bảo cân đối thu chi ngân sách; triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, phải thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thoát và nợ đọng; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả, cần hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài dự toán; phấn đấu thu NSNN cả năm đạt và vượt dự toán giao.